Aa

Nhà ở xã hội vẫn trong vòng luẩn quẩn

Chủ Nhật, 16/09/2018 - 14:15

Nhà ở xã hội vẫn trong vòng luẩn quẩn; Ai đang dẫn dắt phát triển đô thị?; Thị trường bất động sản có tình trạng "hưng phấn bất hợp lý"; Thanh tra đột xuất về đất đai tại Hoài Đức... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhà ở xã hội vẫn trong vòng luẩn quẩn

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại TPHCM chia sẻ nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào nhà ở xã hội. Nguyên nhân là thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở xã hội tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư. Trong khi đó, lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không được tự quyết định về giá bán.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội chưa đủ sức bật, các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu và có tính quyết định thì lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng. Cụ thể gói 30.000 tỉ đồng kết thúc nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo vẫn chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.

Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp. Ảnh: Nguyên Đăng

Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp. Ảnh: Nguyên Đăng

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiện nay có khoảng có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích 8.435.000 mét vuông đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu nguồn vốn tín dụng, đặc biệt, kể từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng hết hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K Group, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng rất nhanh, hàng năm, các đô thị lớn đón hàng trăm nghìn người đổ về làm việc, kéo theo nhu cầu về nhà giá rẻ rất lớn.

Tuy nhiên, việc tạo nguồn cung nhà ở phù hợp với thu nhập của những đối tượng này không hề dễ dàng. Những dự án nhà ở xã hội thường có vị trí nằm cách khá xa trung tâm thành phố. Ngoài ra, để sở hữu được nhà ở xã hội, người mua cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục khó khăn. Đối với các doanh nghiệp đầu tư, họ cũng mất nhiều thời gian để làm thủ tục, phải qua nhiều bước mới có thể xây dựng được dự án, nên họ cần có một tỷ lệ phần trăm căn hộ trong dự án để kinh doanh, bù vào phần bán cho người thu nhập thấp.

Ông Trân cũng lưu ý rằng mặc dù nhà ở xã hội dành cho những người thu nhập thấp nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng và các yếu tố xã hội cơ bản của cuộc sống.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ai đang dẫn dắt phát triển đô thị?

Tư duy quy hoạch và sử dụng đất vàng như hiện nay đang khiến những mảnh đất vàng dần bị tư nhân hóa, phục vụ những nhóm lợi ích.

Một cơ chế quyết định phát triển đô thị hiện nay vẫn được hầu hết các địa phương cấp tỉnh áp dụng là: Thứ nhất, nhà nước quản lý phát triển bằng quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch; Thứ hai, các nhà đầu tư (tư nhân) dựa vào quy hoạch đã được phê duyệt đề xuất dự án đầu tư; Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt cả điều chỉnh quy hoạch.

Nhà nước đang nhường quyền dẫn dắt phát triển đô thị cho các nhà đầu tư tư nhân (Ảnh: Cao ốc mọc lên san sát trên tuyến đường Lê Văn Lương - Hà Nội)

Nhà nước đang nhường quyền dẫn dắt phát triển đô thị cho các nhà đầu tư tư nhân (Ảnh: Cao ốc mọc lên san sát trên tuyến đường Lê Văn Lương - Hà Nội)

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở xã hội cho thuê "chết yểu": Nghịch lý bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ

Nhà ở xã hội cho thuê là một phân khúc quan trọng trong chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta xuất hiện một nghịch lý, trong khi các nước đang phát triển trên thế giới, hay kể cả những nước đã phát triển giầu có hơn Việt Nam nhiều, như Nhật Bản chẳng hạn, phần lớn người dân thuê nhà ở chứ không mua nhà (chi phí quá lớn)./năm thì Việt Nam lại tập trung đầu tư phát triển ở thương mại, mà không đầu tư loại nhà ở cho thuê, nhà xã hội cho thuê. Rõ ràng nhu cầu thuê NƠXH của người dân tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... là vô cùng lớn, chính sách cho loại hình này đã có, vậy lý do gì khiến NƠXH cho thuê rơi vào tình trạng "thoi thóp" như hiện nay?

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sàn Bất động sản Eurowindow Holding.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản có tình trạng "hưng phấn bất hợp lý"

Báo cáo chỉ ra rằng, sự hưng phấn bất hợp lý” là yếu tố cốt lõi đằng sau các cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này thường xảy ra khi sự lạc quan vào tăng trưởng kinh tế lên cao và dòng vốn từ thị trường tài chính bị phân bổ lệch lạc. Trong suốt thời kỳ này, hiện tượng lạm phát giá tài sản gia tăng khi cả người đi vay và người cho vay đều sẵn sàng rót vốn vào các tài sản đầu cơ, qua đó xuất hiện tình trạng tỷ lệ tiết kiệm và vay mượn diễn biến trái chiều.

Tại Việt Nam, các chuyên gia phân tích ghi nhận những dấu hiệu ban đầu của tình trạng “hưng phấn bất hợp lý”, đặc biệt trên thị trường bất động sản. Sau giai đoạn hồi phục kể từ lần chạm đáy năm 2012, hoạt động đầu cơ đang gia tăng trở lại. Tại thị trường căn hộ, chúng tôi ghi nhận gần 1/2 số giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu cơ. Điều này đã đẩy giá căn hộ lên cao. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ lan rộng tại thị trường đất nền. Những tin đồn liên quan tới các dự án cơ sở hạ tầng và kỳ vọng thái quá của giới đầu cơ đã thổi giá trị tài sản bất động sản trong thời gian qua.

Theo khảo sát của Rồng Việt cho thấy, giá đất tại một số quận, huyện mới phát triển tại Hà Nội và TP.HCM đã tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại thành phố loại 1, loại 2 và đất nông nghiệp xung quanh khu vực đặc khu kinh tế cũng ghi nhận sự bùng nổ bất hợp lý.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Công nghệ 4.0 “kích hoạt” phát triển tài chính tiêu dùng

Theo báo cáo mới nhất của Stockplus, các công ty tài chính hàng đầu hiện đang trong giai đoạn nắm bắt thị phần và bước vào giai đoạn “chuyên nghiệp hóa”. Trong giai đoạn mới này, việc số hóa quy trình cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên 4.0 được xem là chiến lược cần thiết để doanh nghiệp bứt phá và đảm bảo vị thế của mình trong tương lai.

Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của người tiêu dùng đặc biệt là nhu cầu chi tiêu cá nhân, cải thiện nhà ở, dự kiến số lượng các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào tự động hóa quy trình; nâng cấp và sáng tạo các dịch vụ, sản phẩm là yếu tố thiết yếu nhằm tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thanh tra đột xuất về đất đai tại Hoài Đức

Ngày 14/9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo về việc thanh tra đột xuất việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2019.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quy hoạch xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng tại UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top