Aa

Nhiều “gậy chống lưng”, Hoành Sơn không ngại làm liều?

Thứ Năm, 12/10/2017 - 22:41

Bằng cách nào Hoành Sơn có thể qua mặt Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc để trở thành nhà cung cấp than cho Nhiệt điện Vũng Áng?

Bán than sai phạm, Hoành Sơn được “bật đèn xanh”? 

Theo kết luận thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký về việc mua bán than tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn) đã bộc lộ nhiều sai phạm.

Tại dự án bán than cho Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1, Kết luận thanh tra đã chỉ rõ Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 từ hai công ty ở Hà Nội và Hải Phòng.

Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của Hợp đồng: Trong quá trình thực hiện, sản lượng mua thực tế là 793.681,76 tấn quy ẩm đạt 88,19% sản lượng ký kết, từ tháng 5 đến tháng 10/2015, sản lượng mua thực tế là 224.403,28 tấn quy ẩm đạt 74,8% sản lượng ký kết; từ tháng 5 đến tháng 12/2015, sản lượng mua thực tế là 403.383,27 tấn quy ẩm đạt 67,23% sản lượng ký kết; từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết.

Công ty tiến hành ký bổ sung 2 Phụ lục cung cấp than cho NMNĐ Vũng Áng 1 không đúng với Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Cũng theo kết luận thanh tra, trong việc đề xuất lựa chọn Công ty Hoành Sơn, Ban QLDA NMNĐ Vũng Áng 1 mới chủ yếu dựa vào các văn bản giới thiệu của tỉnh Hà Tĩnh,  chưa chi tiết, cụ thể về điều kiện thực tế cung cấp than tại NMNĐ Vũng Áng 1 và năng lực của Công ty (không có biên bản kiểm tra hiện trạng kho bãi của Công ty Hoành Sơn).

Ban QLDA chưa rà soát kỹ nguồn gốc than của Công ty Hoành Sơn theo Thông tư số 14/2013/TT-BCT ngày 15/7/2013 của Bộ Công Thương và Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để đề xuất PVN trước khi ký Hợp đồng mua bán than.

Ban QLDA tiếp tục ký 2 Phụ lục bổ sung tổng cộng là 600.000 tấn than với Công ty Hoành Sơn theo chỉ đạo của Tập đoàn tại Công văn số 7834/DKVN-TNTT ngày 09/11/2015 và Công văn số 9139/DKVN-TMTT ngày 29/12/2015 là không đúng với nội dung trong Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban QLDA không thực hiện chặt chẽ chế tài trong Hợp đồng Mua bán than số 122/VQPP-HS/04-2015/VA1 dẫn đến sản lượng mua thực tế (tại thời điểm thanh tra) là 793.681,76 tấn quy ẩm chỉ đạt 88,19% sản lượng ký kết. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, Ban QLDA không thông báo cho Công ty Hoành Sơn về nhu cầu sản lượng cung cấp hàng tháng. Số lượng thực tế cung cấp không đạt so với sản lượng ký kết trong từng giai đoạn của Hợp đồng.

Hồ sơ thanh toán đối với than nhập đường bộ trộn tại kho than NMNĐ Vũng Áng 1 không đầy đủ theo quy định về Chứng thư giám định khối lượng, chất lượng cảng xuất (vì phối trộn và lấy mẫu tại Kho NMNĐ Vũng Áng 1).

Ban QLDA và PV Power tiếp nhận than vận chuyển bằng đường bộ (trước ngày 03/9/2015) với tổng khối lượng than là 108.260,38 tấn (theo cân của Công ty Hoành Sơn) và được hai bên thống nhất căn cứ đo thử nghiệm 10 chuyến vận chuyển để xác định hao hụt là 0,1%. Trong giai đoạn này, việc không cân đo khối lượng tại cổng nhà máy là chưa thực hiện đúng quy định đã cam kết.

Với vai trò là các Bên thực hiện thủ tục ký xác nhận khối lượng than bàn giao bằng đường bộ, Ban QLDA và PV Power chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tổ chức giao nhận theo quy định của Hợp đồng số 122/VQPP-HS/04-2015/VA1 trong việc nhập 128.371,4 tấn than phối trộn thực hiện tại nhà máy.

Tất cả vấn đề này làm dấy lên câu hỏi, có chăng việc Hoành Sơn và Ban QLDA cùng bắt tay để xảy ra sai phạm có lẽ đã được bật đèn xanh? Điều đáng nói là Hoành Sơn tại sao được đặc cách lựa chọn cung cấp than cho Nhiệt điện Vũng Áng khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015, yêu cầu PVN phải mua than trong nước của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc.

Theo nguồn tin riêng, Hoành Sơn là chỗ thân tín với Tập đoàn Dầu khí. Trước đó, doanh nghiệp này từng ký kết làm ăn tại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng của PVN. Năm 2016, Hoành Sơn trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 51,1% vốn điều lệ của dự án cảng biển Phước An. Trước đó, PVN là cổ đông chính nắm giữ gần 80% cổ phần. Dự án cảng này được biết có tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng.

Mua đất vàng Hà Nội, Hoành Sơn có người bảo lãnh

Cách đây không lâu, doanh nghiệp tỉnh lẻ này cũng từng gây xôn xao dư luận khi thâu tóm được đất vàng Hà Nội.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn "vượt mặt" nhiều đại gia BĐS Thủ đô để trở thành đối tác khai thác đất vàng tại trụ sở cũ của Cao su Sao vàng. Dẫu Hoành Sơn không phải là đơn vị trả giá cao nhưng đã làm cùng với Tập đoàn hóa chất Việt Nam nhiều dự án nên được tin tưởng là có năng lực tài chính.

Khu đất vàng 62.400m2 tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đã được rậm rịch làm dự án mới từ hồi 2008 - 2009 khi Công ty Cổ phần Cao Su Sao Vàng (mã SRC) có chủ trương di dời nhà máy ra ngoại thành.

Giới đầu tư địa ốc Thủ đô luôn đặt câu hỏi vì sao dự án lại không được triển khai đã hơn nửa thập kỷ trên giấy? Mặc dù khu đất được nhiều “ông lớn” địa ốc thèm muốn. Và đương nhiên không phải vì khu đất không được giá, mà chính bởi sự không đồng thuận của cổ đông.

Đến năm 2012, SRC đã trình các cổ đông phương án đầu tư của 2 doanh nghiệp là CTCP Tập đoàn Phú Mỹ và CTCP bất động sản Việt Hưng. Khi đó đối tác đưa ra phương án hỗ trợ SRC kinh phí di dời nhà máy để lấy đất xây dựng dự án là 720 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,4 triệu đồng/m2 mà theo lãnh đạo SRC là ngang với mức kinh phí của một số dự án quanh đó lúc bấy giờ. Thế nhưng, phương án này đã vấp phải sự phản đối lớn nhất từ phía Tập đoàn Hóa Chất (khi đó nắm 51% SRC) với lý do là chưa định giá rõ khu đất và năng lực đối tác.

Đến tháng 4/2016, SRC lấy ý kiến cổ đông về việc để Hoành Sơn trở thành đối tác với mức giá 435 tỷ đồng. Vì mức giá này chỉ bằng hơn một nửa so với khách hàng cũ đã trả, thương vụ này lại vấp phải sự phản đối của các cổ đông nhỏ lẻ. Khi đó, ban lãnh đạo SRC thuyết phục rằng: Hoành Sơn là đối tác có năng lực tài chính và đã làm với Tập đoàn hóa chất Việt Nam nhiều dự án.

Hai tháng sau khi đại hội cổ đông miễn cưỡng chấp thuận để Hoành Sơn trở thành đối tác với SRC, SRC đã ký bản hợp đồng đại ý sẽ bàn giao lại toàn bộ quyền khai thác  lô đất 231 Nguyễn Trãi cho Hoành Sơn. Vì một số lý do đặc biệt, hiện dự án của Hoành Sơn tại khu đất vàng Nguyễn Trãi vẫn chưa được triển khai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top