Aa

Những vệ sỹ cuối cùng của bản Ngoa

Thứ Năm, 03/05/2018 - 06:00

Người dân nói rặng tre này đẹp lắm và dày lắm. Nhưng với cơn thác lũ khổng lồ, mang theo đá và cát, thì rặng tre chỉ là một tiểu đội canh giữ mỏng manh. Nhóm vệ sỹ cuối cùng, ít ỏi!

Ngay sau vụ lũ năm ngoái, chúng tôi lên Nghĩa Lộ, rồi đi vào các bản bị lũ tàn phá. Thoạt tiên không có gì nói lên là tai hoạ đã xảy ra. Hai bên đường chúng tôi đi qua vẫn là những cảnh quen thuộc: Núi đồi, cây xanh, những mái nhà yên bình, rải rác ẩn hiện sau bóng cây, bóng núi.

Nhưng khi đi qua những nơi có suối, những chỗ xuất hiện hẻm sâu bất ngờ, cảnh tượng như sau trận bom rải thảm. Đá từ đâu về lốc nhốc. Có những tảng rất to. Rất đông người đi. Chúng tôi nhận ra có hai loại sắc màu. Màu trang phục của dân bản. Họ đi lặng lẽ, đôi chỗ họ đang xúm lại thu dọn ít kèo cột vớt lên từ suối. Và sắc màu trang phục của những người nhìn đã biết là thuộc các đoàn từ thiện. Họ xắn quần đi qua những chỗ suối chảy, đá ngổn ngang lổn nhổn. Họ cũng im lặng. Thậm chí chẳng chào hỏi nhau khi đi ngang. Có lẽ họ còn chưa bình tĩnh lại sau những gì đã nhìn thấy. Còn chúng tôi lại đang hồi hộp chờ đợi những gì sẽ nhìn thấy.

Rặng tre vệ sỹ của bản

Rặng tre vệ sỹ của bản

Bản Ngoa hiện ra lúc đầu như một cánh đồng cát mênh mông. Cứ như một công trường đang mở ra, người ta đang san lấp mặt bằng trên diện tích như nhiều sân bóng đá. Nhưng đó là cát lũ quét cuộn về hất lên các chỗ vốn từng là ruộng, là nhà. Không hiểu lấy đâu ra nhiều cát đến vậy. Thiên nhiên vốn bình lặng, nhưng một cơn lũ quét thôi là bộc lộ nó tiềm ẩn sức mạnh khủng khiếp trong cơn giận dữ.

Chúng tôi đi qua chiếc xe tải. Người ta đang chất các cây gỗ khá lớn, cả những gốc gây, gọi là lũa. Người dân bán cho các xe đến thu mua. Từ sau cơn lũ quét, ngày nào cũng tới hàng chục lượt xe tải đến mua, chở các khúc gỗ lớn bé từ thượng nguồn bị trôi dạt và quăng lên khắp nơi trong bản. Những khúc gỗ còn nguyên vết cưa đứt. Những gốc cây đã mục - vết tích còn lại của cây lớn bị chặt từ bao giờ. Rừng bị phá, và gỗ bị cuốn về như thi thể những đoàn quân. Đã bị ám sát, những cây ấy không thể ngăn từ xa nước lũ.

Dòng lũ hung dữ xông thẳng vào bản, nó tự mở ra một lòng sông mới sâu hơn lòng suối cũ, cách lòng suối cũ khá xa.

Trước bản Ngoa, chốt chặn cuối cùng là rặng tre ken sát nhau, dài từ chỗ chân cột điện cao thế đến tận những ngôi nhà đầu bản. Người dân nói rặng tre này đẹp lắm và dày lắm. Nhưng với cơn thác lũ khổng lồ, mang theo đá và cát, thì rặng tre chỉ là một tiểu đội canh giữ mỏng manh. Nhóm vệ sỹ cuối cùng, ít ỏi! 

"Liệt sỹ" thiên nhiên

Các bụi tre, với vạn vạn sợi rễ nhỏ ken chặt trong lòng đất, hứng toàn bộ đòn đánh ác liệt của dòng lũ khủng khiếp. Từng bụi tre to lớn ngã xuống, như những hiệp sỹ cuối cùng. Chỗ bụi tre bị cuốn ngã, nước lao vào hung hãn. Chỉ trụ được không bao lâu trước khi rặng tre bị hạ thủ. Nhưng những phút rặng tre kìm được lũ là vô giá. Dân kịp chạy. Một người đàn ông trong bản đi theo chúng tôi, nói rằng: Ông chỉ kịp ôm đứa con rồi chạy. Một ít tiền công kiếm được trong cả vụ đi làm thuê, nhét chỗ kín, cũng không kịp, dù chỉ là một động tác thò tay chộp. Quan trọng hơn, khi húc vào bụi tre, dòng nước buộc phải trào về phía ruộng chứ không xông thẳng vào dãy nhà của thôn nằm ngay sau đó. 

Bụi tre duy nhất còn lại trong rặng tre sát dòng suối mới hình thành vẫn đứng, như người lính duy nhất còn lại sau trận tử thủ. Ngay cạnh nó, dưới dòng nước, một phần của bụi tre bị đánh ngã vẫn nằm như thể phần thi thể còn lại của đồng đội. Một bụi tre thôi, nhưng rõ ràng dòng lũ không xô ngã nổi nó thì đã bị chia hai. Sau bụi tre đó là những ngôi nhà mà nó đã ưỡn ngực che chở. Những ngôi nhà yếu vẫn bị cuốn sập. Nhưng những nhà ở xa hơn và vững hơn thì thoát nạn.

Một thanh niên bản Ngoa chỉ đoạn bờ suối kéo dài từ chân cột điện đến chỗ bụi tre còn lại, trước là rặng tre, giờ trống không, nói với tôi: Không có rặng tre này, bản Ngoa trôi hết rồi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top