Aa

Nhớ Mùa Thu Hà Nội

Thứ Bảy, 05/10/2019 - 06:30

Hà Nội mùa thu trong tôi còn là những cơn gió ướp hương hoa sữa, hoa ngọc lan cuối mùa ngọt ngào nồng nàn. Mùa thu Hà Nội trời trong xanh cao vợi và mây trắng nhẩn nha.

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió

(NS. Trịnh Công Sơn)

...

Cách đây không lâu, quãng độ mươi, mười lăm năm về trước, thi thoảng có dịp về lại rồi xa Hà Nội, tôi vẫn thích nghe những lời hát thế này. Hà Nội ngày đầu tiên tôi gặp là những dãy phố dài trầm mặc. Hai bên đường, những hàng cây cao sừng sững rợp bóng mát. Những con đường loang nắng và lá vàng trên vỉa hè xao xác.

Hà Nội mùa thu trong tôi còn là những cơn gió ướp hương hoa sữa, hoa ngọc lan cuối mùa ngọt ngào nồng nàn. Mùa thu Hà Nội trời trong xanh cao vợi và mây trắng nhẩn nha. Đẹp là vậy nên mới có những lời thơ thơm như từng cơn gió thu, có những bước chân lắng lại để nghe từng tiếng dương cầm rót vào thinh không, rót vào những đốm hoa nắng loang loang trên những dãy phố dài.

Hà Nội hôm nay, những cây hoa sữa vẫn đơm bông, hoàng lan vẫn rủ từng chùm vàng như sắc nắng cuối mùa. Nhưng, ngày nay, trên những con đường mờ mịt như được bao phủ bởi một làn sương dày. Hoa lá được phủ một lớp bụi trắng bạc, nhưng con đường trơ ra nắng cháy. Những cây nhỏ mới trồng hai bên đường khẳng khiu đâm cành lờ mờ qua những lớp bụi. 

Hà Nội hôm nay, người ta nhắc nhau không ra đường nếu không thực sự có việc cần thiết. Người lớn và trẻ em hạn chế các hoạt động ngoài trời bởi không khí bị ô nhiễm nặng nề, gây hại cho sức khỏe. 

Bởi vậy, nhắc tới hình ảnh “Người nghệ sĩ, lang thang hoài trên phố”, lang thang để nhớ về một hoài niệm, một bóng hình nào đó, một tiếng đàn hay lời thơ trong bối cảnh ô nhiễm thế này sao? Nghe thật hoang đường.

Sẽ đến một lúc, tất cả những giáo điều, những đạo lý, những sách vở và nghệ thuật trở nên vô ích. Người ta sẽ không còn thì giờ và tâm trí đâu để nghe và để tâm tới thi ca nhạc họa. Những tiếng dương cầm trong căn nhà nào đó vang lên ngoài dãy phố ư? Nó đã lẫn và chìm nghỉm trong những thanh âm của còi xe và tiếng động cơ của những phương tiện giao thông, tiếng từ những công trình xây dựng... 

Người ta cũng không còn muốn bận tâm tới tôn giáo, lối sống hay những triết học thâm sâu. Thiền hành ư? Chỉ cần ra ngoài thôi đã thấy bụi mờ mịt, muốn bước thật chậm để hít thở thật sâu trong lồng ngực những cơn gió ướp hương ngọt lành cũng trở thành hoang tưởng. Lúc ấy, điều tối thượng được nhắc tới đầu tiên là làm sao để có thể “Thở” được một cách bình thường.

Trích dẫn từ mẩu tin một trang báo mới đăng gần đây, “Emma Lim, nữ sinh viên 18 tuổi ở Đại học McGill, Montreal, Canada, gần đây đã phát động phong trào No Future No Children nhằm tuyên truyền ảnh hưởng tiêu cực của việc thay đổi khí hậu đến người trẻ tuổi. Cô mong muốn chính phủ có thể nghe thấu được tiếng lòng của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng”. Đó là hoạt động của người trẻ ở đất nước bạn. 

Đúng như cái tên gọi của phong trào: “Không tương lai, không có trẻ em”. Chúng ta để lại gì cho con cháu chúng ta và những thế hệ sau nếu như hôm nay, chúng ta thản nhiên và tùy tiện phá hoại bầu khí quyển, phá hoại sinh môi, phá hoại đất mẹ?

Khói lửa bốc lên từ đám cháy tại rừng Amazon ở Porto Velho, bang Rondonia, miền Tây Bắc Brazil, ngày 24/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong riêng năm 2019 đã đón nhận nhiều những biểu hiện trực tiếp của việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Rừng Amazone cháy lớn gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng lớn trực tiếp tới các quốc gia quanh khu vực. Lướt qua một vòng trên các trang thông tin điện tử, chúng ta cũng thấy nhiều lời kêu gọi và cảnh báo được đưa ra. 

“Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố: Nếu không thay đổi lộ trình trước năm 2020, chúng ta có nguy cơ lỡ hẹn với một thời điểm, để có thể còn tránh được hiện tượng biến đổi khí hậu, gây ra những hậu quả mà chúng ta không thể kiểm soát được và kèm theo đó là những hậu quả vô cùng tai hại cho con người và môi trường thiên nhiên đang nuôi sống chúng ta”.

Năm nay đã là 2019, vậy cần đặt ngược lại câu hỏi, chúng ta đã làm gì và lộ trình đó được tiến hành đến đâu? Liệu khi hậu quả của biến đổi khí hậu ập đến, chúng ta sẽ trả lời cho con cháu chúng ta như thế nào?

Kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than, những dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và những gạch đầu dòng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị đến 2030 đã có những điểm then chốt gì để bù đắp lại tổn hại về môi trường do công nghiệp hóa và hiện đại hóa gây ra?

Đốt rạ, khói bụi từ những phương tiện giao thông, những công trình xây dựng và rác thải công nghiệp cần được xử lý ngay lập tức. Nhưng đây mới chỉ là những biện pháp trước mắt để cứu vãn bầu không khí cho chúng ta hít thở mỗi ngày. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường không phải là vấn đề ngày một ngày hai. Kế hoạch trước mắt, kế hoạch lâu dài, tầm nhìn 10 năm, 50 năm ra sao? Triết lý trong xây dựng xã hội và nâng cao chất lượng sống của dân tộc chúng ta như thế nào?

Nếu chúng ta vẫn chỉ chú tâm tới diện tích quy hoạch với những ngôi nhà chọc trời, những khu chung cư đẳng cấp, những kỷ lục mới được xác lập mà bỏ ngỏ bài toán hoàn thiện việc bảo vệ và tái lập môi trường sống thì chúng ta sẽ phải hối hận.

Đời sống tinh thần, thể chất của một dân tộc cần được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển. Rõ ràng, một dân tộc ốm yếu, tỷ lệ bệnh tật, ung thư liên tục tăng mạnh, mỗi ngày, người dân bước chân ra đường cùng những lo lắng về bụi mịn, về ô nhiễm, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử,...; các bệnh viện luôn quá tải, những cơn lũ ập đến là cả thành phố chìm trong nước thải từ những cống rãnh trào lên vô cùng ô nhiễm. 

Từ thực tế xã hội, chúng ta có thể thấy, việc phát triển để “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” xã hội mà không được cân bằng với những phát triển chất lượng môi trường sống thì chẳng khác nào người ta đang muốn “sống ảo” trong một thế giới thực.

Hôm nay, giữa những con đường Hà Nội xưa, nhưng có nhiều điều mới mẻ, tôi đi qua những lớp sương mờ, nhìn những chùm hoa sữa bàng bạc lặng lẽ rủ mình trong “màn sương” và trong những thanh âm nhộn nhạo của phố phường. “No Future No Children”, cái tên của phong trào do một cô bé lập ra kia vảng vất trong đầu tôi thay vì một “tiếng dương cầm” nào đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top