Aa

Nhà thuốc "mọc" lên trong trụ sở công ty CP Tổng công ty công trình Đường sắt

Thứ Hai, 12/10/2020 - 07:50

Mặc dù cho Nhà thuốc Mega 3 thuê mặt bằng từ năm 2012 khi vẫn còn là một doanh nghiệp Nhà nước, chưa cổ phần hoá nhưng Công ty cổ phần Tổng công ty Đường sắt vẫn cho rằng, việc đó là đúng quy định.

Thời gian qua, câu chuyện số phận “đất vàng” sau khi cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp chưa đem lại hiệu quả cao. Thậm chí, tại một số đơn vị, việc cổ phần hoá chỉ mang hình thức núp bóng để “thôn tính” vì mục tiêu “đất vàng”. Một số đơn vị sau cổ phần hoá vài năm làm ăn bết bát, không đúng chuyên ngành, còn quỹ đất nơi đó để cho thuê, hoặc sử dụng mục đích khác... Đó cũng là sự việc đang xảy ra tại Công ty cổ phần Tổng công ty công trình Đường sắt (RCC).

Công ty cổ phần Tổng công ty công trình Đường sắt (RCC) được thành lập ngày 05/11/1973 với chức năng nhiệm vụ chính là xây dựng các công trình giao thông đường sắt, đường bộ; tư vấn đầu tư, tư vấn giám sát và thiết kế các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp; đầu tư, kinh doanh bất động sản; sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng...

Siêu thị thuốc Mega 3 đã "mọc" lên trong trụ sở của Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt từ năm 2012.

Hiện nay, trụ sở chính của Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt nằm ở toà nhà số 33 Láng Hạ, Hà Nội. Đây cũng là một trong những khu “đất vàng” có vị trí rất đắc địa khi nằm trên một trong những con phố huyết mạch của thủ đô Hà Nội.

Tháng 4 năm 2018, RCC đã hoàn thành xong việc cổ phần hoá toàn bộ các đơn vị thành viên trong tổng công ty, kết thúc thoái 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, doanh nghiệp này làm ăn bết bát, tất cả các chỉ tiêu đều không đạt. Do công tác tìm kiếm việc làm hạn chế, nhiều công trình không ký kết được với chủ đầu tư mà phải làm thầu phụ... nên kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2019 không tốt, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh không đạt kế hoạch đã đặt ra, do không có lợi nhuận nên công ty không có cổ tức để chi trả cho cổ đông và trích lập các quỹ theo quy định.

Điều đáng nói, hiện nay doanh nghiệp này đang tận dụng “đất vàng” để cho thuê mặt bằng. Theo đó, trong trụ sở của công ty cổ phần Tổng công ty công trình Đường sắt “mọc” lên một nhà thuốc có quy mô lớn nhất miền Bắc, có tên Siêu thị thuốc Mega 3. Theo tìm hiểu của PV, trên website https://mega3.vn của nhà thuốc này giới thiệu, nhà thuốc đã xuất hiện ở trụ sở của RCC từ năm 2012, khi đó RCC vẫn là một doanh nghiệp Nhà nước, chưa thực hiện cổ phần hoá. 

Theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp sử dụng đất không đúng, không phù hợp với phương án sắp xếp cổ phần hoá thì phải trả lại Nhà nước để sử dụng cho mục đích khác. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước có thể thu hồi đất nếu doanh nghiệp sử dụng, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng từng khẳng định, Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai quy định rõ Chính phủ thực hiện quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp nhà nước. Các quy định pháp luật cũng quy định các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương và kế hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định số 126/2017/NĐ-CP cũng quy định công ty cổ phần sử dụng đất đúng mục đích, sau 60 ngày cổ phần hoá, doanh nghiệp phải thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm, sát giá thị trường. Doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích được phê duyệt thì phải trả đất cho nhà nước. Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì xác định giá trị sử dụng đất qua hình thức đấu giá theo Nghị định số 32 của Chính phủ.

Quy định rõ ràng là thế, vậy nhưng khi trao đổi với PV về sự việc này, ông Lượng – Trưởng phòng hành chính Công ty cổ phần Tổng công ty công trình Đường sắt cho rằng, việc RCC cho thuê mặt bằng để doanh nghiệp khác kinh doanh là đúng quy định?!

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (BCĐ) chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của BCĐ. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN, Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hoá, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này. 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các DN. Đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của DN thì tập trung về một đầu mối để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả.

UBND TP Hà Nội và TPHCM đẩy nhanh tiến độ việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất; cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các DN CPH trực thuộc, DN thực hiện CPH có đất đai nằm trên địa bàn. Thực hiện có kết quả kế hoạch CPH, thoái vốn theo tiến độ được phê duyệt. Chú ý xử lý sau thanh tra tại 2 thành phố này để thu lại tài sản theo kết luận của thanh tra. Nếu không thực hiện thì xác định rõ đây là trách nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm, chứ không phải tiền nhiệm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, để ngăn ngừa hiện tượng doanh nghiệp “ôm đất vàng” khi cổ phần hóa gây thất thoát ngân sách và lãng phí hạ tầng, Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa một số quy định liên quan nhằm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nắm giữ diện tích đất đang quản lý mặc dù không phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top