Aa

Quy hoạch vùng đệm an toàn để tránh tất cả nguồn gây ô nhiễm

Thứ Ba, 15/10/2019 - 09:32

Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nếu đúng như nguồn gây ô nhiễm từ dầu thải, phải xác định được quy mô lượng nước ô nhiễm đã hút vào nhà máy là bao nhiêu, thời gian nhiễm bẩn từ khi nào để có giải pháp xử lý phù hợp.

Về giải pháp khắc phục đối với các hộ dân đang sử dụng nguồn nước sạch sông Đà nhiễm dầu, trao đổi với phóng viên, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (KTN&CNMT) đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp xử lý tránh xảy ra tình trạng tương tự.

PV: Mấy ngày qua hàng vạn người dân khu vực phía Tây Hà Nội phải sử dụng nguồn nước sạch do Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp bị nhiễm dầu. Ông có thể đưa ra những giải pháp tức thời để xử lý hiện tượng trên?

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ: Nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy xử lý nước mặt, sở dĩ người dân thấy nước có mùi lạ là do nguồn nước đã bị ô nhiễm. Do đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong những ngày qua. Nếu đúng như nguồn gây ô nhiễm từ dầu thải, giải pháp đầu tiên đương nhiên là truy tìm thủ phạm và ngăn chặn ngay hành động này.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (KTN&CNMT).

Thứ hai, phải xác định được quy mô lượng nước ô nhiễm đã hút vào nhà máy là bao nhiêu, thời gian nhiễm bẩn từ khi nào để có giải pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, nếu lượng nước ô nhiễm đã hút vào ứng với quy mô nhà máy khoảng 300.000m3 nước/ngày, đêm thì công tác xử lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Còn đối với người dân, trong khi đợi các cơ quan Nhà nước có giải pháp xử lý, cần tự lo giải pháp cho chính gia đình mình. 

Muốn vậy, mỗi gia đình nên dùng các cột hấp phụ nhỏ trong đó có than hoạt tính để giải quyết ô nhiễm nước. Tùy thuộc vào nồng độ dầu trong nước, người dân có thể dùng hệ thống lọc nhiều cấp.

Đối với các tòa chung cư, các chủ đầu tư cũng có thể áp dụng giải pháp tương tự với nhưng với quy mô lớn hơn ứng với lượng nước lấy vào. Tôi nghĩ những thiết bị này đều đang bán ngoài thị trường người dân có thể tự mua về sử dụng.

PV: Theo ông, ngoài khả năng nguồn gây ô nhiễm từ dầu thải, ông có lưu ý đến khả năng những nguồn gây ô nhiễm khác?

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ: Đường ống nước sạch Sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội đã bị bục vỡ hơn 20 lần. Do đó, theo tôi dịp này các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra lại quy trình súc rửa đường ống nước sạch sông Đà sau mỗi lần sửa đường ống. Trong mỗi lần sửa chữa đường ống bị vỡ đó, đơn vị sửa chữa nếu không súc rửa đường ống theo đúng quy trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch.

PV: Về lâu dài, tránh hiện tượng tương tự xảy ra, theo ông cần có giải pháp như thế nào?

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ: Thông thường các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp...

Dòng suối nhiễm dầu gây ô nhiễm nước ở Hà Nội. Ảnh: Công Trình

Trong khu vực vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Đơn vị sản xuất phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tại khu vực này thì sự cố sẽ khó xảy ra.

Xin cám ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top