Aa

Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch COVID-19

Thứ Ba, 09/06/2020 - 06:00

Chiều 8/6, thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, các đại đại biểu khẳng định, dù nửa đầu năm 2020 ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch, vừa đảm bảo kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực để đầu tư và phát triển.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng phải đặt ra những mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới, có chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch

Đánh giá về kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19, tại phiên họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, công tác phòng, chống dịch của Việt Nam có sự đồng thuận rất lớn của nhân dân; bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả. Trong khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm, Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều yếu tố chưa thể lường định được hết, lần này, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận ở tổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đánh giá cao các giải pháp Chính phủ vừa qua đã triển khai, điều hành linh hoạt, kịp thời, có sự đồng lòng của xã hội, từng người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục đưa ra một số phương án tăng trưởng với những định lượng cụ thể về tác động của dịch đối với nền kinh tế.

"Cần chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào bị tác động đến đâu. Vì có những ngành sẽ phục hồi nhanh, ngành phục hồi chậm, từ đó đưa ra được những giải pháp cụ thể", đại biểu nhấn mạnh, chính sách phải đi sát thực tiễn và cụ thể.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Nhu cầu du lịch của người dân rất cao. Với những giải pháp để kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa, ngành Du lịch cần chủ động đề xuất, cùng với đó là sự trợ lực của nhà nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng sản xuất hàng hóa nội địa, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. "Chúng ta cần chỉ rõ ngành nào đang cần đẩy mạnh, hàng hóa nào người Việt Nam đang có nhu cầu lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước", đại biểu nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đồng tình quan điểm cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch, cũng như chuẩn bị đón thu hút đầu tư FDI, điều này các nước đã, đang tiến hành mạnh mẽ. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, tránh đầu tư cào bằng, không tạo được động lực và sức lan tỏa.

Còn nhiều mục tiêu trước mắt

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và các thị trường của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới. Mục tiêu thứ nhất là phải giữ thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là. Thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ ba là bảo đảm được an sinh xã hội, vừa qua đã triển khai rất nhanh các gói hỗ trợ người dân, tới đây cần làm tốt hơn. Thứ tư là phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân thảo luận ở tổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

“Từ đầu năm đến nay, khoảng 26.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, con số này tăng. Nhưng số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể giảm, tức là doanh nghiệp vẫn chờ cơ hội để phục hồi, phát triển. Đây là tín hiệu tốt, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách thuế, phí...”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Thứ năm là giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh. Nếu giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay, hiệu quả rất tốt, thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, tránh dàn trải, thiếu kiểm soát - đại biểu chỉ rõ.

“Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng điều mà họ cần nhất bây giờ là tồn tại. Doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn, mà tài sản thế chấp hiện đang là điểm vướng lớn. Các ngân hàng bây giờ đang rất thận trọng cho doanh nghiệp vay, do đó cần có tổ chức, nhất là các quỹ tín dụng đứng ra bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước phải hỗ trợ quỹ tín dụng làm việc này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top