Aa

Nhà giàu bỏ chạy khỏi Nam Sài Gòn vì mùi thối tấn công

Chủ Nhật, 23/09/2018 - 14:01

Nhà giàu bỏ chạy khỏi Nam Sài Gòn vì mùi thối tấn công; "Hô biến" của công thành của "ông": Đất vàng bị thâu tóm; Thị trường căn hộ: Nhà đầu tư “bỏ tiền” như thế nào cho sinh lời?;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Nhà giàu bỏ chạy khỏi Nam Sài Gòn vì mùi thối tấn công

Anh Trần Hoàng Trung, sống tại lầu 12, chung cư Grandview, (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM), cho biết, anh mua căn hộ này từ 6 năm trước. Khoảng 3 năm trở lại đây, mùi hôi thối bắt đầu xuất hiện nồng nặc và làm ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của gia đình anh.

“Mùi hôi thối thường xuất hiện vào mùa mưa và vào ban đêm. Trung bình mỗi tuần có khoảng 3 ngày mùi hôi thối xuất hiện. Thời gian thối kéo dài khoảng từ 21h30 tới 1h sáng hôm sau. Mùi này giống như mùi hầm cầu hoặc giống như mình ra đường mà đi sau chiếc xe chở rác. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn có mùi hắc hắc, khét khét giống như mùi hóa chất hay mùi đốt rác.

Việc phải sống chung với mùi thối ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của gia đình tôi. Nhiều hôm trên đường đi làm về, còn cách nhà tới mấy cây số đã ngửi thấy mùi thối. Tâm lý lúc nào cũng bị ám ảnh với việc về nhà, vì cứ về là gặp ngay mùi thối. Trước đây, tôi có thói quen chạy bộ buổi tối, nhưng mấy năm nay đã phải từ bỏ vì không chịu được mùi thối khi ra ngoài. Có thể do thường xuyên hít phải mùi thối mà mấy năm nay tôi bị viêm mũi dị ứng, không thể chữa khỏi được”, anh Trung chia sẻ.

Cư dân Nam Sài Gòn phải gánh chịu mùi hôi nhiều năm nay

Cư dân Nam Sài Gòn phải gánh chịu mùi hôi nhiều năm nay

Theo anh Trung, người dân ở chung cư thường vẫn thích sống trên tầng cao để hóng gió mát. Tuy nhiên, ở chung cư Grandview và nhiều chung cư khác quanh khu vực thì càng trên tầng cao, mùi hôi thối càng nồng nặc. “Nhà tôi thường xuyên phải đóng chặt các cửa, bật máy lạnh và đốt tinh dầu thơm để át mùi hôi thối. Sống như vậy rất bí bách và tốn tiền điện”, anh Trung nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Trường (ở tầng 30 chung cư Era Town, phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết: “Tôi chuyển đến chung cư này từ năm 2013 và ngay khi chuyển tới tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối. Thời gian đầu cả gia đình tôi đều bị đau đầu vì hít phải mùi hôi thối. Sống chung với mùi thối lâu rồi thành quen, giờ tôi không bị đau đầu nữa. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, gia đình tôi vẫn thường đóng chặt các cửa mỗi khi ở nhà”.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường căn hộ: Nhà đầu tư “bỏ tiền” như thế nào cho sinh lời?

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, đất nền hay căn hộ đều có sự hấp dẫn riêng. Nếu “bỏ tiền” không đúng chỗ thì đều gặp rủi ro. Vấn đề ở đây là sở thích, tài chính, cơ hội của nhà đầu tư (NĐT) phù hợp với dòng sản phẩm nào.

Theo ông Phúc, nhìn tổng quan, hiện tại thị trường căn hộ trầm lắng hơn trước nhưng phân khúc giá 1-2 tỷ đồng/căn vẫn thu hút dòng tiền của NĐT.

Thị trường căn hộ chia làm 3 phân khúc giá, dưới 1 tỷ đồng, từ 1-3 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng. Trong đó phân khúc dưới 1 tỷ không có sản phẩm bán ra; 1-2 tỷ đồng/căn nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung khan dần; còn phân khúc trên 3 tỷ nguồn cung tương đối nhưng bán chậm hơn vì giá trị cao. 

"Tuy nhiên, những dự án cao cấp có sự đầu tư khác biệt, giao nhà đúng tiến độ vẫn thu hút khách hàng. Loại hình trên 3 tỷ đồng/căn có đối tượng khách hàng riêng là những người nhiều tiền. Nhưng, lượng cầu của phân khúc này nhìn chung ít hơn căn hộ giá 1-2 tỷ đồng/căn, do đó yếu tố thanh khoản kém hơn ", ông Phúc khẳng định.

Ông Phúc cho rằng, phân khúc căn hộ giá 1-2 tỷ đồng/căn thu hút cả NĐT lẫn người mua ở thực bởi dễ mua - dễ bán – dễ cho thuê. Do đó, khi doanh nghiệp vừa tung hàng mới ra, NĐT vào giữ chỗ khá nhiều.

Về tỷ suất lợi nhuận của phân khúc này thì còn tùy thuộc vào lợi thế của mỗi dự án. Mức sinh lời tính trên vốn khách hàng bỏ ra (đóng tiền theo tiến độ) trung bình ở phân khúc 1-2 tỷ đồng/căn rơi vào khoảng 20-50%/năm. Ông Phúc dẫn chứng, nếu khách hàng mua dự án căn hộ giá 1.5 tỷ đồng, thanh toán 30% trong 1 năm, tức khoảng 450 triệu đồng thì có thể bán ra lời từ 100-150 triệu đồng. 

Xem chi tiết tại đây.

"Hô biến" của công thành của "ông": Đất vàng bị thâu tóm

Câu chuyện CPH Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi có kết luận thanh tra lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nghi vấn xung quanh việc sử dụng “đất vàng” sau CPH. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng ngàn mét vuông đất tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước.

Trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), nơi đang có hàng loạt dự án chung cư cao tầng bủa vây. Ít ai tưởng tượng được cách đây hơn chục năm, đa phần đất dự án này là nhà xưởng của ngành công nghiệp nhẹ Thủ đô với những cái tên quen thuộc: Xe đạp Thống Nhất, Nhà máy chế tạo thiết bị chiếu sáng (Hapulico), Dệt Mùa Đông…

Đơn cử như nhà máy Xe đạp Thống Nhất, vào năm 2011, nhà máy liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Cty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng 2 tòa nhà chung cư với diện tích 18.000m2 có tên Thống Nhất Complex tại số 82 Nguyễn Tuân. 

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, còn có chung cư Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan) của Tập đoàn Videc vừa chính thức hoạt động đầu năm 2018. Khu đất này vốn thuộc Cty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (Prosimex), Cty này được thành lập năm 1989, tiền thân là cơ sở tăng gia sản xuất của Bộ Thương mại.

Năm 2014, nhóm cổ đông chi phối liên doanh với Cty CP Tập đoàn Videc để khai thác khu đất trên. Câu chuyện về địa điểm mặt tiền gần 30m, diện tích 2.700m2 tại số 358 đường Láng (gồm 2 mặt tiền đường Láng và đường Yên Lãng) cũng gây xôn xao khi được định giá 0 đồng. Khu đất trên được Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) thuê hàng năm, trong thời hạn 50 năm.

Tuy nhiên, sau khi CPH giá trị quyền sử dụng đất của Cty hoàn toàn bằng 0, không đóng góp vào giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn Nhà nước tại đây.

Ngoài ra có nhiều nơi cũng xảy ra tình trạng tương tự quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình… Điểm chung các trường hợp này bắt nguồn từ các Cty thuộc các bộ, ngành được giao đất lâu năm làm trụ sở, nhà xưởng. 

Xem chi tiết tại đây.

Đất nền sổ đỏ vẫn là kênh đầu tư sáng giá

Theo báo cáo mới nhất của Công ty DKRA Vietnam, nhà cung cấp giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản.DKRA, đất nền vẫn là phân khúc sản phẩm có thanh khoản cao nhất thị trường so với các sản phẩm đầu tư khác. Khảo sát cho thấy, một dự án căn hộ được cho là bán chạy nhất của quận Tân Bình, sau một năm giá trị tăng lên khoảng 25 - 30% là đỉnh điểm. Tuy nhiên, với đất nền, chỉ sau sáu tháng thì giá trị có thể tăng đến 50%.

Khu dân cư An Sương có quy mô 64 héc ta do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) làm chủ đầu tư tại quận 12 là một ví dụ. Không ít nhà đầu tư lướt sóng tại đây đã kiếm được lợi nhuận chỉ trong một thời gian rất ngắn. Đặc biệt, dự án này đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng và ra sổ đỏ từng nền nên nhiều khách hàng an tâm giao dịch.

Anh Duy Việt, một môi giới lâu năm ở khu vực Bình Tân, Gò Vấp, quận 12, khẳng định chỉ riêng trong năm 2018 đã có ba lần giá đất nền có sổ đỏ tại khu vực này lập đỉnh. “Tôi chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư lướt sóng kiếm lời 200 - 300 triệu đồng chỉ sau vài tháng. Rõ ràng đất nền có sổ đỏ vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người”, anh Việt nói.

Xem chi tiết tại đây.

Ba lưu ý không nên bỏ qua khi mua đất thổ cư

Mua được mảnh đất, anh Dũng (quận 7, TP.HCM) định xây nhà cấp 4 nhưng không được phê duyệt do miếng đất anh mua nằm trong khu vực quy hoạch phải xây nhà 4 tầng.

Mua đất rồi, không có khả năng xây nhà theo quy hoạch chung, hàng tháng anh phải đi thuê nhà ở và đang tính đến chuyện bán lại mảnh đất ấy, nhưng lần lữa mãi không bán được vì không ai trả bằng giá lúc anh mua.

Hay trường hợp của chị Minh cũng ngụ tại quận 7, TP.HCM. Chị mua được mảnh đất vuông vức, khá ưng ý nhưng chưa được tách sổ. Chủ đất hứa sẽ tách sổ cho chị khi làm xong giấy tờ, nhưng rắc rối tìm đến khi chủ mảnh đất bất ngờ qua đời. Việc thừa kế chưa được gia đình thống nhất, lại xảy ra tranh chấp dẫn đến việc tách sổ bị dừng lại. Chán nản, mệt mỏi do chưa có sổ đỏ, dù có đất nhưng chị vẫn không thể xây nhà.

Không am hiểu về pháp lý, người mua đã gặp không ít rắc rối khi mua đất ở. Vậy khi mua đất thổ cư, cần phải lưu ý những điều gì?

Trước tiên, cần hiểu khái niệm đất thổ cư là chỉ đất dùng để ở. Luật Đất đai 2013 quy định, đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, nghĩa là gồm cả đất ở đô thị và nông thôn. Loại đất này dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ đời sống dân cư. Ngoài ra, đất vườn ao gắn với nhà ở trên cùng một thửa đất thuộc khu dân cư cũng đã được nhà nước công nhận là đất ở.

Xem chi tiết tại đây.

Ba làn gió mới trên thị trường bất động sản Việt Nam

Nguồn cung văn phòng truyền thống hạn chế đã thúc đẩy loại hình không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ phát triển nhanh hơn. TP.HCM hiện đang đứng thứ 4 ở Đông Nam Á về số lượng không gian văn phòng làm việc linh hoạt tính theo mét vuông.

Theo Công ty tư vấn bất động sản JLL, giá thuê văn phòng làm việc chia sẻ rẻ hơn giá thuê văn phòng truyền thống khoảng 5%, song đây không phải là tư duy ngay từ ban đầu với người đi thuê. Họ chọn nơi này là vì tạo được môi trường làm việc tích hợp với nhiều startup, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ năng động cùng làm việc để có thể hiểu hơn về ngành và về đối thủ cạnh tranh của họ. 

Ở Việt Nam, hiện nay có thể điểm danh vài tên tuổi Indochina Capital, chủ sở hữu tòa nhà văn phòng hạng A Indochina Plaza Hà Nội đã đầu tư vào Toong, công ty coworking lớn nhất Việt Nam vào năm 2017. Toong cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với CapitaLand để phát triển không gian làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau. Son Kim Land đã khai thác không gian trong tòa nhà Empress Building với coworking đầu tiên của họ có tên gọi Empress Business Centre. Tập đoàn Trung Thủy, chủ nhân của tòa cao ốc Miss Ao Dai và Dreamplex Building cũng đã thành lập coworking Dreamplex.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho biết hiện tại các nhà đầu tư đang theo đuổi loại hình không gian làm việc chung theo 2 hình thức. Một là doanh nghiệp có đất và tự đầu tư xây dựng cũng như khai thác cho thuê. Hai là các các công ty lớn trên toàn cầu họ thuê lại văn phòng và vận hành nó như một không gian làm việc chung.

Điển hình như nhà điều hành văn phòng kiểu mới của Mỹ là WeWork đã nhắm đến một cao ốc có vị trí đắc địa tại quận 4 để kinh doanh mặt bằng cho thuê theo mô hình mới này. Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường cũng như thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý 3/2018.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top