Aa

Những gì đồ sộ không thuộc về Hồ Gươm

Thứ Bảy, 12/08/2017 - 05:31

“Cái đẹp của hồ Gươm chính là vẻ đẹp rất đời thường, không có gì kiệt xuất, không có quần thể kiến trúc hoành tráng, mà đẹp trong các mảng màu dung dị ở góc này góc kia, trong sự khiêm nhường của nhà cửa, phố xá, là sự cộng sinh giữa tỷ lệ con người với mặt nước, cây cỏ, thiên nhiên … - Ông Hoàng Đạo Kính nói với tôi như thể Hồ Gươm đang trước mặt, rồi khẳng định - Phải giữ được sự hài hòa đó!”

- PV: Thưa ông, chúng ta nói “nghìn năm Thăng Long” như một mệnh đề quen thuộc, nhưng nếu có thể kể ra những di sản hiện còn cho thấy tuổi tác đô thị, thì những gì là đáng nói nhất? 

- GS. Hoàng Đạo Kính: Chúng ta nói Hà Nội nghìn năm văn hiến, nhưng đó là nghìn năm của lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là nền văn hiến và nền văn hóa, là di sản phi vật thể, là di tích, di chỉ rải rác nằm dưới đất.

Hà Nội có 1.000 năm tuổi, nhưng thực sự cơ ngơi vật chất, thực thể của đô thị Hà Nội còn lại về cơ bản là từ đầu thế kỷ XIX. Những di tích, di chỉ đơn lẻ của thực thể đô thị hiện hữu mà chúng ta quan sát được, đang sử dụng, đang tiếp xúc… phần lớn có niên đại không quá 200 năm.

Ví dụ Văn miếu Quốc tử giám có từ thế kỷ XI, nhưng thực thể còn lại của nó là từ thế kỷ XV, còn các công trình khác cổ hơn cũng chỉ có tuổi hơn 300 năm thôi. Nhìn chung những di sản ấy ít hơn các trang sử viết về nó, ít hơn những hoài niệm về một đô thị nghìn tuổi.

- PV: Dẫu sao chúng ta cũng đang được hàng ngày “đi trong không gian di sản”... Ông có thể nói đó là những không gian nào?

- GS. Hoàng Đạo Kính: Những thành phần cấu thành di sản đô thị hiện hữu của Hà Nội có năm thành phần chính. Thứ nhất là khu di sản phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là phố cũ (chứ không phải là phố cổ).

Thứ hai là khu phố thời thuộc địa, có từ nửa cuối thế kỷ XIX, hình thành trong phạm vi 60-80 năm.

Thứ ba là các làng cổ, làng cũ trên địa bàn Hà Nội cũ và trên địa bàn Hà Nội mở rộng.

Thứ tư là quỹ tài nguyên thiên nhiên đã được nhân văn hóa, đô thị hóa như vùng hồ Tây, hồ Gươm và khu vực bao quanh…

Thứ năm là những công trình kiến trúc đơn lẻ, không tạo thành những mảng lớn trong đô thị nhưng lại là những điểm nhấn, vết tích của mỗi thời, như Văn miếu Quốc tử giám, chùa Một cột, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Láng… Tất nhiên, chúng ta cũng không quên vai trò của không gian thành Hà Nội qua các giai đoạn, chủ yếu nằm ở dưới đất.

- PV: Ngày nay địa giới Hà Nội đã mở rộng tới hơn 3.000km2 với vô vàn công trình kiến trúc mới, các khu đô thị mới... “Cơn bão xây dựng” đó đang uy hiếp cả năm khu vực di sản ông vừa nêu, đặc biệt nghiêm trọng với khu trung tâm đô thị là nơi di sản tập trung nhiều nhất. Ông nhìn nhận tình trạng này thế nào? 

- GS. Hoàng Đạo Kính: Di sản đô thị của Hà Nội hiện hữu chính là không gian đô thị trung tâm hình thành từ thế kỷ XIX, là những gì nằm trong quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, một phần ở quận Hai Bà Trưng và có thể một chút ở quận Đống Đa. Cái lõi đó tạo nên di sản đô thị của Hà Nội, và ngay cả Hà Nội phát triển như hôm nay, thì lõi hạt nhân nằm trên địa bàn 4 quận cũ đó, tuy là một khối tài sản không đồ sộ, chưa quá cổ, không quá đặc sắc về kiến trúc, nhưng lại là cái chính yếu tạo nên hình ảnh, tâm hồn, là tài sản kiến trúc tiêu biểu cho Hà Nội. Nếu chúng ta hiểu được giá trị ấy, biết giữ gìn, thì tài nguyên - di sản ấy sẽ còn đại diện cho thủ đô, còn tiêu biểu về mặt hình ảnh, là cái mà người ta đến với, nhớ về.

Hình ảnh Hà Nội hôm nay và mai sau chính là cái lõi mà có lúc người ta gọi là lòng chảo, là không gian chuyên biệt không có cao tầng, hiền lành, lành lặn của Hà Nội cũ. Nhưng không gian đó đang bị người ta xâm phạm, bị chọc thủng bởi các cột bê tông và kính, nhà cao tầng… làm cho tất cả xộc xệch, bị xuống cấp, bị chất tải quá nặng nề.

- PV: Theo phân loại của ông thì vùng hồ Gươm là một khu di sản đặc biệt của thủ đô (cũng là của cả nước). Những gì tạo nên sự đặc biệt này?

- GS. Hoàng Đạo Kính: Trước hết, phải coi hồ Gươm là một cấu trúc mang tính di sản đô thị, một cấu trúc không gian đặc biệt ở chỗ nó gắn nối với khu phố cổ Hà Nội và gắn nối với khu phố Pháp. Xưa hồ Gươm như một ao làng lớn, người ta xây cất những công trình tín ngưỡng trên đó như đền Ngọc Sơn, Tháp bút... Đó là sự phát triển theo thời gian mang tính tự phát, không có quy hoạch, hình thành tự nhiên trong sự phát triển của phố phường Hà Nội.

Hồ Gươm là một không gian đô thị chất chứa những hoài niệm đẹp, cho phép dự án khách sạn Oriental Luxury trải dài gần 90m, cao hơn 30m xây áp sát hồ Gươm là quyết định rất đáng ngại. Ảnh TL

Rồi người Pháp mang quy hoạch của họ vào hồ Gươm. Nhưng người Pháp đủ tế nhị để ứng xử với hồ, xem nó như một sự chuyển tiếp mềm mại giữa phố ta và phố Tây (đầu thế kỷ XX người ta mới làm đường chạy quanh hồ). Ở đó, hồ Gươm là một phức hợp cảnh quan thiên nhiên, công trình tôn giáo tín ngưỡng, những dãy phố buôn bán, những mảng công trình công cộng, thị chính… quy mô vừa phải.

Quy hoạch khu vực hồ Gươm mang tính thoải mái, không cứng nhắc, không có gì quá đồ sộ, đẹp ở tính tự nhiên, mềm mại, nhuần nhị của một sản phẩm văn minh đô thị mang chất phố phường. Hồ Gươm đã là hồ của phố, nhưng cây cối ở đây cũng không xa lạ lắm với cây cối ở thôn quê như cây si, đa, gạo, lộc vừng, phượng… chứ không có lối trồng giống công viên. Nếu ai đó định trồng cây theo lối quy hoạch công viên thì sẽ làm tổn hại tính tự nhiên, nhuần nhị của khung cảnh hồ.

- PV: Ông nói vẻ đẹp cảnh quan hồ Gươm hợp từ các tỷ lệ tương thích giữa thiên nhiên và quy mô kiến trúc. Vậy không gian này có thể chịu được các công trình kiến trúc to lớn, như dự án khách sạn Oriental Luxury trải dài gần 90m, cao hơn 30m áp sát hồ, chẳng hạn?

- GS. Hoàng Đạo Kính: Nếu chúng ta xây toàn những công trình đồ sộ xung quanh hồ Gươm thì sẽ biến nó biến thành cái ao con. Hiện nay, bao quanh hồ Gươm hầu như không có công trình nào thật đẹp, nhưng tổng thể vẫn đẹp là do sự chung sống thuận hòa của những công trình kiến trúc các thời kỳ như đoạn Hàng Khay là đoạn thuần túy phố Việt, sang Tràng Tiền, Tràng Thi lại là phố Tây.

Đoạn phố Đinh Tiên Hoàng bắt đầu từ Tràng Tiền chạy sang vườn hoa Chí Linh, may là trong lúc xây nhà Ủy ban còn giữ lại một phần nhà Bưu điện cũ, đó là những công trình góp phần tạo nên tỷ lệ xích của hồ Gươm. Người Pháp xây nhà ở phố Đinh Liệt theo phong cách mới nhưng vẫn ăn nhịp, còn khi mình xây nhà Bưu điện mới to đùng, tạo nên sự cộc kệch.

Phải nói mảng rất đặc sắc chính là từ phố Hàng Trống chạy đến đầu phố Bà Triệu, khu Bốn Mùa, bây giờ chúng ta làm thay đổi quá nhiều, đã xây một khách sạn ở chỗ Phú Gia cũ xấu ơi là xấu! Cái dự án Oriental Luxury Hotel rất quy mô chị nhắc tới nằm đúng đoạn này, gồm những dãy nhà hai tầng có kiến trúc không nổi trội, nhưng vẫn là kiến trúc mang màu sắc thành thị nhỏ của Pháp, rất đẹp, rất thành thị, rất nhuần nhị.

Do vậy, tôi nghĩ nếu ai đầu tư làm mới đoạn phố này phải giữ lại tỷ lệ hiện nay, không nên làm cao, không làm đồ sộ. Cũng không được xây tầng hầm chất xe. Và phải giữ lại phong cách kiến trúc ăn nhập với khung cảnh hồ Gươm.

Xu hướng xây vây quanh hồ Gươm là rất đáng ngại, ngay cả hệ thống ngân hàng xây trên đường Trần Quang Khải rất lớn, đứng như một tiểu đội ngân hàng bên bờ sông, là một sự đe dọa cho hồ Gươm. Cái đẹp hiện hữu của hồ Gươm là một hình ảnh thân thương, một không gian đô thị khiến nhớ nhung, dù kiến trúc không đặc sắc nhưng chất chứa những hoài niệm đẹp.

Xin cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top