Aa

Ông chủ Hưng Hải Group và những thương vụ triệu đô

Thứ Năm, 23/04/2020 - 08:00

Quá trình trở thành doanh nhân hàng đầu Tây Bắc của ông Trần Đình Hải gắn liền với những lĩnh vực mang đậm màu sắc công thương như thuỷ điện, xăng dầu, khai thác đất hiếm, buôn bán ô tô và nay là năng lượng tái tạo.

Hưng Hải Group, từ đại gia xây dựng...

Sinh năm 1964 tại tỉnh Thái Bình nhưng lại khởi nghiệp và gắn liền sự nghiệp tại Lai Châu - tỉnh Tây Bắc cách đó tới 500km. Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) là một trường hợp khá đặc biệt trong giới doanh nhân Việt.

Hưng Hải Group tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hải được thành lập từ năm 2000, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Năm 2005, các công ty thành viên sáp nhập thành Hưng Hải Group. Tập đoàn này sau đó chuyển mạnh hướng sang phát triển thuỷ điện và được tỉnh Lai Châu lựa chọn làm đối tác chiến lược, giao chỉ định nhiều dự án thuỷ điện trọng điểm.

Hưng Hải Group được biết đến là chủ đầu tư loạt dự án thuỷ điện ở khu vực Tây Bắc như Nậm Na 1,2,3, Tả Páo Hồ, Cậm Củm 4, Pắc Ma ở Lai Châu; Suối Chăn ở Lào Cai; Sông Mã 3 ở Điện Biên.

Tại Lai Châu, Hưng Hải còn tham gia vào lĩnh vực xăng dầu với Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Lai Châu.

Dự án nhà máy thuỷ điện Nậm Na 2.

Trong khi đó, ở Hà Nội, ngoài toà nhà Hưng Hải Tower trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, doanh nhân số 1 Lai Châu còn tham gia vào một lĩnh vực khá kín tiếng: Buôn bán ô tô. Cá nhân ông Trần Đình Hải hiện đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần GM Thăng Long và từng là cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần DV&TM Ô tô Thăng Long Việt Nam.

GM Thăng Long chính là đại lý chính hãng của Chevorlet Việt Nam và sau này là hãng xe VinFast. Năm 2015, liên danh GM Thăng Long và Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Anh (Việt Anh) đã trúng gói thầu “mua sắm xe ô tô phục vụ công tác của các đơn vị thuộc hệ thống tòa án nhân dân” thuộc đề án trang bị phương tiện làm việc của tòa án nhân dân các cấp giai đoạn III (2014-2018) của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

...đến "ông trùm" đất hiếm

Một trong những mỏ khai thác của Hưng Hải Group. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Không nổi như thuỷ điện, song trong cùng khoảng thời gian, Hưng Hải âm thầm tham gia sâu vào mảng khai thác đất hiếm và hiện nay, không nói quá, là ông trùm hàng đầu cả nước trong lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm này.

Một cột mốc mang tính khai mở cho ngành đất hiếm Việt Nam là vào ngày 4/8/2008, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

Quyết định này cũng khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, thông qua thành lập các công ty cổ phần để khai thác chế biến các loại quặng quý nói chung và đất hiếm nói riêng. Trong Quyết định 25, Bộ Công Thương với vai trò đứng đầu của ông cũng đề nghị tạo điều kiện cấp phép khai thác nhanh cho doanh nghiệp triển khai dự án đất hiếm.

Dù Quyết định 25 phải tới tháng 8/2008 mới được ban hành và có hiệu lực, song một nhóm nhà đầu tư, trong đó có Hưng Hải đã nhanh chân "đặt chỗ" tại dự án đất hiếm lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao tại Lai Châu từ trước đó khá lâu.

Cụ thể, ngày 14/3/2007, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) được thành lập, với phần vốn quá bán, nhưng không đủ chi phối (55%) thuộc về Tổng Công ty Khoáng sản (nay là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam). Các cổ đông tư nhân còn lại là Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Thái Sơn (17%), Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (20%) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của đại gia Phương Hữu Việt có 8%.

Tháng 3/2014, Thái Sơn rút lui, nhường lại phần vốn cho ông Lê Văn Tuấn, một doanh nhân khác quê Thái Bình, là chủ sở hữu Tập đoàn Thanh Bình Hà Nội và có mối quan hệ khăng khít với Hưng Hải Group của người đồng hương Trần Đình Hải.

Hưng Hải, Thanh Bình Hà Nội còn cùng nhau góp vốn vào một số pháp nhân khác trong lĩnh vực đất hiếm, như Công ty Cổ phần Đất hiếm Tây Bắc hay Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam - một pháp nhân khác cũng có "tuổi đời" "lâu hơn" Quyết định 25 khi được thành lập từ tháng 10/2007.

Ngoài mỏ Đông Pao, Hưng Hải Group còn được cấp phép làm chủ đầu tư mỏ đất hiếm quy mô rất lớn khác là Nam và Bắc Nậm Xe. Lavreco cùng Hưng Hải là những pháp nhân hiếm hoi cho đến nay được cấp phép khai thác đất hiếm, mà Lavreco, như đã biết, cũng có một tỷ lệ lớn sở hữu của nhóm nhà đầu tư của ông Trần Đình Hải.

Ngoài ra, nên biết rằng cuối năm 2017, Đất hiếm Việt Nam còn góp vốn với Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FICO) - thành viên thuộc Xuân Cầu Group của đại gia Tô Dũng, thành lập CTCP Công nghiệp Hoá chất Lào Cai, cũng đăng ký hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại quý hiếm và khai thác quặng kim loại khác không chứa sắt.

Cuộc chơi năng lượng tái tạo

Những thành tựu đã đạt được trên đây cho thấy tầm vóc lớn của ông chủ Hưng Hải Group. Song vài năm trở lại, doanh nhân "quê lúa" Thái Bình đã xác định một cuộc chơi còn lớn hơn bội phần: Năng lượng tái tạo.

Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group (bên trái).

Website chính thức của Hưng Hải (hunghaigroup.com) giới thiệu tầm nhìn và sứ mệnh là trở thành một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong ngành xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo của một nước Việt Nam công nghiệp mới. Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng được Hưng Hải tự tin giới thiệu là "thế mạnh thực sự" của tập đoàn này.

Vậy thì, Hưng Hải đã "vào" mảng năng lượng tái tạo thế nào và thực trạng hiện nay ra sao?

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy tập đoàn của ông Trần Đình Hải quan tâm mảng năng lượng tái tạo và bắt đầu thành lập một số doanh nghiệp liên quan từ cuối năm 2017. 

Tới đầu năm 2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Tập đoàn Hưng Hải đầu tư 12.000 tỷ đồng triển khai tổ hợp điện mặt trời Lộc Ninh ở Bình Phước. 5 dự án Lộc Ninh từ 1-5 có tổng công suất lên tới 800MW thực sự là "phát pháo" chào sân đầy ấn tượng của Hưng Hải trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tất nhiên, tham vọng của Hưng Hải không dừng lại ở đó. Cũng vào tháng 1/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với tổng công suất 600MW, tổng mức đầu tư lên tới 21.000 tỷ đồng. Một dự án lớn khác cũng đang xin quy hoạch là Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 do Hưng Hải Group và Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận làm chủ đầu tư tại Bình Thuận. Dự án có công suất 250MW, tổng mức đầu tư 5.613 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số pháp nhân được nhóm Hưng Hải thành lập vừa qua như Công ty Cổ phần Năng lượng Duy Phong (Bình Thuận), Công ty Cổ phần Năng lượng Thay thế CH, Công ty Cổ phần Năng lượng Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Phong Thuỷ Văn Lang..., cũng phần nào hé lộ những bước đi tiếp theo của nhà đầu tư đất Bắc.

Tạm tính 3 đại dự án mà Hưng Hải đang theo đuổi là Lộc Ninh, Điện gió Gia Lai và Sông Bình 6, tổng mức đầu tư lên tới 38.600 tỷ đồng. Tính theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia 20%, tập đoàn của doanh nhân họ Trần phải bỏ ra ngót nghét 8.000 tỷ đồng, để đối ứng với hơn 30.000 tỷ đồng vốn tín dụng.

Con số khổng lồ này dường như ngoài tầm với của Hưng Hải, khi pháp nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải hiện chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, một thành viên - Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải, có khá hơn, song cũng chỉ đạt 1.200 tỷ đồng, mà còn phải dùng để duy trì các mảng kinh doanh khác, ví như thuỷ điện cũng có nhu cầu vốn cao.

Vậy thì, đâu là "con đường" để Hưng Hải hiện thực hoá tham vọng năng lượng tái tạo? Trong khi câu trả lời còn chưa rõ ràng, thì vừa qua, một sự kiện thu hút sự chú ý khá lớn của giới đầu tư trong nước.

Thương vụ điện mặt trời Lộc Ninh

(ảnh minh hoạ)

Cuối tháng 3/2020, Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) của Thái Lan cuối tháng 3/2020 bất ngờ công bố việc mua lại 4 dự án điện mặt trời tại Lộc Ninh (từ 1-4) với giá phí mua tối đa 76,05 triệu USD. Cộng thêm chi phí đầu tư, tổng giá trị thương vụ có thể lên tới 456,7 triệu USD.

Theo thông tin từ SEC, tập đoàn này không mua trực tiếp các dự án điện mặt trời, mà mua cổ phần trong 4 pháp nhân SSEVN1, SSE LN2, SSE BP3 và New Hold Co 4, được giới thiệu là chủ sở hữu của lần lượt 70% vốn dự án Lộc Ninh 1, 100% Lộc Ninh 2, 100% Lộc Ninh 3 và 80% Lộc Ninh 4.

Cách thức của SEC là thông qua công ty con Super Solar (Thailand) Co.,Ltd (SST) mua mới 49% cổ phần của 4 pháp nhân trên, sau đó mua nốt 51% còn lại từ hai cổ đông hiện hữu, là bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng.

Dù phải tới cuối tháng Ba, kế hoạch này mới được HĐQT SEC thông qua, song từ đầu năm 2020, các bên đã bắt đầu triển khai thương vụ này. Cụ thể, ngày 3/1/2020, SST và bà Châu Mộng Như, ông Tạ Xuân Thắng góp vốn thành lập 4 pháp nhân trên. Trong đó ví dụ tại SSEVN1, SST chiếm 49%, bà Châu Mộng Như 45% và ông Tạ Xuân Thắng nắm 6%.

Tổng số tiền tối đa mà SEC bỏ ra để mua 100% cổ phần trong 4 pháp nhân vừa thành lập lên tới gần 1.800 tỷ VND, gấp 8 lần vốn cổ phần.

Thông tin từ phía tập đoàn Thái dấy lên nghi ngại rằng Hưng Hải Group sẽ bán 4 dự án Lộc Ninh cho nước ngoài và thu về số tiền chênh lệch khổng lồ.

Tất nhiên, đây mới chỉ là thông tin mang tính một chiều từ phía nhà đầu tư Thái Lan.

Quả thật, phản hồi với báo giới, Công ty Cổ phần Năng lượng Lộc Ninh khẳng định các công ty SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 không liên quan đến các dự án Lộc Ninh 1,2,3,4. Do đó việc SEC mua cổ phần các công ty này không liên quan đến các dự án năng lượng mặt trời này.

"Việc SEC công bố thông tin mua cổ phần của các công ty SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 để sở hữu 100% vốn của các nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1,2,3,4 là không có cơ sở. Chúng tôi đã có văn bản chính thức yêu cầu SEC điều chỉnh lại các thông tin đã công bố trên báo nước ngoài để đảm bảo chính xác và minh bạch", dẫn lời đại diện CTCP Năng lượng Lộc Ninh trên một tờ báo.

Dù vậy, có một sự thật thú vị là Hưng Hải cùng ông chủ Trần Đình Hải lại có mối quan hệ khá khăng khít với nhóm nhà đầu tư được cho là đang "môi giới" dự án của bà Châu Mộng Như.

Chẳng hạn, Hưng Hải Group và bà Châu Mộng Như cuối năm 2017 cùng góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng Xanh HHG - là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Hưng Hải Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. HHG có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực "sản xuất, truyền tải và phân phối điện".

Ở dự án Sông Bình 6 đã đề cập phần trên, từ tháng 7/2018, bà Châu Mộng Như được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Năng lượng Hưng Bình - chủ đầu tư dự án.

Ngoài ra, ông Trần Đình Hải cùng một cá nhân có liên hệ và một cá nhân khác trong "nhóm" Châu Mộng Như tháng 10/2019 đã cùng nhau thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Era Homes, đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, đóng trụ sở tại Gò Vấp, TP.HCM.

Những dữ liệu này, cùng với thông tin công bố với cổ đông và Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan của Super Energy Corporation cho thấy những đồn đoán về thương vụ Lộc Ninh không phải là không có cơ sở.

Nếu thương vụ này đang thực sự diễn ra trên thực tế và có thể hoàn tất êm đẹp, thì có chăng đó là một diễn biến đáng mừng, hơn là đáng lo, khi doanh nghiệp Việt có thể kiếm bộn tiền từ các nhà tư bản lọc lõi Thái Lan.

Tuy nhiên nhìn rộng hơn, thì vấn đề lỗ hổng chính sách có chăng cần phải đặt ra, khi các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang than lỗ, đòi trả dự án với biểu giá mới (7,09 UScent/kWh) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì họ vẫn có thể bán dự án với mức lãi rất lớn.

Tất nhiên, đây chỉ là một hướng tư duy. Trong lúc này, thái độ triển khai nghiêm túc đối với cụm dự án Lộc Ninh sẽ là điểm cộng lớn đối với Hưng Hải khi bộ đôi dự án điện gió Gia Lai và năng lượng mặt trời Sông Bình 6 của họ đang ở giai đoạn "một mất, một còn". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top