Aa

Núi hay biển sẽ là điểm dừng chân của nhà đầu tư?

Thứ Ba, 10/12/2019 - 07:30

Trong khi nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ven biển ồ ạt đổ ra thị trường, cạnh tranh gay gắt thì thị trường nghỉ dưỡng núi lại chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù sở hữu tiềm năng phát triển lớn.

Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ không có cam kết lợi nhuận, đầu tư nhỏ lẻ thì nay bất động sản nghỉ dưỡng là một hệ sinh thái, được đầu tư đồng bộ hạ tầng và tiện ích. Từ đó, phân khúc này trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng nhất trên thị trường hiện nay.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây bất động sản nghỉ dưỡng tại một số thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng các sản phẩm bất động sản từ cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng cho đến sản phẩm trung cấp như condotel tăng lên với tốc độ chóng mặt, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Trong khi nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ven biển ồ ạt đổ ra thị trường, cạnh tranh gay gắt thì bất động sản nghỉ dưỡng núi lại chưa được quan tâm đúng mức mặc dù du lịch nghỉ dưỡng núi đang có lượng khách tăng lên mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Điển hình có thể kể đến như Sapa, Đà Lạt hay Tam Đảo...; lượng khách gia tăng qua từng năm nhưng hiện phát triển còn manh mún và nhỏ lẻ. Hay còn rất nhiều tỉnh thành có tiềm năng lớn như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình... chưa được khai thác và đầu tư.

Bất động sản nghỉ dưỡng núi: “Mỏ vàng” chưa được khai thác

Mới đây, tại Tọa đàm “Bất động sản nghỉ dưỡng và homestay: Tâm điểm mới”, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam nhận định, đến nay, nói đến nghỉ dưỡng là nói đến biển, ít người nói đến núi, do đó thị trường đang tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng biển. Chỉ 5 năm trở lại đây, bất động sản các vị trí núi và cao nguyên mới phát triển, nhưng chưa bắt kịp được tốc độ phát triển của thị trường biển. Vì hạ tầng chưa đồng bộ trong khi các thành phố biển mạnh về du lịch đều có sân bay giúp tăng lưu lượng khách đến. Chính vì thế, khách du lịch hiện nay vẫn ưu tiên hơn cho du lịch biển, tạo điều kiện cho bất động sản nghỉ dưỡng biển phát triển mạnh mẽ.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Savills cho rằng, du lịch nghỉ dưỡng núi cũng là “mỏ vàng” mà Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Ví dụ như dãy Hoàng Liên Sơn, hay dãy Trường Sơn - có nhiều nơi quang cảnh đẹp, nếu biết khai thác sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch.

Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô lại cho thấy bức tranh bất động sản nghỉ dưỡng núi đang có phần tươi sáng hơn: “Những năm gần đây "miếng bánh" nghỉ dưỡng núi, đặc biệt là khu vực ven đô có sự chuyển mình mạnh mẽ, thu hút các "sếu đầu đàn" về bất động sản nghỉ dưỡng. Có thể kể đến như FLC với kế hoạch đầu tư phát triển dự án tại phía Bắc và phía Tây Hòa Bình; Phú Mỹ Hưng “Bắc tiến” với mục tiêu xây dựng một khu đô thị sinh thái và du lịch hấp dẫn cũng tại Hòa Bình; Geleximco khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn…

Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển này là điều dễ hiểu, đây sẽ trở thành xu hướng mới trong tương lai gần bởi quỹ đất ven biển đang dần bị khai thác hết.

"Quản lý vận hành sẽ quyết định giá trị bất động sản nghỉ dưỡng"

Mặc dù bất động sản nghỉ dưỡng đang dịch chuyển đến vùng đất nhiều hứa hẹn, tuy nhiên theo đánh giá chung thì thị trường này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là sự thiếu vắng các khuôn khổ pháp lý làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp. Sức ép cạnh tranh ngày càng tăng cao do nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng nhanh, cùng với đó là những vấn đề về quản lý và vận hành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. 

Ngoài ra, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phải có sản phẩm và dịch vụ phù hợp, giúp khai thác được lợi thế, tiềm năng cũng như sự ứng dụng và hiệu quả công nghệ 4.0 vào sản phẩm dịch vụ. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực, thu hút nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng và có tác động tích cực đến bất động sản nghỉ dưỡng.

Bất động sản nghỉ dưỡng núi đang có sự thay đổi tích cực.

Ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý khách sạn H&K Hospitality cho rằng, một bất cập hiện hữu tại nhiều doanh nghiệp làm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay là chỉ muốn bán được sản phẩm mà không nghĩ đến việc vận hành dự án đó theo đúng mô hình condotel hay căn hộ dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc DTJ Group cho rằng, khi tham gia vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc dịch vụ quản lý, vận hành. 

Mô hình quản lý, vận hành sẽ quyết định đến giá trị bất động sản nghỉ dưỡng mà khách hàng đầu tư vào. Cách thức quản lý vận hành khác nhau cũng như sẽ thu hút được lượng khách hàng khác nhau, từ đó quyết định đến doanh thu và lợi nhuận./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top