Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS vẫn đua nhau tăng trần dù VN-Index rung lắc trong phiên 4/12

Thứ Bảy, 05/12/2020 - 06:52

Thị trường có sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột khiến các chỉ số biến động trong biên độ hẹp, tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục bứt phá.

Thị trường chứng khoán biến động hẹp trong phiên 4/12 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Khác với các phiên trước, áp lực bán trong phiên 4/12 là lớn hơn nhiều sau khi VN-Index tiến đến mốc 1.025 điểm.

Các cổ phiếu giúp nâng đỡ cho VN-Index và HNX-Index là KDC, SAB, MSN, CTG, ACV… Trong đó, KDC tăng 5,8% lên 38.000 đồng/cp và khớp lệnh gần 2 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu công ty con của KDC là KDF tăng 4,3% lên 46.300 đồng/cp. Ngày 11/12 tới đây, KDF sẽ thực hiện hủy đăng ký giao dịch toàn bộ 56 triệu cổ phiếu KDF trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để tiến hành sáp nhập vào KDC. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu KDF trên HNX là 10/12/2020.

SAB tăng 3,6% lên 202.000 đồng/cp, MSN tăng 3,1% lên 86.000 đồng/cp, ACV tăng 2,2% lên 73.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng gây ra rất nhiều khó khăn cho các chỉ số khi đồng loạt giảm. Trong đó, VCB giảm 2,6% xuống 91.100 đồng/cp, VPB giảm 1,8% xuống 27.800 đồng/cp, SHB giảm 1,7% xuống 17.000 đồng/cp, TCB giảm 0,8% xuống 24.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, nhiều mã vẫn duy trì được sự tích cực bất chấp những diễn biến rung lắc của thị trường chung. Các mã như GVR, PPI, MH3, HD2, HTT, HD6, D11, PVR và TDH vẫn được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, CEO tăng 6,8% lên 7.800 đồng/cp, HPX tăng 6,6% lên 28.150 đồng/cp, DXG tăng 3,1% lên 14.850 đồng/cp

DIG tiếp tục tăng 3,1% lên 26.500 đồng/cp. DIG mới đây có thông báo kế hoạch triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. Thời điểm chốt danh sách cổ đông trong tháng 12 và thời gian họp dự kiến trong tháng 1/2021, tại Vũng Tàu. Các nội dung chính là miễn nhiệm/bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022; sửa đổi điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Việc công ty triệu tập đại hội bất thường diễn ra sau khi cơ cấu cổ đông có biến động lớn. Him Lam Land đã mua 67,7 triệu cổ phiếu DIG để trở thành cổ đông lớn sở hữu 21,49% vốn. Ngoài ra, Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng mua 47,2 triệu cổ phiếu DIG và tăng lượng nắm giữ lên 57,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,09% vốn.

Dù vậy, khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao đã giảm giá trong phiên cuối tuần. Trong đó, HQC giảm 1,8% xuống 1.670 đồng/cp, TCH giảm 1,7% xuống 19.700 đồng/cp, FLC giảm 1,4% xuống 4.210 đồng/cp…

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 1,69 điểm (0,17%) lên 1.021,49 điểm. Toàn sàn có 197 mã tăng, 246 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,49 điểm (0,32%) lên 152,48 điểm. Toàn sàn có 85 mã tăng, 77 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,59%) xuống 68,61 điểm.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 670 triệu cổ phiếu, trị giá 12.160 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.480 tỷ đồng. ITA và TCH là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách các mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường. ITA khớp lệnh 22,3 triệu cổ phiếu còn TCH là 19,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng nhẹ khoảng 44 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VRE là mã bất động sản duy nhất bị bán ròng mạnh với 25 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và DXP là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với lần lượt 19 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.

Chốt tuần, VN-Index tăng 20,22 điểm (+2%) lên 1.010,22 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,7%) lên 148,17 điểm. Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 12.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 10,7% lên 53.589 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,4% lên 2,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 7% lên 5.805 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,8% lên 355 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức tăng cùng với thanh khoản khớp lệnh thấp hơn trước tuần tăng trước đó, điều này cho thấy lực cầu mua lên đang có những sự thận trọng nhất định. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019) và áp lực bán trong khoảng này sẽ gia tăng và khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tiếp tục duy trì basis dương 3,39 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (07/12 - 11/12), VN-Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trong vùng kháng cự 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể bán ra chốt lời khi thị trường nằm trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm để giải ngân trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top