Aa

Rà soát quy hoạch, xử lý sai phạm xây dựng tại quận Long Biên

Thứ Tư, 19/04/2017 - 05:52

Đó là nội dung được đề cập trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với quận Long Biên về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn quận từ năm 2011 - 2016.

Kiến nghị cho dân ven sông Hồng xây nhà 2 tầng

Theo đó, từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn quận Long Biên đã được phê duyệt 0 đồ án quy hoạch phân khu đô thị N10 và 96 đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng.

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo UBND quận, việc quản lý các công trình xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn quận hiện còn một số hạn chế như, việc cập nhật các quy hoạch đã được phê duyệt theo dự án riêng trên bản đồ quy hoạch phân khu đô thị N10 có một số khó khăn trong công tác quản lý; Các khu đô thị, khu nhà ở mới hiện nay một số đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương nên việc quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý hành chính còn khó khăn.

Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, UBND quận Long Biên kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết phòng chống lũ theo quyết định số 257/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để UBND quận quản lý quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân bãi sông Hồng, Sông Đuống theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Zing

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Zing


Đề nghị Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ cho phép các hộ gia đình vùng bãi sông Hồng, sông Đuống được xin cấp phép xây dựng có thời hạn lên 2 tầng. Bởi, theo lãnh đạo quận Long Biên, hiện cấp phép xây dựng cho các hộ dân vùng bãi sông Hồng, sông Đuống ngoài tuân thủ quy định của Luật xây dựng 2014 còn phải tuân thủ Luật Đê điều, Quyết định số 257/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.=

Tuy nhiên, tại phụ lục 2 theo quyết định số 257/2016/QĐ-TTg toàn bộ các hộ gia đình chỉ được phép cấp phép xây dựng có thời hạn, cải tạo chỉnh trang theo nguyên trạng và thuộc khu vực dân cư cần di dời, trong khi đó hầu hết các hộ gia đình đều đã ăn ở ổn định từ lâu, có những gia đình ở ổn định từ những năm 1960-1970 và nhu cầu cải tạo nhà ở là hết sức cấp thiết.

Với những gia đình hiện trạng là 2-3 tầng thì việc cải tạo theo nguyên trạng cũng đáp ứng được nhu cầu về nơi sinh hoạt, nhưng đối với những gia đình hiện trạng chỉ có 1 tầng, diện tích nhỏ hẹp nay chỉ cho phép cải tạo nguyên trạng là nhà một tầng và không cho mở rộng diện tích thì chưa đáp ứng được nhu cầu về nơi ở cho các hộ gia đình…

Tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đề nghị quận tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy hoạch, trong đó, cần đặc biệt cần lưu ý, không chỉ đúng quy trình mà phải có tầm nhìn, hiện đại, đảm bảo tính hệ thống.

Về vấn đề quản lý sau quy hoạch, quận cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Phát hiện 1.331 công trình sai phạm ở huyện Thanh Trì

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng làm việc với huyện Thanh Trì về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 - 2016 trên địa bàn.

Huyện Thanh Trì theo quy hoạch chung thủ đô là vùng đô thị trung tâm nhưng có địa hình trũng, cơ cấu quy hoạch phần lớn là vùng vành đai xanh, nêm xanh.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 - 2016, huyện đã phối hợp với sở QHKT Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lập 07 đồ án phân khu đô thị, 07 đồ án chi tiết hai bên đường và đồ án trung tâm huyện.

Năm 2012, huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới cho 15/15 xã trên cơ sở điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, tạo tiền đề để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước tạo diện mạo mới cho huyện.

Công tác quản lý quy hoạch được tăng cường, quy trách nhiệm đến từng cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong việc kiểm tra giám sát trật tự xây dựng. Từ năm 2011 - 2016, huyện đã kiểm tra gần 5 nghìn công trình xây dựng, phát hiện 1.331 công trình sai phạm, trong đó, tổ chức cưỡng chế 818 công trình, 410 công trình chủ đầu tư tự khắc phục; 46 công trình xử lý bằng hình thức khác và 57 công trình đang tiếp tục giải quyết.

Huyện kiến nghị các Bộ, ngành đôn đốc các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm các dự án hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn huyện như: Dự án cải tạo nâng cấp đường quốc lộ 1A; đường quôc lộ 70A (Phan Trọng Tuệ)… để huyện có cơ sở phát triển kinh tế xã hội nói chung và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện

Kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan đôn đốc các đơn vị có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu trung tâm đô thị huyện như nhà máy Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển... theo quy hoạch chung Thủ đô đã được duyệt. Bởi trước nhu cầu đô thị hoá, với địa thế cửa ngõ phía Nam nội thành Hà Nội, địa hình trũng tập chung các nguồn nước thải của thành phố, huyện Thanh Trì gánh chịu tác động nặng nề về ô nhiễm môi trường…

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lưu ý huyện Thanh Trì là đơn vị có tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng chí đề nghị, thời gian tới, huyện cần tiếp tục rà soát lại để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy hoạch. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top