Aa

Quy định mới về chính sách phát triển thủy sản

Thứ Năm, 31/01/2019 - 03:00

Đây là một trong những nội dung quy định tại Thông tư số 123/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 114/2014/TT-BTC; Thông tư số 13/2016/TT-BTC; Thông tư số 117/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính liên quan đến một số chính sách phát triển thủy sản.

quy dinh moi ve chinh sach phat trien thuy san
Ảnh minh họa

Thông tư 123 bổ sung các quy định: Các khoản cho vay bị quá hạn một phần dư nợ gốc thì khách hàng không được cấp bù lãi suất đối với phần dư nợ gốc bị quá hạn kể từ thời điểm phát sinh. Phần dư nợ gốc không bị quá hạn theo Hợp đồng tín dụng ký kết giữa ngân hàng và khách hàng thì tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tàu đóng mới kém chất lượng, bị hư hỏng phải sửa chữa tàu dẫn đến không thể hoạt động khai thác thủy sản do lỗi của bên đóng tàu sẽ được hỗ trợ lãi suất trong thời gian sửa chữa tàu.

Đối với trường hợp chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Trong thời gian làm thủ tục chuyển đổi chủ tàu, trường hợp chủ tàu không trả nợ đúng hạn và được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì dư nợ gốc được cơ cấu lại sẽ được hỗ trợ lãi suất nhưng tối đa không quá 06 tháng. Sau khi thực hiện chuyển đổi tàu, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ nếu khoản vay đáp ứng được điều kiện quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các khoản cho vay được cấp bù lãi suất là các khoản cho vay đúng đối tượng, khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật, bao gồm: a) Các khoản cho vay trong hạn, không bao gồm các khoản cho vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ không do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng quy định; b) Các khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguyên nhân khách quan, bất khả kháng bao gồm: Tàu bị thiên tai làm hư hỏng phải sửa chữa; tàu bị nước ngoài bắt, giam giữ; tàu bị tàu khác đâm, va làm hư hỏng phải sửa chữa (không do lỗi của chủ tàu); tàu đóng mới kém chất lượng, bị hư hỏng phải sửa chữa tàu dẫn đến không thể hoạt động khai thác thủy sản do lỗi của bên đóng tàu; chủ tàu bị bệnh tật, bị tai nạn không có khả năng đi biển (trong trường hợp chủ tàu trực tiếp đi biển); chủ tàu chết, mất tích; chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 31-1-2019.

T.Quang

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top