Trải nghiệm

Phú Quý: Nét “duyên thầm” vùng biển Bình Thuận

Trải nghiệm - 23:30, 16/10/2018 G10T+7 - Theo Thùy Linh/Báo Đầu tư Bất động sản

Cảng Phú Quý đón chúng tôi bằng tâm tình của một vùng đất tĩnh tại, hoang sơ như một ốc đảo thần tiên giấu mình.

Phú Quý - viên “ngọc thô” vô giá của Bình Thuận

Hè gần đến, đi biển dịp nào cũng bị đông đúc đến phiền lòng. Gần đây nhất là bãi Cô Tô, Cát Bà, Hạ Long, Sầm Sơn… ngày cũng như đêm, nhộn nhịp đến quá tải. Quán cà phê hướng biển không xếp nổi chỗ ngồi cho 3 - 4 người, quán hải sản ăn sáng thì tấp nập từ lúc gà vừa gáy. Biết là càng đông càng vui, nhưng khi đông đến mức mọi dịch vụ ăn uống đều phải chờ đợi rất lâu hoặc bị chối từ thì người bình tĩnh nhất cũng phải gợn đục.

Lũ bạn hay chuyện đã bắt đầu ca thán về những chuyến đi biển kiểu này và muốn có điều gì đó mới mẻ hơn. Nhìn một lượt vào bản đồ du lịch, dường như chỗ nào nổi tiếng cũng được cả đám check in 1-2 lần rồi. Giờ thì chạy đâu cho trời khỏi nắng tiếp đây. Phải rồi, còn cơ số đảo chưa đi kia mà. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, kiểu gì chẳng có chỗ tĩnh lặng, hoang sơ.

Sau một hồi loay hoay, cuối cùng cả lũ quyết đi Phú Quý (cù lao Thu) vì đây là một trong 5 điểm du lịch của Việt Nam từng được đài CNN Travel bình chọn là “must see before you die”- phải đi trước khi chết vì thiên nhiên ở đây đẹp đến mê hồn. Nghĩ vậy, chúng tôi đóng rào, khép cửa và làm ngay một chuyến tới mênh mông.

Để đến được Phú Quý xa xôi, chúng tôi phải bay vào Sài Gòn, nằm xe tới TP. Phan Thiết, ra cảng mua vé tàu cao tốc đi đảo. Tuy chỉ cách Phan Thiết có mấy chục hải lý nhưng tàu phải lênh đênh trên biển khơi, vật vã với những con sóng lớn vài giờ đồng hồ mới cập bến.

Dù đang mệt nhoài với cơ thể lảo đảo do say sóng nhưng khi nghe tiếng còi hú báo hiệu sắp vào cảng, tôi vẫn gắng sức lồm cồm bước lên bong tàu. Từng làn gió mát rượi cuộn theo mùi của biển như ướp vào làn da một vị mặn mòi. Từ đây nhìn vào, quần đảo Phú Quý nổi lên với nhiều hình dáng kỳ lạ. Nhìn bên phải đảo giống con rồng vờn mây, bên trái thì lại như chú cá voi khổng lồ đang vượt sóng.

Mười lăm phút sau, cảng Phú Quý đón chúng tôi bằng tâm tình của một vùng đất tĩnh tại, hoang sơ như một ốc đảo thần tiên giấu mình. Mới nhìn qua tôi thấy đảo có nhiều thuyền neo đậu, nhiều gò đồi, cồn cát kéo dài, nhiều dãy nhà kiên cố, mới mẻ dưới những rặng dừa ngát xanh. Một số khu vực trên đảo đã có dáng dấp đô thị hiện đại, nhưng đa phần vẫn còn là “nhà không số, phố không tên”.

Biển đẹp tựa như cổ tích

Về đến nhà nghỉ khi trời đã xế chiều chẳng còn kịp chạy đi đâu xa nên tôi tách đoàn để ngồi riêng với biển. Là một đảo nhỏ giữa biển khơi nhưng Phú Quý sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp không bút nào tả xiết. Nhất là những bãi biển quyến rũ, cát trắng mịn, nước xanh trong tới tận chân trời như Doi Dừa ở Ngũ Phụng, Dộc Cái, Gành Hang…

Không lao vào tắm như mọi lần, đến Phú Quý hôm nay tôi chỉ thích ngồi đó nghe tiếng sóng của biển cô đơn vỗ rất xa xôi. Biển hôm nay gió mạnh, sóng lớn như để dành riêng sự nhiệt tình này chào đón tôi. Rồi biển vỗ mạnh hơn như tỏ tấm lòng mình. Biển tung bọt trắng xóa như khoe rằng mình đẹp, mình dịu dàng và đáng yêu. Và gió như bay từ muôn phương ùa đến ngập hồn du khách.

Cứ thế biển tung tôi hứng, tôi và biển đối diện với nhau trong một buổi hoàng hôn đẹp mê mẩn hồn người. Khi đó mặt trời bắt đầu chuyển dần sang màu cam ngọc, quyện vào với mây thành những vệt đậm tít tận chân trời.

Trong giây phút giao hòa ấy, tôi biết mình vẫn còn hoang sơ và yêu biển biết bao nhiêu. Không chỉ với biển mà lòng tôi vẫn còn tha thiết với nhiều điều gần gũi tôi từng oán trách và chối từ. Chắc cũng tại cuộc sống đô thị đã cuốn tôi vào vòng xoáy của nó, đến mức không còn không gian và thời gian để lùi lại, để tĩnh lặng, lắng lòng và suy tư.

Quay lại nhà nghỉ lúc trời tối sập, tôi thấy bữa tối của mình đã sẵn sàng với món cua huỳnh đế do chính chị chủ nhà chế biến. Nghe chị kể, xưa xửa xừa xưa trong một lần vua Gia Long ghé lại Hòn Tranh (sát với đảo Phú Quý) thì được dâng lên một món cua lạ mà càng ăn vua càng khỏe mạnh. Từ đó ngư dân đặt tên cho chúng là cua huỳnh đế (hoàng đế) và coi đây là biểu tượng của sự may mắn.

Loại cua này thịt rất chắc, giàu đạm, có thể chế biến thành nhiều món. Nhưng ngon nhất vẫn là nấu cháo. Người ta gỡ cua ra lấy gạch ở mai và thịt bỏ vào nồi cháo khi đã nhuyễn. Nồi cháo cua huỳnh đế có vị ngọt và thơm ngon tuyệt đối. Đến đảo Phú Quý mà không được ăn thứ hải sản quý giá này quả đúng là thiệt thòi.

Nơi đảo xa dù khó khăn nhưng mọi người thật nhiệt tình và mến khách. Như gia đình chị chủ trọ của tôi, nắng gió khiến hai vợ chồng gầy guộc, cũ mèm nhưng lúc nào cũng dạt dào yêu thương và kiên cường như những ngọn núi vươn mình nơi biển khơi. Biết chúng tôi là khách tận miền Bắc vào, anh chủ còn tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí và nhất quyết không lấy tiền. Anh bảo cả gia đình ngày ngày phơi tôm khô, cá khô, trồng cây trái cũng có thu nhập tốt rồi. Khách quý từ xa đến chơi, nghỉ 1 ngày đi chợ cũng không chết đói mà còn thấy vui, thấy mình hạnh phúc hơn. Đúng là đất lành âm thầm nuôi trái ngọt, người lành lặng lẽ tỏa hương.

Vậy chỉ còn một ngày rong chơi ở Phú Quý nữa thôi nên tôi phải chơi cho đã đời. Như mọi khi, chúng tôi mượn xe máy rồi chạy quanh con đường bờ biển hơn chục cây số để ngắm nhìn phong cảnh hữu tình. Lúc thì băng qua rừng phi lao xanh ngút trời, lúc thì lang thang qua những làng chài bé nhỏ bình yên, khi thì là bãi cát mịn màng. Rồi chúng tôi leo lên bãi ông Đụn nhìn về hòn Tranh, tìm đường lên núi Cấm, núi Cáo Các là các điểm tiễn hoàng hôn cực đẹp.

Chạy xe giữa xào xạc cây xối, giữa rì rào sóng, giữa nồng nàn hương đất trời chúng tôi tìm đến Vịnh Triều Dương. Vì là vịnh nên sóng ở đây chỉ lăn tăn nên tắm rất thích. Còn khi đặt chân xuống sâu hơn thì có cảm giác như đi trên tấm thảm san hô mềm mại.

Trên đường trở về, lũ bạn tiếp tục rủ rê tôi vào thăm mấy di tích lịch sử và đền chùa trên đảo. Tôi chối từ và một mình chạy xe về trước. Tôi vốn là người thuần túy đơn giản nên không thích ngó nghiêng thăm thú di tích từ quá khứ. Nếu đã ra biển thì chỉ muốn tập trung hết sức ngắm biển từ sáng đến đêm mà thôi. Mỗi lần tôi như vậy, lũ bạn đều châm chọc tôi là kiểu người sống không có ngày hôm qua. Tôi im lặng, không giải thích với ai. Chơi vẫn chơi nhưng một mình thì vẫn một mình.

Gần 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lên tàu về lại đất liền. Chân trời lúc bình mình sạch như tấm kính. Mặt trời nhú dần lên đến khi tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng gà. Lòng đỏ khổng lồ ấy lại được đặt lên chiếc mâm bạc rộng bằng cả chân trời trông y như mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh.

Từ cầu cảng Phú Quý nhìn ngược lại, trước mắt tôi vẫn là hòn đảo nguyên sơ nhưng không hề hiu quạnh. Có được điều ấy đều là nhờ sự bám rễ của rất nhiều gia đình từ đất liền vào. Họ quần tụ trở thành làng, thành bản. Gia đình nào đến đây lập nghiệp cũng được cả cộng đồng giúp đỡ nhiệt tình. Chính họ đã góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa, chủ quyền nước Việt trên hòn đảo xa xôi.

Anh lái tàu nổi hứng mở một vài ca khúc về biển: “Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh đến là biển xa…”. Những âm thanh ồn ào của cuộc sống dường như biến mất. Chỉ còn lại đây tiếng vi vu bât tận như lời tự tình của đại dương xa xôi. Chợt hiểu là biển luôn đợi chúng tôi trong hành trình cùng đi về phía mặt trời.

Bạn đang đọc bài viết Phú Quý: Nét “duyên thầm” vùng biển Bình Thuận tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục