Nhiều đại gia đổ xô về thị trường tỉnh lẻ

Quỹ đất TP.HCM ngày càng eo hẹp và đắt đỏ, cùng với thủ tục đầu tư dự án bị siết chặt, khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc TP HCM chuyển hướng về các địa phương khác để tìm cơ hội đầu tư. Theo các chuyên gia, xu hướng này còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

23:30 08/11/2018

dai gia dia oc tp hcm do tien ve tinh le
Nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đang hướng dòng tiền về thị trường tỉnh lẻ.

Sôi động M&A thị trường bất động sản tỉnh lẻ

Thị trường địa ốc phía Nam gần đây chứng kiến làn sóng nhiều doanh nghiệp TP HCM đổ mạnh dòng vốn đầu tư về các tỉnh lẻ.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mới đây, Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát, một doanh nghiệp có khá nhiều dự án tại TP.HCM đã mua lại thành công một dự án bất động sản tại Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) từ Công ty Việt Úc và đang lên kế hoạch triển khai dự án này.

Giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ, song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đây là dự án nghỉ dưỡng có quy mô diện tích 26 ha, được tỉnh Bình Thuận đưa ra đấu giá vào tháng 5 vừa qua với sự tham gia của khá nhiều “đại gia” tên tuổi như Hưng Thịnh, Đất Xanh…

Sau đó, Công ty Việt Úc đã trúng đấu giá với mức giá 772 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với giá khởi điểm 372 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì, mới đây Công ty Việt Úc đã chuyển nhượng lại dự án này cho Công ty Hưng Lộc Phát.

Một thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) “nóng hổi” khác cũng xuất phát từ “đại gia” địa ốc Sài Gòn là thương vụ do Công ty Bất động sản Netland “bắt tay” với một đối tác Nhật Bản mua đứt một dự án từ Công ty Sông Đà Nha Trang. Dự án có quy mô diện tích hơn 11.000 m2 tại mặt tiền đường Trần Phú, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo kế hoạch, liên doanh Netland và đối tác Nhật Bản sẽ phát triển khu đất này thành một dự án căn hộ đẳng cấp bao gồm 3 block với khoảng hơn 1.500 căn hộ, tổng giá trị đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

dai gia dia oc tp hcm do tien ve tinh le

Thị trường các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành “sân chơi” mới của đại gia địa ốc TP.HCM

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, còn nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác của TP HCM cũng rót tiền về tỉnh lẻ thực hiện các thương vụ M&A dự án bất động sản.

Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi gần 3.000 tỷ đồng mua lại một dự án tại Đồng Nai để phát triển thành dự án Biên Hòa New City. Trước đó, nguồn tin từ Hưng Thịnh cho biết, cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại 4 dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hay một loạt đại gia bất động sản lớn khác ở TP HCM cũng đã rộn ràng, hoặc âm thầm mở rộng phạm vi phát triển ra các thị trường mới như Phúc Khang Corp với chuỗi sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Novaland với khá nhiều dự án có quy mô lớn ở Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ…

“Sân chơi” mới nhiều hứa hẹn

Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, với thị trường địa ốc phía Nam, nếu xác định TP.HCM là đầu tàu, thì các địa phương lân cận được xem là thị trường ngách.

Việc nhiều chủ đầu tư lớn rót tiền đầu tư dự án ở các dự án ở thị trường tỉnh lẻ đã kéo theo các nhà đầu tư thứ cấp chuyển hướng dòng tiền về các thị trường này, nhất là đối với những địa phương có biển, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, đầu tư cho thuê và có hạ tầng phát triển như Bà Rịa -Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Asia New Time cho rằng, việc giá nhà đất tại TP.HCM tăng quá nóng thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng đầu tư nhà đất ở tỉnh lẻ tăng mạnh. Cụ thể, giá nhà đất tại TP.HCM đã tăng trung bình từ 16 - 40%, đặc biệt nhiều khu vực tăng 20 - 30%, thậm chí có nơi tăng đến 50% trong 1 năm qua. Khu Tây TP HCM trước đây vốn có giá bình ổn, nay cũng tăng 20%.

Trong khi đó, giá đất tại các địa phương lân cận hiện chỉ dừng ở mức 500 - 800 triệu đồng/nền, phù hợp tài chính với nhiều nhà đầu tư tầm trung tại TP.HCM. Bên cạnh đó, hạ tầng liên tục phát triển, kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận được rút ngắn, không chỉ thuận lợi giao thương, mà hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch cũng thuận lợi và dễ sinh lời hơn.

Nhìn nhận về xu hướng chuyển dòng tiền về tỉnh lân cận trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, nếu sinh sống ở TP.HCM và phải lựa chọn thị trường tỉnh lẻ để đầu tư, nhà đầu tư nên chọn những nơi có thể đến và đi dễ dàng bằng xe hơi.

“Trong bối cảnh thị trường nhà đất TP.HCM tăng quá nóng như hiện nay, nhiều khả năng trong thời gian tới, dòng tiền từ nhà đầu tư sẽ đổ dồn về các thị trường ngách, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Cần Thơ, Đồng Nai hứa hẹn là những điểm đến lý tưởng”, ông Tiến đánh giá.

Một nguyên nhân khác, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, xét về yếu tố cơ hội thị trường có lẽ không đâu bằng TP.HCM, bởi đây là thành phố động dân nhất nước, nhu cầu nhà ở vô cùng lớn.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay của TP.HCM là quỹ đất ngày càng khan hiếm, giá đất tăng cao, thủ tục để đầu tư dự án ngày càng bị siết chặt, dẫn đến các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong việc tạo quỹ đất, đưa sản phẩm ra thị trường. Do vậy, đầu tư tại các tỉnh lẻ, những khu vực có kết nối hạ tầng giao thông tốt sẽ trở thành “sân chơi” đầu tư mới của các doanh nghiệp địa ốc nhắm đến.

Theo Tăng Triển / Đầu tư Bất động sản

Bạn đang đọc bài viết Nhiều đại gia đổ xô về thị trường tỉnh lẻ tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận