Aa

Phú Yên chuyển đổi hơn 400ha rừng trái phép

Thứ Sáu, 28/07/2017 - 05:02

Ngày 27/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Theo kết luận thanh tra, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh; công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ranh giới ba loại rừng, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng chưa được xác định, cắm mốc trên thực địa; xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế.

Giai đoạn từ ngày 1/1/2012 - 31/3/2017, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 41 dự án đã thực hiện hoặc có nhu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 1.341,55ha, trong đó đất có rừng 807,57ha. Có 4 dự án chưa triển khai và 37 dự án đã và đang triển khai thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 725ha rừng (rừng đặc dụng 53,34ha, rừng phòng hộ 201,57ha, rừng sản xuất 470,09ha).

Kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện 39/41 dự án với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng 423,96ha rừng không phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 – 2020. Như vậy là trái quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên 502.342,43ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 297.979ha (đất có rừng là 191.958ha, đất chưa có rừng 105.951ha), chiếm 59% diện tích tự nhiên thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 14/37 dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo Luật Đất đai năm 2003, trong đó có 6/14 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (với 37,35ha rừng đặc dụng và 34,7ha rừng phòng hộ).

Tại thời điểm thanh tra, có hai dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang thực hiện dự án, gồm: dự án đường bộ Đèo Cả chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển 37,35ha rừng đặc dụng;

Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định (số 593/QĐ-UBND ngày 15/4/2014) về chuyển mục đích sử dụng 42,35 ha rừng trồng (rừng phòng hộ 31,73ha và rừng sản xuất 10,6 ha). Như vậy, UBND tỉnh Phú Yên chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 178/TTg-KTN ngày 28/1/2013.

Vạt rừng phi lao phía biển ven đường Lê Duẩn nối dài thuộc xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã biến mất và thay vào đó là đại công trường sân golf - Ảnh đăng trên báo Tuổi trẻ.

Vạt rừng phi lao phía biển ven đường Lê Duẩn nối dài thuộc xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã biến mất và thay vào đó là đại công trường sân golf - Ảnh đăng trên báo Tuổi trẻ.

Bên cạnh đó, có 23/37 dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trong đó có 12 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (16,31ha rừng đặc dụng; 166,87ha rừng phòng hộ). Trong đó có Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nhưng đã triển khai thi công là trái quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006.

Việc chấp hành quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường các dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, có 20/37 dự án có đánh giá tác động môi trường do chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích là 518,55ha. Tuy nhiên có 17/37 dự án đã chuyển mục đích sử dụng 206,45ha rừng không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 17 dự án là trái quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006.

Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành các văn bản cho phép sử dụng cơ chế đặc thù đối với một số dự án (Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; Khu du lịch sinh thái Sao Việt; Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam và Hầm đường bộ Đèo Cả bằng việc vừa lập dự án đầu tư, vừa hoàn tất thủ tục thu hồi đất, thu hồi rừng; vừa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vừa đánh giá tác động môi trường; vừa xây dựng phương án trồng rừng thay thế, vừa khai thác tận dụng gỗ, củi… Đây là một số trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Thanh tra Tổng cục lâm nghiệp đã yêu cầu Công ty TNHH New City Việt Nam tạm dừng tất cả các hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích rừng, đến khi có văn bản đồng ý thực hiện tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ hành vi vi phạm đối với Công ty TNHH New City Việt Nam đã thực hiện khai thác khoảng 2,7ha rừng phòng hộ khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đã không thực hiện hoàn thổ đúng thời hạn để trồng lại rừng trên diện tích sau khai thác khoáng sản.

Thanh tra Tổng Cục lâm nghiệp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên tổ chức rà soát toàn diện các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn; dừng triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Tiểu khu 310 và 311; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tập thể và cá nhân để xảy ra các sai phạm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top