Khám phá

Quy Nhơn vẫn ngày đêm lấp lánh

Khám phá - 23:30, 18/02/2019 G2T+7 - Phan Anh Loan

Quy Nhơn là một vẻ đẹp siêu thực từ quá khứ đến hiện tại và khát vọng tới tương lai. Đi trên bãi biển Quy Nhơn có dáng cong mềm mại vầng trăng khuyết như một thiếu nữ nghiêng mình xõa tóc, thấy tràn về sự an nhiên.

Eo gió Quy Nhơn

Eo gió Quy Nhơn

Quy Nhơn là một trong những bãi biển êm đềm bậc nhất của miền Trung. Nhưng nếu đến quy Nhơn mà chỉ biết tới biển thì quả thật lãng phí. Quy Nhơn một thời lóng lánh rực rỡ vàng son, từng hai lần được chọn làm kinh đô rồi quay về tĩnh lặng hiền hòa. Chính vì thế nói đến Quy Nhơn không chỉ là nói tới biển đảo với tình yêu vô tận mà còn phải nói tới cái hồn cốt của thành phố này là những bề dày về giá trị lịch sử và văn hóa.

Tháp Đôi, cảnh quan đẹp trong thành phố

Tháp Đôi, cảnh quan đẹp trong thành phố

Cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI Quy Nhơn được chọn làm kinh đô của nhà nước Cham Pa cho đến thế kỷ XV. Sau khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, vào năm 1776, Nguyễn Nhạc, người anh cả trong Tây Sơn tam kiệt cũng chọn Quy Nhơn xây thành Hoàng Đế. Qua bao thăng trầm của thời gian, di tích thành Đồ Bàn kinh đô xưa nay chỉ còn phế tích. Dấu vết rêu phong xưa cũ của nghê đá, voi chiến, trụ cờ, cổng thành, hồ bán nguyệt... khiến ta vẫn đọc được trong đó một thời vàng son:

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng

Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh

Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng

Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành

(Trích bài Điêu tàn - Chế Lan Viên)

Không chỉ có thành Đồ Bàn thể hiện dấu tích vàng son một thủa, khắp đất Quy Nhơn, Bình Định còn rải rác rất nhiều những tháp Chăm. Ngay giữa trung tâm thành phố là Tháp Đôi. Xa hơn nữa là tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít... Các tháp Chăm là biểu tượng rõ nhất về một nền văn hóa rực rỡ và bí ẩn. Có người nói ngắm các tháp Chăm chẳng khác gì ngắm những chiếc nhẫn tinh xảo. Nhìn vào góc nào của tháp cũng thấy những nét điêu khắc chạm trổ tỉ mỉ và công phu. Những viên gạch cứng đỏ au, xếp chống lên nhau khéo léo không cần thứ vôi vữa nào. Người nghệ nhân xưa đã gửi gắm vào đó bao tình cảm quyến luyến từ con tim, bao khát khao sáng tạo về nghệ thuật để đến giờ sau hàng ngàn năm, bao thể chế triều đại đã qua đi nhưng những tháp Chăm vẫn còn đó như món quà từ trời cao ban tặng cho con người. Các Tháp Chăm đã được người nghệ sĩ tài hoa Văn Cao ví như những giọt nước: "Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt tháp Chàm".

Núi Vũng Chùa, view ngắm toàn thành phố

Núi Vũng Chùa, view ngắm toàn thành phố

Tháp Chăm là giọt nước mưa của trời hay đó chính là giọt mồ hôi nước mắt của người nghệ nhân nhân dân gửi bao tâm tư vào hình khối và linh hồn của tháp để tạo nên nét quyến rũ đến muôn đời?

Đầm Thị Nại

Đầm Thị Nại

Một Quy Nhơn xưa với thành quách cố đô, Tháp Chăm bí ẩn, tiếng trống trận Tây Sơn và trận chiến đầm Thị Nại đem lại bao bồi hồi xúc cảm, bao tâm tư tĩnh lặng từ chiều sâu lịch sử văn hóa. Nhưng cũng có một Quy Nhơn nay trẻ trung dịu dàng và duyên dáng. Đúng như tên gọi, Quy Nhơn là nơi quy tụ nhân tài, nơi hội tụ con người từ những vùng khác nhau. Quy Nhơn là nơi tụ hội của bao nhà thơ tài hoa như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Đến Quy Nhơn là phải tới đồi Thi Nhân để cùng nhau đọc lại những vần thơ của nhóm thơ Bình Định nổi tiếng, viếng nơi yên nghỉ của chàng thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Quy Nhơn đầy chất thơ, cũng bởi thơ là tôn giáo của Hàn Mặc Tử. Những đau thương tột bậc về thể xác và tinh thần lại khiến sức sáng tạo của chàng thi sĩ viết nên những vần thơ mới lạ. Sau bao cống hiến cho thơ để có hẳn một trường phái Hàn học, chàng thi sĩ ấy gối đầu vào ghềnh Ráng để đêm ngày sóng biển, gió biển và trăng Quy Nhơn với vẻ đẹp não nùng vỗ về giấc ngủ muôn đời.

Bãi đá trứng

Bãi đá trứng

Sau khi viếng mộ Hàn Mặc Tử và dạo bước trên đồi Thi Nhân, đọc những câu thơ khắc vào đá, tâm hồn ta như đồng điệu cùng thơ. Bước chân vô định dẫn ta tới sát mép biển để ngắm bãi đá trứng hay còn gọi là bãi tắm Nam Phương Hoàng Hậu. Những viên đá cuội to nhỏ khác nhau nhẵn mịn như những quả trứng khủng long khổng lồ. Theo sự phản chiếu của ánh mặt trời, những quả trứng đó có lúc là màu trắng, lại có khi có màu xám. Hãy đi đôi chân trần trên những quả trứng khủng long để cảm nhận sự mát lạnh của sóng và của gió. Gió biển và sóng biển mơn man đôi chân và tâm hồn ta được thả lỏng để cảm cái đẹp của một bãi biển rất đỗi dịu dàng.

Đảo Kỳ Co - Maldives của Việt Nam

Đảo Kỳ Co - Maldives của Việt Nam

Quy Nhơn còn hấp dẫn bởi những cảnh đẹp mê đắm của Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, cù lao Xanh... Nếu đảo Kỳ Co được ví như một Maldives của Việt Nam thì chùa Thiên Hưng ở khu dã ngoại Trung Lương được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất Bình Định. Biển và núi, sóng và gió, con người và thiên nhiên cứ hòa vào nhau làm nên một Quy Nhơn khắc khoải yêu thương nhung nhớ. Bãi biển Quy Nhơn không rực rỡ và nổi tiếng như Nha Trang nhưng lại có sức hút riêng. Nếu biển Nha Trang là cô hoa hậu đã thành danh thì biển Quy Nhơn như nàng công chúa xinh đẹp yêu kiều mới được đánh thức sau giấc ngủ dài. Quy Nhơn có bãi biển lóng lánh sắc nắng vàng. Quy Nhơn có xanh mướt của những rặng dừa. Quy Nhơn có sóng sánh ánh trăng đêm: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho...”

Chùa Thiên Hưng thuộc khu dã ngoại Trung Lương

Chùa Thiên Hưng thuộc khu dã ngoại Trung Lương

Quy Nhơn là một vẻ đẹp siêu thực từ quá khứ đến hiện tại và khát vọng tới tương lai. Đi trên bãi biển Quy Nhơn có dáng cong mềm mại vầng trăng khuyết như một thiếu nữ nghiêng mình xõa tóc, thấy tràn về sự an nhiên. Quy Nhơn trầm mặc sẽ là nơi hội tụ của tài trí và tâm huyết, của những mộng mơ và khát vọng cho một thành phố xứng với những gì từng có trong vàng son của lịch sử.

Bạn đang đọc bài viết Quy Nhơn vẫn ngày đêm lấp lánh tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục