Aa

Phương án nào cho đầu tư sân bay Long Thành?

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 25/10/2019 - 17:33

Báo cáo khả thi và báo cáo thẩm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã lần lượt được trình bày trước Quốc Hội. Nhiều vấn đề lo ngại được các đại biểu đặt ra liên quan đến việc huy động vốn của ACV.

Kiến nghị giao ACV làm chủ đầu tư

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành là hơn 4,7 tỷ USD, tương đương khoảng 111.000 tỷ đồng đã được các cơ quan thẩm tra thống nhất. Còn việc giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư các hạng mục chính của dự án như đề xuất của Chính phủ, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc này cần được thực hiện hết sức thận trọng.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, thẩm quyền lựa chọn nhà đầu từ thuộc Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Với một dự án trọng điểm quốc gia, việc chọn nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước sẽ có thể đảm bảo quản lý Nhà nước và an ninh quốc phòng. Đây là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, chọn nhà đầu tư bằng hình thức nào, đấu thầu, hay chỉ định thầu vẫn là nội dung đang được các đại biểu bàn luận.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, ACV hiện là đơn vị duy nhất quản lý 21 sân bay trên cả nước. Thậm chí Sân bay Vân Đồn thuộc sở hữu tư nhân nhưng cũng do ACV điều hành hoạt động. Vì thế dù đấu thầu trong nước hay chỉ định thì ACV cũng đáp ứng được nhiều tiêu chí nhất để xây dựng Sân bay Long Thành.

“Theo Luật Đấu thầu, từ 3 doanh nghiệp trở lên mới mở thầu, còn dưới 3 doanh nghiệp, chúng tôi sẽ xin Chính phủ về cơ chế mở thầu đặc biệt. Trong trường hợp đấu thầu không thành công, có thể Chính phủ cho đấu thầu lần 2, có nghĩa là kéo dài thêm một tháng. Nhưng thêm 1 tháng nữa mà vẫn chưa đủ 3 doanh nghiệp thì về nguyên tắc vẫn phải xin. Khi xử lý tình huống như thế, chúng tôi cũng định hướng là cuối cùng cũng chỉ chọn được ACV”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, việc chỉ định cho một nhà đầu tư thực hiện sẽ có thể giảm đến 1 năm rưỡi thời gian triển khai dự án so với phương án đấu thầu.

Phối cảnh dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Lo ảnh hưởng đến nợ công

Về việc chuẩn bị vốn cho dự án, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện tại, ACV đã tích lũy tiền mặt là 25.268 tỷ đồng và giai đoạn 2019 - 2025 dự kiến tích lũy được 12.339 tỷ đồng, do vậy sẽ bố trí được 37.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD. Số còn lại 2,628 tỷ USD sẽ đi vay. Chính phủ cho rằng, khoản này không làm tăng nợ công, do không sử dụng vốn ODA.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại điều 41 của Luật Quản lý nợ công, thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không, để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

“Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ, có thể tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó đề nghị rà soát để tránh gây biến động tổng mức đầu tư dự án.

ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Một băn khoăn khác được các đại biểu nêu ra, là Nhà nước đang nắm vốn chi phối hơn 95% tại ACV nhưng dù sao đây cũng là doanh nghiệp đã cổ phần hóa, do đó cần rà soát với các luật liên quan, đồng thời phải làm rõ việc quyết định thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ.

Còn theo Đại biểu Phạm Phú Quốc, trong báo cáo ACV nói có 1,57 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2025, như vậy, một khoản tiền không nhỏ là tính ở “tương lai”.

Bên cạnh đó, theo vị đại biểu này, khi đưa Long Thành vào khai thác, sân bay này sẽ chia sẻ lượng khách với nhiều sân bay khác, do đó hiệu quả kinh doanh tại các sân bay mà ACV đang khai thác giảm xuống. Từ đó dẫn đến các nguồn thu sẽ giảm, huy động tiền sẽ khó khăn hơn.

“Dòng tiền mà ACV báo cáo cần có phân tích, chứng minh rõ nét. Nói là có 37% vốn nhưng khi đi vay thêm có thể dẫn tới nợ xấu và ảnh hưởng đến trần nợ công. Cần làm rõ con số này thì trình ra Quốc hội mới thuyết phục”, ông Quốc khẳng định.

Lo chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng

Các đại biểu cho rằng, nếu chỉ định nhà đầu tư thì mới có thể đáp ứng được tiến độ đề ra của giai đoạn 1 dự án Sân bay Long Thành, khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Nhưng có một vướng mắc nữa khiến các đại biểu lo ngại tiến độ dự án không đảm bảo đó là vấn đề giải phóng mặt bằng. 

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, muốn triển khai dự án ngay vào năm sau thì phải có đất sạch, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất chậm chạp.

Cụ thể, đến tháng 8, việc đền bù giải phóng mới giải ngân được 232 tỷ đồng, trong tổng số 11.400 tỷ đồng (giai đoạn 2018 - 2019). Theo báo cáo, nếu nỗ lực hết 2019, sẽ thực hiện giải ngân được thêm 176 tỷ đồng, như vậy mới đạt khoảng 15%.

“Việc chậm giải phóng dẫn đến giá cả đất đai đền bù, thu hồi gia tăng, ảnh hưởng kế hoạch giải phóng mặt bằng, có thể làm chậm dự án”, ông Ngân cho biết.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 7) cũng băn khoăn về tiến trình giải phóng mặt bằng rất chậm chạp. Ông cho biết theo quy hoạch thì 5.000ha đất dành cho dự án đã đóng băng từ rất lâu, nên triển khai sớm để đạt hiệu quả.

Việc thu hồi thêm 136ha đất để làm thêm đường kết nối với sân bay, lại nằm ngoài ranh 5.000ha trước kia được phê duyệt sẽ lại càng gây khó khăn hơn cho việc giải phóng mặt bằng.

“Dự án 5.000ha mà chưa tính đến đường dẫn vào sân bay. Đến bây giờ mới tính thêm để thu hồi 136ha nữa. Đây là cố tình hay vô ý? Còn cái gì phát sinh hay không? Hay tầm nhìn có vấn đề?”, vị này đặt câu hỏi.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án Sân bay Long Thành của Chính phủ gửi đến các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án Sân bay Long Thành là 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng giai đoạn 1 khoảng 1.800ha.

Trong số diện tích đất thu hồi thực hiện giai đoạn 1 có 519ha đất của 905 hộ dân. Đến nay, cơ quan chức năng đã đo đạc, kiểm đếm được 460 trường hợp, với gần 389ha.

Phần diện tích đất còn lại chưa kiểm đếm được do người dân chuyển nhượng, cho, tặng bằng giấy tay; chủ sử dụng đất vắng mặt và không xác định địa chỉ cụ thể. UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo tổ chức đăng báo “tìm chủ đất”.

Báo cáo chỉ rõ sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án Sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định cấm chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng trong vùng quy hoạch.

Tuy nhiên, do nhu cầu cấp bách, các hộ dân đã chuyển nhượng bằng giấy tay, phân chia thừa kế cho các con, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất.

Một số trường hợp thay đổi đối tượng thu hồi đất do chuyển nhượng, thừa kế nên phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất. Số khác không chỉ được ranh đất, không đồng ý với hồ sơ kỹ thuật thửa đất do giảm diện tích.

Ngoài ra, xuất hiện tình trạng người dân tự chia tách, lập thành nhiều hồ sơ để cho tặng, chuyển nhượng bằng giấy tay. Do vậy, UBND huyện Long Thành gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ sử dụng đất, kéo dài thời gian do áp dụng quy trình kiểm kê vắng chủ và xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top