Chợ bò cũng là nơi chứng kiến người Mông thoát nghèo từ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa theo phương thức “nuôi bò trên lưng người”, nghĩa là phải làm chuồng trại kiên cố, bò nuôi nhốt, người cắt cỏ cõng về cho bò.

Được ví như "khu đấu xảo sắc đẹp và cơ bắp" của các loại bò nuôi trên cao nguyên đá, chợ bò Mèo Vạc họp mỗi sáng Chủ nhật là nơi để khoe cái tài chăm sóc gia súc của gia chủ.
Hai chị em gái chủ bò ở Pả Vi xuống chợ Mèo Vạc tham gia phiên chợ để khách mặc sức ra giá, nếu “ưng cái bụng” thì bán, còn nếu không lại dắt về, vỗ béo tiếp phiên chợ sau lại dắt xuống bán.
Một lái bò người Mông đang mặc cả với người phụ nữ bán bò. Họ là những người đến chợ, tìm mua những chú bò nhỏ, về vỗ béo 3 - 4 tháng, sau đó mang ra chợ bán lại.

Với địa hình thừa nắng, thừa đá mà thiếu đất, thiếu nước, trước đây muốn nuôi được con bò người Mông cả ngày chỉ lo việc lấy cỏ trong rừng, cõng nước dưới suối nuôi bò. Thế nên bà con dân tộc Mông nơi đây truyền đời câu nói “nuôi bò trên lưng người” nghĩa là bò nuôi nhốt, người cắt cỏ cõng về cho bò. Muốn chứng kiến sự phát triển của đàn bò nơi đây, cách tốt nhất là ghé thăm phiên chợ bò họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần, nơi những chú bò hàng hóa được đồng bào dắt xuống chợ bán.

Những con bò được chọn mua về cày thường chân to, khỏe, sống lưng chắc, đôi sừng mở rộng và bụng thon. Giá mỗi con bò ở chợ Mèo Vạc dao động khoảng trên dưới 20 triệu đồng, tùy thuộc vào việc mua về để cày hay lấy thịt.
Khi những cuộc mua bán bò đã hoàn tất, cả chủ lẫn khách cùng kéo nhau thưởng thức bữa rượu ngô vừa kiểm đếm số tiền sau khi giao dịch bán bò đã hoàn thành.
Cả chú lợn Lũng Pù cắp nách bản địa nổi tiếng của miền đất Mèo Vạc hay những chú chó Mông đuôi cộc nổi tiếng cũng được người dân mang đến bán ở phiên chợ.

Sau tháng 10, mùa vụ đã thu hoạch xong, nhà nào cũng có người đi chợ phiên Mèo Vạc để khoe tài chăm sóc bò của mình. Chợ được chia thành nhiều khu vực, trong đó khu rộng nhất là nơi bán gia súc. Mặc dù có bán cả bò, dê, ngựa nhưng nhiều nhất ở đây vẫn là bò. Người bán bò thì kiên nhẫn chờ khách mua mà không cần mời mọc hay chèo kéo. Khách trả giá, ưng bụng thì họ bán không lại dắt về, phiên sau xuống chợ bán tiếp.

Là chợ phiên vùng cao lớn nhất Hà Giang, quy tụ lượng người từ hàng chục xã trong và ngoài huyện, chợ phiên Mèo Vạc lại vào ngày Chủ nhật nên mọi người tới đây là đi chơi chợ. Ngay từ lúc trời mới tờ mờ sáng, đồng bào ai nấy cũng xúng xính trong trang phục truyền thống thật đẹp xuống chợ, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Chọi bò vào ngày phiên chợ đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc ở Mèo Vạc và trong ảnh là một cuộc chọi bò ngẫu hứng được các chủ nuôi bò người dân tộc Mông ở Pả Vi tổ chức ngay tại sân vận động, sát chợ bò Mèo Vạc.
Mỗi phiên chợ có đến cả trăm con bò được mua và bán nên rất ít người mua bò phải ra về tay không.
Các chú bò mua được từ chợ Mèo Vạc cũng là sức kéo chính trên những luống cày trong cuộc mưu sinh miền đá tai mèo.

Đến khoảng 12h, “sàn giao dịch” bò vãn khách dần. Đây là thời điểm lái bò đến từ các tỉnh dưới xuôi (chủ yếu từ Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên...) đi khắp chợ ngả giá mua nốt những con bò cuối cùng. Với những chiếc xe có tải trọng lớn, mỗi phiên chợ Mèo Vạc họ thu ở "“Sàn đấu xảo sắc đẹp và cơ bắp” của cao nguyên đá này cả trăm chú bò.

Trọng Chính
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận