Sau một năm kinh doanh không thực sự thuận lợi, ông Khắc Cường, chủ một cửa hàng điện máy tại Bình Dương lấn sân đầu tư bất động sản. "Lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng giảm, tôi cũng không tự tin rót vốn nhiều vào vàng hay chứng khoán", ông Cường lý giải.
Không nhiều dự án lọt vào tầm ngắm của ông Cường thời điểm này, khi ông đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe về vị trí, uy tín chủ đầu tư, tiện ích đồng bộ... Nhà đầu tư này nhận định thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, sau những tháng ròng ảm đạm do tác động của dịch bệnh.
Quý III vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam có tín hiệu khởi sắc trở lại, hàng loạt chủ đầu tư lớn nhỏ có động thái bung hàng. Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp từ 56/63 địa phương cho thấy, số nhà ở đủ điều kiện bán trong quý tăng mạnh 82% so với quý trước. Tại nhiều địa phương nguồn cung nhà ở có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. 77 dự án với 35.614 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai...
Ông Cường nằm trong nhóm các nhà đầu tư mới trên thị trường bất động sản, những người có tài sản tích lũy từ việc tự kinh doanh, hoặc hưu trí... Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm rót vốn vào các dự án mới những tháng cuối năm. Nhiều người bày tỏ lòng tin vào việc tăng giá địa ốc, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng và đất đai ngày càng bị thu hẹp.
Chung niềm tin với giới đầu tư, nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, tiềm năng của thị trường sau đại dịch là rất lớn, cả về trung và dài hạn. Năm 2021, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến những làn sóng phát triển mới của bất động sản ven đô. Theo xu hướng ly tâm, bất động sản tại các tỉnh thành mới nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn quỹ đất sạch dồi dào sẽ trở thành tâm điểm của thị trường.
Tuy vậy, một chuyên gia đã nhận định, không phải thị trường bất động sản tỉnh lẻ nào cũng có sức hút mà phải tuỳ thuộc vào đặc thù từng địa phương. Những tỉnh ven biển như Hạ Long, Thanh Hoá, Bình Định... luôn có lợi thế nhờ có những ưu đãi về mặt thiên nhiên để phát triển du lịch. Ngoài ra những tỉnh có cơ chế chính sách thu hút đầu tư như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Tháp... sẽ thu hút được những nhà đầu tư lớn, nhờ đó, mặt bằng lớn về xã hội, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật cũng đi lên.
Tiềm năng còn rất lớn ở những thị trường bất động sản mới nổi, nhưng cần làm gì để tối ưu những tiềm năng này để thị trường phát triển bền vững? Thu hẹp hay mở rộng đầu tư trong môi trường đầy thách thức mới là quyết định hợp lý? Đâu là những thị trường thu hút dòng tiền ngay thời kỳ hậu Covid-19? Các nhà đầu tư biến "nguy" thành "cơ", đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường ra sao?...
Những chủ đề trên sẽ được bàn thảo tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra ngày 5/1 tới tại quần thể FLC Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc).
Sự kiện được truyền tải trực tiếp trên VnExpress với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản; lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam.
Thông qua những câu chuyện kinh doanh và trải nghiệm thực tế, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn sẽ đưa ra phân tích chuyên sâu về diễn biến các phân khúc cụ thể, tiềm năng, nguồn cung, cơ hội đầu tư và thị hiếu tại mỗi phân khúc trong ngắn và dài hạn, đồng thời đưa ra những tư vấn, khuyến nghị cần thiết cho nhà đầu tư trong thời gian tới.