Nhìn từ sự quá tải cống rãnh

Nhìn từ sự quá tải cống rãnh

Thứ Sáu, 20/09/2019 - 06:20

Ở thành phố đông đúc nhất thế giới – Dhaka, thủ đô Bangladesh, cống rãnh bị quá tải tới mức không thể đối phó. Một công việc nghiệt ngã ra đời: Lặn cống để khơi thông. 

Sau một thập kỷ làm sạch các cống rãnh ở Dhaka, thủ đô đông đúc nhất ở Banglades, Sujon Lal Routh đã nhìn thấy nhiều khổ nạn. Nhưng bi kịch xảy ra vào năm 2008 là tồi tệ nhất.

 Sau một ngày mưa lớn khiến đường phố ngập nước, như thường lệ, bảy công nhân đã được chỉ định để dọn một hố ga bị tắc nghẽn ở Rampura, ngay tại trung tâm thành phố. 

Thông thường, thợ nạo vét sẽ bám vào dây thừng để không bị hút xuống cống khi nước dâng lên trong quá trình họ khơi thông. Nhưng cả nhóm đều là những người mới vào nghề. “Họ không biết rằng, mối nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu và họ sẽ không biết làm thế nào trong tình cảnh đó”, Sujon nói. “Vì vậy, dòng nước cống đã nuốt chửng họ”.

Những người chứng kiến đập phá con đường bằng búa và xẻng. Cuối cùng, họ kéo ra 3 người công nhân đã chết, 4 người còn lại thì bị thương nặng, một người sau đó chết trong bệnh viện.

“Tai nạn đó đã trở thành nỗi ám ảnh và trong nhiều tháng liền, chúng tôi luôn cảm thấy sợ hãi khi nhìn vào cống rãnh”.

Trong mùa mưa bão không ngừng của Bangladesh, Dhaka bị nhấn chìm nhiều lần trong tháng. Các cống thoát nước bị quá tải dẫn đến tắc nghẽn và thành phố thấp trũng này ngập đầy nước như bồn tắm. Nhiều tờ báo như The Dhaka Tribune đã mô tả tình cảnh ngập nước ấy bằng hình ảnh những chiếc xe buýt bị ngập sâu trong nước, đi kèm những dòng cảm thán đầy tuyệt vọng của người đi đường và các chuyên gia đô thị:

“Một lần nữa Dhaka lại ngập chìm trong nước, câu chuyện cũ tiếp tục lặp lại”.

Lũ lụt xảy ra trong  suốt mùa mưa.

Hai bên đường, trong cơn mưa nặng hạt, đội quân thông cống lại đi làm. Một số người chọc những chiếc gậy tre vào hố ga. Những người khác thì trần truồng lao xuống miệng cống và “đắm mình” trong đòng nước bẩn đen ngòm, đầy rác. Họ buộc phải vớt bùn rác ra khỏi cống bằng tay không.

Truyền thông toàn cầu đã tuyên bố đây là “công việc tồi tệ nhất thế giới” sau khi những bức ảnh nước thải đầy virut ngập sâu tới cổ những người công nhân nạo vét được công khai.

Theo UN Habitat, Dhaka là thành phố đông dân nhất thế giới, với hơn 44.500 người chia sẻ mỗi một km2 không gian. Dòng di cư mỗi ngày một nhiều hơn từ vùng nông thôn đến thành phố này đã khiến đường thoát nước và cống rãnh bị quá tải. Những người thợ thông cống có thể kiếm được 225 bảng mỗi tháng. Họ mạo hiểm sức khỏe và tính mạng để “chống đỡ” cho hạ tầng kỹ thuật đang rên rỉ dưới sức nặng của dân số.

Những người thợ thông cống ngụp lặn trong dòng nước thải đen ngòm mà không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào.

"TÔI BỊ BUỘC PHẢI LÀM CÔNG VIỆC NÀY"

“Chính phủ đã cố gắng để quản lý tốt thành phố Dhaka nhưng kết quả không như mong đợi”, Sujon nói. Người thợ thông cống chia sẻ với gia đình cốc kem “cha” và trà Bangladesh trong một căn hộ khiêm tốn giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp. Bên ngoài, những chiếc xe kéo sơn vẫn leng keng qua những con đường hẹp, ngập nước.

Trong khi người Bangladesh đa số theo đạo Hồi thì giống như nhiều người trong nghề, Sujont theo đạo HinDu. Những người theo đạo này đã bị phân biệt đối xử từ trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ Pakistan. Họ bị coi là ‘tiện dân” và phải làm những công việc tầm thường – những người dọn chất thải.

“Tôi đã kế thừa công việc này từ thế hệ trước và không có khả năng làm việc nào khác”, SuJon -  người đàn ông ở độ tuổi 40, rất cao và gầy, có bộ ria mép gọn gàng nói.

“Phía sau tôi là cả gia đình phải chăm lo, phải cho con cái học hành và phải trả một tá hóa đơn hàng tháng bao gồm cả tiền thuê nhà. Tôi buộc phải làm công việc này dù nó khiến tôi phải nhận sự ô nhục và thiếu tôn trọng từ mọi người".

Đó là một công việc bạc bẽo và nguy hiểm, một người bạn của Sujon đã chết khi bể tự hoại mà anh ta dọn dẹp phát nổ. Gần đây, anh trai của Sujon là Sushil đã bám vào một đường ống dẫn khí bị rò rỉ trong khi cố gắng dọn sạch một hố ga sâu hoắm. 

“Nếu chúng tôi có máy bơm, rủi ro có thể giảm đi”, anh ấy nói,  "Chúng tôi có thể sử dụng máy bơm để làm khô hố ga trước khi xuống để dọn sạch nó. Ngoài ra, chúng tôi cần phải có một cái thang để đi xuống. Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một đơn đặt hàng để hoàn thành công việc và phải cố gắng hoàn thành nó một cách nhanh nhất có thể. Sau đó là những ảnh hưởng đến sức khỏe”, Sujon chỉ vào những phát ban trên da sau hàng giờ ngụp lặn trong nước bẩn.

Cống thoát nước chứa rất nhiều những độc hại từ những chất thải thối rữa. Do vậy, chắc chắn 100% người thợ thông cống đều có vấn đề về sức khỏe. Nhưng hầu hết họ không nhận ra điều này. Xong việc, họ sẽ mua và uống một ít rượu địa phương, sau đó thấy chóng mặt và ngủ thiếp đi. Trong khi đó, những chất độc hại từ nước thải đang ngấm từ từ vào cơ thể họ.

DÂN SỐ QUÁ ĐÔNG, TÀI NGUYÊN KHÔNG THỂ ĐÁP ỨNG

Bùng nổ dân số được định nghĩa là trạng thái của việc có nhiều người tập trung ở cùng một không gian có thể sống thoải mái ở đó và nhiều hơn các tài nguyên có sẵn để phục vụ. Bằng biện pháp đó, Dhaka được đưa vào sách giáo khoa như một ví dụ điển hình.

“Có nhiều thành phố có kích thước lớn hơn Dhaka trên thế giới nhưng thủ đô của Bangladesh là siêu đô thị phát triển nhanh nhất trên thế giới về quy mô dân số”, Giáo sư Nurun Nabi, giám đốc dự án tại khoa Khoa học dân số tại Đại học Dhaka nói.

Các thành phố có thể tập trung đông dân cư nhưng không bị quá tải dân số. Ví dụ như Singapore, một hòn đảo nhỏ nhưng mật độ dân số rất cao, khoảng 10.200 người/km2 nhưng ít ai gọi đó là bùng nổ dân số. Thành phố này đã phát triển lên cao với các nhà cao tầng, một số có sân thượng và đường chạy bộ để gia tăng sức chứa dân cư.

Quá tải dân số chỉ xảy ra khi sự phát triển đi lên của thành phố vượt quá tầm kiểm soát.

THÀNH PHỐ KHÔNG NÊN SỐNG NHẤT

Hầu hết người dân sống ở Dhaka đều phải chịu đựng, chỉ là ở những mức độ khác nhau. Người nghèo bị nhét vào những khu ổ chuột ngổn ngang, nơi các bệnh truyền nhiễm bùng phát và cũng là nơi dễ xảy ra cháy nổ nhất.

Tại thành phố này, những người sống ở khu ổ chuột chiếm tới khoảng 40% dân số. Còn tầng lớp trung lưu và thượng lưu thì dành phần lớn thời gian của họ để mắc kẹt trong ùn tắc giao thông kéo dài. Thủ đô Bangladesh thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố không nên sống nhất. Năm nay, thành phố này chỉ xếp phía sau Lagos, Nigeria và thủ đô của Libya và Syria bị chiến tranh tàn phá.

Tuy nhiên, trước đây, Dhaka không bị rơi vào tình cảnh này. Vào những năm 1960, trước khi Bangladesh giành được độc lập từ Pakistan vào năm 1971, có thể lái xe xuống những con đường trống trải ở thủ đô Dhaka. Mọi người tắm trong kênh Mughal-era ở khu phố cũ, nơi vẫn còn là ngôi nhà có kiến trúc hàng thế kỷ. Nhưng giờ đây, các kênh đã được lấp đầy, cắt đứt một nguồn thoát nước quan trọng.

“Trong bảng xếp hạng, ở một vài năm, chúng tôi là số 1”, giáo sư Nabi nói.

Giống như phần lớn các thành phố trên thế giới, Bangladesh đã trải qua quá trình đô thị hóa quá nhanh và không theo một kế hoạch nào. Các cơ hội kinh tế được tạo ra bởi toàn cầu hóa, cũng như các thảm họa do khí hậu ở khu vực nông thôn và ven biển, đã thúc đẩy hàng triệu người tìm kiếm vận may tốt hơn ở thủ đô, tạo áp lực cho các nguồn lực phát triển ở thành phố này.

“Người dân đang ào ạt di cư đến thành phố. Chúng ta có cơ sở hạ tầng nhà ở để chứa họ không? Các cơ sở cho người nghèo ở đâu?”, giáo sư Nabi đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này cho biết, sự miễn cưỡng của Bangladesh trong việc phân cấp và đầu tư vào các thành phố vệ tinh bên ngoài thủ đô Bangladesh đã làm tăng thêm các vấn đề: “Nếu đến Ấn Độ, quốc gia láng giềng, bạn sẽ tìm thấy Kolkata, Mumbai, Chennai, Hyderabad… rất nhiều thành phố có thể sống tốt. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ còn lại Bangladesh”.

Dân cư tập trung quá đông tại Dhaka.

ĐÔ THỊ HÓA Ở ĐẤT NƯỚC NGHÈO

Theo lời của nhà kinh tế học Edward Glaeser, Đại học Harvard, đối với lịch sử hiện đại, các thành phố hầu hết phát triển từ sự giàu có, ngay cả ở các nước phát triển gần đây, như Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng những thập kỷ gần đây đã xuất hiện một xu hướng toàn cầu đó là đô thị hóa vùng nghèo, rất nghèo với sự gia tăng của các siêu đô thị thu nhập thấp.

Hỏa hoạn tại một khu ổ chuột ở Dhaka đã khiến 10.000 người mất chỗ ở.

Theo nghiên cứu của Glaerser, vào năm 1960, hầu hết các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD đều có tỷ lệ đô thị hóa dưới 10%. Đến năm 2011, tỷ lệ đô thị hóa của các nước kém phát triển đứng ở mức 47%.

Nói cách khác, quá trình đô thị hóa đã vượt xa sự phát triển, dẫn đến việc tạo ra các siêu đô thị đông đúc nhưng rối loạn như Lagos, Karachi, Kinshasa và Dhaka.

“Dân số đô thị dày đặc mang lại những lợi ích như các phong trào xã hội và sáng tạo nhưng cũng đem đến các tai họa như bệnh tật và tắc nghẽn giao thông. Hầu như tất cả những vấn đề này có thể được giải quyết bởi các chính phủ có thẩm quyền với đủ tiềm lực tài chính.

Ở Rome cổ đại, Julius Caesar đã chiến đấu với ùn tắc giao thông thành công bằng cách đưa ra lệnh cấm ban ngày đối với việc lái xe ngựa trong thành phố”, lời ông Glaeser.

Nhưng phần lớn đô thị đang phát triển ngày nay đều thiếu cả hai yếu tố trên.

Tại thủ đô Dhaka, ban quản lý thành phố rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn giữa các cơ quan. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ cung cấp dịch vụ là một trong những trở ngại lớn.

Bảy cơ quan chính phủ khác nhau - bao gồm hai thị trưởng riêng biệt - đang làm việc để chống ngập úng, một sự sắp xếp đã dẫn đến một trò chơi “ném” quả bóng trách nhiệm. Vào tháng 7, thị trưởng phía nam thủ đô Dhaka - Sayeed Khokon lội xuống dòng nước ngập và cho biết “Cơ quan cấp thoát nước (Wasa) phải chịu trách nhiệm. Wasa sau đó đổ lỗi cho Khokon. Ở những nơi khác, thị trưởng quá cố phía bắc của thành phố Annisul Huq, cũng đến thăm các khu vực ngập nước, bực tức quay sang hỏi một phóng viên: Một người nào đó cho tôi biết giải pháp là gì?

Taqsem Khan, giám đốc điều hành của Wasa, nói rằng, vì nguồn thoát nước tự nhiên rất khan hiếm, chính phủ phải bơm nước ra khỏi thành phố thông qua hàng ngàn ki-lô-mét đường ống được đặt trên toàn thành phố.

Nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn đường ống ở thành phố Dhaka là bởi vì đó là một siêu đô thị - tốc độ tăng dân số của nó quá cao. Trước đó, Wasa chỉ làm việc cho sáu triệu người, nhưng ngày nay có khoảng 15 triệu người. Đó là lý do tại sao các vùng nước tự nhiên và hệ thống thoát nước đã bị phá hủy khi nhà ở được xây dựng lên.

Vào năm 2013, thành phố đã ký một thỏa thuận nạo vét một số kênh đào - theo gương của Sylhet, một thành phố khác của Bangladesh bị ngập úng - nhưng có rất ít dấu hiệu tiến bộ.

Người phụ nữ với cốc nước bẩn ở thành phố Dhaka.

NHIỀU CÂU CHUYỆN SẼ ĐƯỢC VIẾT TIẾP BỞI NGƯỜI DÂN QUỐC GIA NÀY

Những chính quyền “rối loạn chức năng” không phải lúc nào cũng là một trở ngại để hoàn thành công việc ở Bangladesh. Đất nước này đã giành được lời khen ngợi khi có phản ứng tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu.

Và một số người thành thị đang suy nghĩ lại về quan điểm tiêu cực phổ biến của các khu ổ chuột, trong khi đô thị hóa - có xu hướng mang lại tỷ lệ sinh giảm - có thể là một giải pháp để giảm thiểu sự gia tăng dân số.

"Nhiều câu chuyện sẽ được viết bởi người dân của quốc gia này. Một ngày nào đó họ sẽ thức dậy.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, sự khốn khổ không thay đổi của những người dọn dẹp cống rãnh đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng, khi các thành phố phát triển, đồng nghĩa với việc có thể trở nên bất bình đẳng", lời Giáo sư Glaeser.

Người thợ thông cống Sujon nói rằng, cộng đồng của anh bị xa lánh. “Không ai hiểu thấu thấy cảnh ngộ của chúng tôi, ngay cả các nhà báo địa phương”.

Con gái của ông che giấu nguồn gốc của mình ngay cả với bạn bè của cô. “Trẻ em của chúng tôi có thể đi học, nhưng chúng phải che giấu lý lịch và danh tính thực sự của mình để tránh bị tẩy chay và làm nhục”, ông nói.

Toàn bộ hệ thống chống lại chúng tôi, chống lại sự tiến bộ và sự phát triển của chúng tôi. Bangladesh giành được độc lập vào năm 1971, nhưng điều kiện sống của chúng tôi vẫn rất tồi tệ. /.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top