Aa

Nhận định về thị trường, giá cả 2018 và dự báo cho 2019

Thứ Năm, 03/01/2019 - 12:30

Sáng ngày 3/1, tại Hà Nội, Học viện Tài chính, Viện Kinh tế Tài chính tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo 2019".

Hội thảo nhằm phân tích về các khía cạnh liên quan đến thị trường năm 2018 trên cơ sở đó có những căn cứ khoa học và thực tiễn để dự báo và đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát, thực hiện tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 và những năm tiếp theo. 

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, nhưng với nội lực của nền kinh tế đất nước, cùng với những giải pháp kiềm chế lạm phát được triển khai quyết liệt, năm 2019, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4%.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính thông tin, kinh tế thế giới năm 2018 diễn ra với biểu hiện tăng trưởng chậm lại so với năm 2017 và còn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2018 gặp những thuận lợi từ kết quả phát triển tích cực trong năm 2017 nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn như thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp… 

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài Chính, Học viện Tài chính. 


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2018 tăng 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 – 2018. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 3,76% (đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85% (đóng góp tới 48,6%); khu vực dịch vụ tăng 7,03% (đóng góp 42,7%). 

Theo ông Minh, tăng trưởng GDP năm 2018 có điểm đáng chú ý là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 – 2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%… 

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính – Học Viện Tài chính, trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 là do giá dầu giảm mạnh trong 2 tháng qua, từ mức trên 70 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/ thùng. Với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong năm trước, giảm mạnh so với mức 3,98% trong tháng 10/2018. 

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019. Bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm tới nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm, cũng như lạm phát trung bình cả năm 2019. 

Cũng theo ông Độ, ngoài yếu tố giá dầu giảm còn nhiều yếu tố khác giúp kiềm chế lạm phát như giá thịt lợn năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng; áp lực đối với tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang ở trong giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không tăng mạnh như trước. Một yếu tố tích cực nữa là căng thẳng Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt. 

Đánh giá về những yếu tố bất lợi đối với việc kiềm chế lạm phát năm 2019, TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, giá hàng hóa thế giới năm 2019 được dự báo có thể tăng và việc FED dự định sẽ tăng tiếp lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Từ đó, đồng USD sẽ tăng giá tạo sức ép lên tỷ giá và gây sức ép lên lạm phát. 

Về các yếu tố trong nước, mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát. Bên cạnh đó, việc một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; giá điện được duy trì ở mức tương đối thấp khá lâu cũng có thể tăng, thuế đánh vào xăng dầu tăng kịch trần là những yếu tố gây tăng lạm phát. 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát. Theo đó, CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản các năm gần đây cũng đạt thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào; kinh tế vĩ mô ổn định... 

Ông Phương cho rằng, với những yếu tố thuận lợi, nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2019.

Phương Thảo

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top