Aa

Những giao dịch “kỳ lạ” của cổ phiếu YEG

Thứ Hai, 02/07/2018 - 06:01

Câu hỏi đặt ra là tại sao Chủ tịch hội đồng quản trị Yeah1 lại bỏ ra số tiền khủng để mua cổ phiếu với giá cao hơn gấp 30 lần so với các nhà đầu tư khác. Liệu đây có phải do “lướt sóng” cổ phiếu bị “lỗi” hay còn mục đích nào khác?

Quá trình tăng vốn ấn tượng

Thành lập năm 2006, CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã cổ phiếu YEG) có vốn điều lệ ban đầu 500 triệu đồng, đến cuối tháng 11/2007, YEG tăng vốn lên 2 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, trải qua 9 lần tăng vốn nữa cùng với hình thức phát hành riêng lẻ và chia thưởng, chia cổ tức, YEG đã tăng vốn lên gần 273,7 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng chú ý chỉ có 213.333 cổ phiếu được phát hành cho Quỹ DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd. với giá 128.322 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6/2008 và 8.444 cổ phiếu phát hành cho 2 cổ đông với giá 23.685 đồng/cổ phiếu vào tháng 12/2010 cùng đợt phát hành riêng lẻ 360.000 cổ phiếu cho đối tác chiến lược và 240.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với giá 50.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 12/2017 vừa qua. Số còn lại đều từ chia thưởng và cổ tức với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lễ đánh cồng trong phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu YEG

Lễ đánh cồng trong phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu YEG

Những giao dịch “kỳ lạ”

Cổ phiếu YEG không chỉ gây chú ý bởi loại hình kinh doanh đặc biệt của mình hay mức giá chào sàn 250.000 đồng kỷ lục, mà còn bởi giao dịch mua bán có phần kỳ lạ của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cổ đông lớn DFJ VinaCapital.

Theo báo cáo kiểm toán vốn của Yeah1 tại ngày 24/4/2018 cho thấy, ông Tống hiện nắm giữ hơn 11,33 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 41,4% vốn điều lệ Công ty còn Quỹ DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd. giữ hơn,77 triệu cổ phiếu, tương đương 35,71%.

Tuy nhiên một tháng sau, tại thời điểm ngày 24/5/2018, ông Tống chỉ còn nắm hơn 7,4 triệu cổ phiếu tương đương 27,14% và DFJ VinaCapital chỉ còn nắm 1,95 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu còn 7,14%. Người có liên quan với ông Tống chỉ có vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Mai, nắm giữ 75.251 cổ phiếu, chiếm 0,27% vốn điều lệ Công ty. Một cổ đông lớn phát sinh mới là Hồ Ngọc Tấn, nắm giữ 3,91 triệu cổ phiếu tương đương 14,28% vốn điều lệ công ty. Số lượng cổ phiếu ông Tấn sỡ hữu đúng bằng số cổ phiếu mà ông Tống bán ra.

Cơ cấu cổ đông tại ngày 24/5/2018 của Yeah1

Cơ cấu cổ đông tại ngày 24/5/2018 của Yeah1

Rất nhanh chóng, ông Tống cũng có kế hoạch mua lại 3,91 triệu cổ phiếu YEG với giá 300.000 đồng/cổ phiếu ngay sau khi được niêm yết. Như vậy, số lượng cổ phiếu của Chủ tịch công ty sau khi mua cổ phần riêng lẻ sẽ quay trở về con số 11,3 triệu đơn vị. Lưu ý rằng, trước thời điểm niêm yết cổ phiếu, ông Tống vừa mới thực hiện bán ra cổ phiếu mình nắm giữ và đã phát hành riêng lẻ hơn 11 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vị Chủ tịch hội đồng quản trị Yeah1 lại bỏ ra số tiền khoảng 1.173 tỷ đồng để mua cổ phiếu với giá cao hơn gấp 30 lần so với các nhà đầu tư khác. Liệu đây có phải do “lướt sóng” cổ phiếu bị “lỗi” hay còn mục đích nào khác?

Việc Vinacapital bán ra 7.82 triệu cổ phiếu có thể hiểu do muốn hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư cũng như để Yeah1 phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua một nhóm cổ đông chứ không giống như các vụ IPO thông thường khác. Nhóm cổ đông này đã mua cổ phiếu của DFJ VinaCapital rồi bán ra vào ngày thứ 2 sau khi YEG niêm yết (thỏa thuận với giá 300.000 đồng/cổ phiếu) cho các nhà đầu tư muốn mua IPO.

Bài toán tăng vốn của Yeah1 cũng được nghĩ đến khi Yeah1 sẽ thu về 1.173 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Số tiền chênh lệch gần 1.134 tỷ (290.000 đồng/cổ phiếu) sẽ được công ty ghi nhận vào khoản “thặng dư vốn cổ phần”. Trong tương lai, rất có thể khoản này sẽ được chuyển thành vốn chủ sở hữu thông qua phương thức chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Chẳng lẽ ông Tống lại tự bỏ tiền túi của mình để chia cho cổ đông khác?

Có thể thấy, từ một diễn viên ít tên tuổi thời điểm trước khi thành lập Yeah1, chủ tịch Yeah1 đã trở thành một vị “đạo diễn” tài ba và là người giàu nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán với khối tài sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Nhưng khi "lướt" qua báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của công ty cho thấy, tại ngày 31/3/2018 các khoản phải thu ngắn hạn vẫn tăng hơn 50% so với ngày 31/12/2017 chủ yếu do tăng từ khoản tạm ứng cho nhân viên và phải thu khác. Trong khi đó các khoản vay nợ ngân hàng cũng tăng hơn 100% từ hơn 67 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2018) lên hơn 170 tỷ đồng (tại ngày 31/3/2018).

Hiện tại, sau 3 phiên tăng mạnh, cổ phiếu YEG đang trong trạng thái dư bán sàn và chỉ khớp lệnh 1.740 cổ phiếu. Liệu rằng, sự xuất hiện của mã cổ phiếu đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông có dấu hiện vòng vo?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top