Aa

Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần 31/8-4/9: Họ "Vin" giao dịch tích cực, BCM bứt phá

Chủ Nhật, 06/09/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản lại gặp một số khó khăn khi nhiều mã chịu áp lực chốt lời mạnh sau khi dòng tiền có dấu hiệu chuyển qua nhóm vốn hóa lớn.

Thị trường Việt Nam có tuần thứ sáu tăng điểm liên tiếp, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 22,56 điểm (2,57%) lên 901,54 điểm; HNX-Index tăng 0,31 điểm (0,25%) lên 126,15 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (- 0,74%) xuống 126,15 điểm.

Thanh khoản trung bình giảm nhẹ so với tuần trước đó khoảng 6.936 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Do chỉ giao dịch 4 ngày trong tuần, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 21,2% xuống 24.893 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25% xuống 1,3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,8% xuống 2.852 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 30% xuống 227 triệu cổ phiếu.

Thị trường tăng tốt trong tuần qua nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản lại có sự phân hóa mạnh. Thống kê 112 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM chỉ có 40 mã tăng giá trong tuần từ 31/8 - 4/9, trong khi có đến 51 mã giảm giá.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 31/8-4/9.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 31/8-4/9.

Ở chiều tăng giá, cổ phiếu BCM của Becamex IDC gây bất ngờ với mức tăng lên đến 46,8%. Cổ phiếu BCM chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ 31/8 với mức giá tham chiếu 28.000 đồng/cp sau khi hủy đăng ký giao dịch ở sàn UPCoM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/9, cổ phiếu này leo lên mức 41.100 đồng/cp với 4 phiên tăng trần liên tiếp.

Tiếp sau đó, cổ phiếu PFL của Dầu khí Đông Đô cũng tăng đến 43% từ 839 đồng/cp lên 1.200 đồng/cp. Trong tuần, PFL cũng có 4 phiên tăng trần liên tiếp với thanh khoản luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, trên thị trường hiện tại không xuất hiện các thông tin liên quan đến doanh nghiệp này.

Các cổ phiếu bất động sản cũng tăng trên 20% trong tuần qua còn có DTA của BĐS Đệ Tam (29%), NTB của Công trình giao thông 584 (24,5%) và HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước (23,5%). Trong đó, việc cổ phiếu HPI bứt phá mạnh là nhờ hưởng lợi từ thông tin lợi nhuận sau thuế bán niên được kiểm toán t của doanh nghiệp này tăng lên 15,4 tỷ đồng, gấp 6,4 lần số liệu trong báo cáo tự lập. 

Yếu tố thúc đẩy lợi nhuận là doanh thu tài chính. Công ty đã trích trước 1 phần khoản dự thu của doanh thu hoạt động tài chính, giúp tăng doanh thu này tăng từ 21,3 tỷ đồng trước soát xét lên 32,7 tỷ đồng sau soát xét. Ngoài ra, HPI cũng được hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn 1,5 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu V11 của VINACONEX No11 giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với 33,3%. Tiếp sau đó, cổ phiếu PTL của Petroland cũng giảm 25% từ 9.490 đồng/cp xuống 6.370 đồng/cp. PTL đã có một tuần điều chỉnh mạnh với 4 phiên giảm sàn liên tiếp sau chuỗi bứt phá mạnh trước đó. Trước đó, PTL đã tăng từ 4.870 đồng/cp lên 8.490 đồng/cp (74%) nhờ thông tin Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) quyết định thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 31/8-4/9.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 31/8-4/9.

Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản có các cổ phiếu đáng chú ý như TDH của Thủ Đức House (- 5,4%), VPH của Vạn Phát Hưng (- 4,8%), ITA của Đầu tư CN Tân Tạo (- 3,3%), NTC của KCN Nam Tân Uyên (- 3,2%)…

Bộ 3 cổ phiếu họ “Vin” diễn biến tích cực trong tuần qua và phần nào giúp nâng đỡ thị trường. VIC tăng 4,6% từ 19.700 đồng/cp lên 20.600 đồng/cp, VHM tăng 1,8% từ 78.600 đồng/cp lên 80.000 đồng/cp và VRE tăng 4,8% từ 27.200 đồng/cp lên 28.500 đồng/cp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, VIC có 104 công ty con, tăng 13 đơn vị so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong số các công ty mới gia nhập hệ sinh thái đa ngành của VIC, Tập đoàn chi 450 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần của CTCP Hương Hải - Quảng Ngãi. Doanh nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản đã trở thành công ty con của VIC sau giao dịch ngày 18/3. Ngoài Hương Hải - Quảng Ngãi, Vingroup cũng đặt cọc 2.700 tỷ đồng cho đối tác để mua cổ phần trong một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Khoản đặt cọc này không có lãi suất, được đảm bảo bởi một số cổ phiếu của công ty không niêm yết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top