Aa

Quy y - Đôi điều chia sẻ

Thứ Bảy, 17/08/2019 - 06:29

Những gia đình Việt Nam vẫn có thói quen đưa con mình đi quy y từ tuổi nhỏ. Quy y như vậy người ta nghĩ là con cái và gia đình mình đã thuộc về đạo Phật.

Tôi thường đi lại nhiều trên đất Bắc. Những lúc trao đổi nói chuyện với mọi người, tôi thường nói với họ: "Quý vị nên quy y đi". 

Họ liền hỏi: "Quy y là gì thầy?". 

Tôi nói: "Quy y là xác tín cho mình thuộc về một gốc rễ, một nền văn hoá".

Sinh ra và lớn lên, tất cả mỗi một con người có mặt trên quả đất này, đều thuộc về một gốc rễ nào đó. Vậy thì anh hay chị thuộc về một gốc rễ nào? Thuộc về nền văn hoá nào? Rất nhiều người bây giờ không trả lời được câu hỏi đó. Như khi bạn là người Việt, nếu bạn không trả lời được câu hỏi trên, bạn không thuộc về nền văn hóa Việt. Tuy đang sống trên đất nước Việt, nhưng bạn thuộc về đâu đó, lẫn lộn và lu mờ đi trong kiếm tìm miếng cơm, manh áo gạo tiền, trong dục vọng và danh lợi, rồi đi hết kiếp người.

Hồi dưới mười tuổi, khi còn ở với bố mẹ, tuy chưa đủ nhận thức để cho rằng mình thuộc về nền văn hoá nào, nhưng tôi đã tập quen từ nhỏ một nếp sống từ cha mẹ tôi, để rồi khi đủ nhận thức tôi liền biết là mình thuộc về nền văn hoá đó, gia đình mình thuộc về gốc rễ đó.

Trên tôi có một anh và một chị, dưới tôi có hai em trai kế và một gái út. Nhà đông anh em, chúng tôi thường chạy nhảy chơi đùa với nhau suốt ngày. Nào là những trò chơi trốn tìm của tuổi con nít thì tha hồ mà náo loạn. Nhưng chúng tôi không bao giờ dám trốn dưới ban thờ tổ tiên trong nhà. 

Quê tôi nhà bao giờ cũng có ba gian, gian chính giữa chỉ dùng cho việc thờ tự. Thờ, mọi người thường theo nếp “tiền phật hậu linh”. Nghĩa là trước thì thờ Phật, sau thờ hương linh tổ tiên. Chúng tôi được dạy, khi đi ngang ban thờ phải cúi đầu. Con trẻ, nhưng chúng tôi phải biết đó là chỗ linh thiêng nhất trong ngôi nhà.

Ban thờ là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà. (Nguồn: Internet)

Mỗi khi thắp hương tôi thấy cha đi rửa tay sạch sẽ và mặc áo dài vào. Cha thường kính cẩn mỗi khi cầm cây hương đốt, và đứng yên lâm râm khẩn nguyện rồi cúi đầu vái trước khi cắm một nhánh hương lên lư. Chúng tôi chứng kiến công việc đó của cha mỗi ngày hai bận đều đặn sáng tối. Nhất là mỗi khi anh em tôi có ốm đau gì, phần mẹ thì lo cháo và chạy tìm các thứ lá cây cho các con đắp và ăn, còn phần cha, cha đứng rất lâu trước bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên, tay cha cầm ly nước trong, miệng đọc kinh khấn nguyện. Cha cầu nguyện cho chúng tôi. Trong những lúc như vậy, tôi thấy cha tha thiết chí thành lắm. Chúng tôi ai có bệnh cũng được cha cho uống thứ nước được cha cầu nguyện đó. 

Nếu chạy chơi hay đi đâu qua nhà hàng xóm, chúng tôi được gọi lại dặn dò cẩn thận, rằng: ngoài chuyện phải thưa dạ lễ phép, việc tối kỵ là không được ngồi vào bộ bàn kê giữa nhà, trước ban thờ. Nếu nhà có bộ phản kê trước ban thờ, thì khi có được người ta mời ngồi cũng nhớ đừng ngồi xoay lưng vào phía trong ban thờ. 

Tuổi nhỏ của tôi, nếu tự nhiên đang đi học, chiều về thấy ốm, thế nào mẹ cũng gạn hỏi, hôm nay đi học về con có đi chơi những đâu không? Có làm gì không nói mẹ nghe? Hỏi vậy, để khi lo thuốc cho con, mẹ yên tâm là con mình hôm nay đi chơi không lỡ phạm vào chốn thờ tự nào. Quê tôi, khi một người có bệnh, ngoài chuyện chạy lo thầy lo thuốc, ai cũng nghĩ rằng biết đâu cái bệnh đó có khi lại do người cõi Âm khiển trách.

Cuộc sống người nông, dù trong vườn hay ngoài ruộng, trái ngô hay hạt lúa đầu mùa đều được dâng lên bàn thờ trước, rồi mọi người mới được ăn.

Ở tuổi đó, khi đất nước vừa thống nhất, trong trí trẻ thơ, tôi ngạc nhiên khi thấy một vài người có đi chùa mà vẫn đi cất rớ (cất vó). Nhà tôi ở gần sông, mùa mưa nước từ con hói trước nhà đổ ra sông rất mạnh, cũng là khi nước con sông Vĩnh đã dâng cao. Những lúc như vậy tôi thấy mọi người bao quanh miệng cống, cái chỗ chạm nhau từ dòng chảy của con hói và dòng sông để cất rớ. Tôi chứng kiến được một điều từ những người đó, khi cất lên được cá chép là người ta thả lại xuống sông. 

Người Phật tử quy y rồi, phát nguyện ăn chay một tháng hai ngày, bốn ngày hoặc mười ngày. Ngoài những ngày chay họ vẫn sinh hoạt như mọi người. Nhưng họ không bắt những thứ như ếch rắn để bán hoặc ăn, không ăn thịt trâu, mèo và chó… Hồi đó, ngay cả những người không đi chùa vẫn không ai ăn thịt trâu, thịt chó và những loại như rắn rết ếch nhái… Tuổi nhỏ tôi không hiểu lắm, chỉ nghe người ta bảo là kiêng, không ăn những loài đó.

Sau này tôi mới hiểu, nếp sống đạo Bụt đã ảnh hưởng sâu đậm vào dân gian. Trong tất cả các loài vật, loài cá là loài tỉnh ngủ nhất. Trong tất cả các loài cá, cá chép là loài tỉnh ngủ hơn hết. Có một lần thầy tôi đã giải thích như thế. Đúng là khâm phục sự quan sát của người xưa. Vì vậy ta thấy trên cái mõ để gõ nhịp tụng kinh hàng ngày người ta chạm vảy và đầu con cá chép. 

Cá chép được cho là con vật linh. Nhân gian cho cá chép hoá rồng. Gõ mõ là người tụng kinh gióng lên tiếng gióng của sự tỉnh thức. Nhịp mõ là nhịp điệu reo vang của dòng chảy tỉnh thức, xua đi những u ám hôn mê trong tâm niệm con người lúc trì kinh niệm Bụt. Nhờ tỉnh thức mà ta biết rằng loài vật phải chịu đau đớn của sự bị cắt da xẻ thịt vì miếng ăn của ta. Ta phải hạn chế tâm niệm giết chóc từ miếng ăn hàng ngày. Gõ mõ là gõ lên cái điều thức tỉnh ấy. 

Người quy y rồi phát khởi lòng thương và phát nguyện không ăn cá thịt ít nhất là bốn ngày trong một tháng. Họ ăn chay để gửi lòng thương tưởng đến muôn loài có sự sống. Trong sự sống sinh nhai đó, họ nhận thức được rằng: sự sống sống bằng sự chết. Ở cái tuổi nhỏ của tôi lớn lên giữa quê hương xóm giềng, tôi thấy người ta “kiêng” nhiều thứ lắm. Và giai đoạn đó, giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy đời sống xóm giềng làng nước lành hơn nhiều. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhân gian ta có câu nói đó từ xa xưa.

Người quy y rồi phát nguyện không ăn cá thịt ít nhất là bốn ngày trong một tháng. (Ảnh: Internet)

Đó là nếp sống của một gia đình có gốc rễ và niềm tin nơi Tam bảo, nơi Tổ tiên mình. Từ nhỏ, chúng tôi biết là mình có một cái tên đạo. Chúng tôi không biết chúng tôi được quy y từ lúc nào, chỉ thấy cha đem phái quy y ra đọc từng tên pháp danh cho chúng tôi nhớ. Những gia đình Việt Nam vẫn có thói quen đưa con mình đi quy y từ tuổi nhỏ. Quy y như vậy người ta nghĩ là con cái và gia đình mình đã thuộc về đạo Phật.

Rồi lớn lên, mười tuổi tôi đã vào chùa ở, và được học thế này khi đi đến nhà người khác thăm trong dịp Tết: “Vào nhà, sau khi chào hỏi xong, nếu muốn ngồi, con phải xin phép thắp hương lên ban thờ rồi mới được ngồi xuống”. Thắp hương lên ban thờ là tỏ lòng kính trọng quá khứ (tổ tiên) của họ, kính trọng người đi trước. Không phải chỉ đến đình chùa ta mới thắp hương. Vào nhà riêng ta cũng có thể tỏ bày niềm kính trọng của ta đối với tổ tiên bằng cách thắp lên trên ban thờ nhà đó một nén hương. Không có sự tỏ bày nào đẹp hơn thế đối với đấng linh thiêng.

Bước vào chùa tôi vẫn được tiếp tục theo học chương trình văn hoá. Hồi đó, các thầy cô giáo trong khi dạy vẫn thường bài báng chuyện thờ cúng Tổ tiên Phật Thánh. Ngồi dưới lớp, tôi muốn nói lại với thầy cô giáo, nhưng không biết phải lý luận sao. Vì nghĩ, họ đã động chạm đến chỗ linh thiêng nhất trong đời sống của gia đình và nếp sống quê hương mình. Một hôm tôi đem chuyện đó thưa lên với thầy, thầy tôi dạy: Nếu lần sau, khi cô giáo nói vậy, con đưa tay lên xin thưa với cô giáo thế này: “Dạ thưa cô, nếu trong nhà không có bàn thờ tổ tiên, thì ngoài kia, trên bàn thờ Tổ quốc, họ thờ ai hả cô?”.

Tôi cũng giống như các bạn, cũng được đến trường, cũng tìm cách trau dồi kiến thức. Nhưng ngoài kiến thức phải trau dồi, gọi là học nữa học mãi đó, để mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, đón nhận thêm vào mình vô vàn yếu tố văn hoá khác, tôi ý thức được một điều, đâu là nền văn hoá gốc của mình. Tuổi trẻ bây giờ không xác định được điều đó, nên quy y là cách tìm về nguồn cội, là làm sống dậy nếp sống 2.000 năm tâm linh Việt.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top