Aa

Ô nhiễm nước mặt tại các đô thị lớn ngày càng đáng lo ngại!

Thứ Năm, 27/07/2017 - 11:52

Tình hình cấp nước đô thị thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số, nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016, trong những năm qua, hoạt động cấp nước tại các đô thị đã có chuyển biến tích cực, hệ thống cấp nước ngày càng được cải thiện, hầu hết các thành phố, thị xã đã có hệ thống cấp nước.

Tính đến tháng 6/2015, cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn, nhỏ tại các đô thị toàn quốc.

Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 81%, mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 105 lít/người/ngày đêm.

Tuy nhiên, tình hình cấp nước đô thị vẫn còn nhiều bất cập do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số, nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống cấp nước đô thị của nước ta còn cao, trung bình khoảng 26 - 29%. Chất lượng nước của một số trạm cấp nước còn chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Nhóm nghiên cứu nhận định, môi trường nước khu vực đô thị đang chịu sức ép rất lớn từ các nguồn thải từ các hoạt động sinh hoạt của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế, điển hình là nước thải sinh hoạt, nước thải y tế và nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Theo đó, tỷ lệ phần trăm lượng nước thải được xử lý còn khá thấp đã ảnh hưởng lớn đến hiện trạng chất lượng môi trường nước ở đô thị. Tại các sông chảy qua khu vực đô thị, chất lượng nước một số đoạn sông đã bị suy giảm.

Đối với những sông có lưu lượng nước lớn, khả năng tự làm sạch tốt, chất lượng nước sông khá ổn định, điển hình như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai.

Tuy nhiên, đối với những sông có lưu lượng nước nhỏ hơn, khả năng phục hồi hạn chế, chất lượng nước bị suy giảm đáng kể ở các khu vực chảy qua nội thành, nội thị, điển hình như sông Nhuệ, sông Cầu, sông Sài Gòn...

Có thể thấy, trên cùng một lưu vực sông, những đoạn chảy qua các đô thị lớn có chất lượng nước bị suy giảm rõ rệt so với các đoạn sông chảy qua các đô thị nhỏ. Và hiện nay, nước mặt ở các sông, hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm.

Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải tạo nhưng ô nhiễm nước mặt tại các khu vực này vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị hiện nay.

Tại nhiều đô thị, các kênh, mương, hồ nội thành đã trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, điển hình như tại Hà Nội, TPHCM.

Điều đáng nói là ô nhiễm nước mặt trong khu vực nội thành xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn mà tại các đô thị nhỏ, đây cũng đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương.

Thống kê, nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Trước thực trạng mức độ ô nhiễm đã khá nghiêm trọng và ở mức báo động tại nhiều khu vực như hiện nay thì vấn đề ô nhiễm nước mặt tại các đô thị đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top