Aa

Quyền của những người quyền lực

Thứ Tư, 10/07/2019 - 07:00

Có hai thứ luôn được phản ánh thông qua hành vi của bất cứ nhà chính trị nào. Thứ nhất là phẩm cách về mặt văn hóa, và thứ hai, là mức độ văn minh của nền chính trị mà cá nhân đó được cử làm đại diện.

Trong hồi ký My life (Cuộc đời tôi) của mình, Tổng thống Bill Clinton kể lại một sự cố suýt nữa thì thành scandal chính trị ngay thời kỳ đầu ông bước vào Nhà Trắng để trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ (và đương nhiên cũng là nhất thế giới), rất đáng cho chúng ta phải nhớ và suy ngẫm.

Chuyện là thế này: Tổng thống có chuyến đi làm việc ở California và vì ông sẽ có buổi nói chuyện với giới trẻ tại đó nên ông muốn tóc tai mình gọn gàng một chút. Thế là trong khi chờ máy bay cất cánh, ông bảo người thợ cắt tóc quen biết “ủi nhanh cho tôi vài đường, miễn sao coi được là ok”.

Và ông đã mất khoảng 10 phút cho vụ “tân trang” đó. Nào ngờ hôm sau, có bài báo được tung lên với nội dung đại thể, Tổng thống đã nhờ một thợ cắt tóc đỏm dáng cắt tóc cho ông với giá 200 đô la!

Để thanh minh cho mình, Bill Clinton đã viết như sau: “Tôi sững sờ sao người ta lại có thể cho rằng tôi dám làm một việc như vậy. Tôi có thể là Tổng thống thật, nhưng mẹ tôi sẽ vẫn quất cho tôi vài roi nếu tôi bắt nhiều người chờ cả tiếng đồng hồ để tôi cắt tóc, chứ chưa nói đến chuyện cắt tóc với giá 200 đô la”.

Hai trăm đô la, với một đất nước có quy mô kinh tế chiếm một phần tư thế giới (khoảng 20 ngàn tỷ USD), còn nhỏ hơn cả hạt muối thả trong hồ nước. Nhưng đó cũng là số tiền có thể làm sụp đổ một nền chính trị nếu nó khiến hàng chục triệu người thất vọng. Giả sử Bill Clinton là một thương gia, thì câu chuyện vừa kể sẽ thành hài hước ở khía cạnh ngược lạị.

Ba người đàn ông giản dị này đã từng quyền lực nhất thế giới!

Ba người đàn ông có bộ dạng giản dị này đã từng nắm quyền lực nhất thế giới!

Là một chính trị gia, nhất là khi nắm trong tay quyền lực lớn, thứ quyền lực được nhân dân ủy nhiệm, ông/bà ta phải chấp nhận bị “tước” mất khá nhiều quyền tự nhiên, kể cả quyền tiêu tiền của mình một cách hoang phí, mặc dù trên thực tế không ai làm (và có thể làm) được việc đó, nhất là với một người siêu quyền lực như Tổng thống Hoa Kỳ. Thứ duy nhất đủ khả năng kìm kẹp, kiểm soát ông/bà ta trong vòng cương tỏa nghiêm khắc về mặt hành vi, chính là đạo đức chính trị. 

Có hai thứ luôn được phản ánh thông qua hành vi của bất cứ nhà chính trị nào. Thứ nhất là phẩm cách cá nhân về mặt văn hóa (đồng thời là sự tự tin về giá trị bản thân), và thứ hai, là mức độ văn minh của nền chính trị mà cá nhân đó được cử làm đại diện.

Ông Lý Quang Diệu vẫn tự tay giặt những cái quần đùi của mình; Tổng thống Obama luôn mặc những cái áo khoác bình dân; Thủ tướng Hà Lan ngồi máy bay ở hàng cuối, cạnh nhà vệ sinh, đi làm bằng xe đạp; Thủ tướng Anh tự khuân đồ đạc về nhà riêng sau khi thôi chức; Tổng thống Ba Lan kết thúc nhiệm kỳ là lập tức trở lại Đội bốc vác trong cảng, nơi ông làm việc trước khi thành Tổng thống và nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình; Thủ tướng hoặc Nhà vua Nhật đều cúi rạp người mỗi khi xuất hiện trước người dân…

Những người vừa kể trên đều đứng đầu những quốc gia cực kỳ giàu có, trên thực tế họ đều là những cá nhân quyền lực hàng đầu thế giới.

Họ hành xử như vậy không chỉ vì biết rõ mình sở hữu những giá trị tinh thần khổng lồ, không chỉ do họ biết tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn không thành văn của đạo đức chính trị, văn hóa chính trị, mà quan trọng nhất là cách hành xử đó thể hiện tinh thần khiêm nhường trước nhân dân, cao hơn nữa là lòng biết ơn với những tổ tiên đã tạo lập cho họ đất nước mà họ đang đại diện.

Quyền lực lớn nhất của họ là không bao giờ cho phép mình sống như một người có quyền muốn làm gì thì làm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top