Aa

Sau khi ôm tiền rời khỏi Hà Nội, giới đầu tư bất động sản về đâu?

Thứ Sáu, 13/07/2018 - 13:55

Sau khi ôm tiền rời khỏi Hà Nội, giới đầu tư bất động sản về đâu?; Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng: Vì sao "con voi chui lọt lỗ kim"?; Hà Nội sắp công khai toàn bộ dự án chậm tiến độ... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng: Vì sao "con voi chui lọt lỗ kim"?

Hàng loạt các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế đổi đất đang được thực hiện không ngang giá xuất phát từ việc định giá đất chưa sát với giá thị trường.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Quốc Khánh (Phó Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Đầu tư Việt) đã làm rõ hơn thông tin liên quan tới những quy định về định giá đất trong các văn bản pháp luật tại Việt Nam. Theo ông Khánh, cần phải xác định rõ ràng hai khái niệm định giá và thẩm định vì rất nhiều người đánh đồng hai vấn đề này. Định giá là việc đánh giá giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định. Còn thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo thông lệ Quốc tế.

Định giá do nhà nước thực hiện với tư cách tổ chức quyền lực công, thông qua đó thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước với cả tư cách chủ sở hữu (đối với tài sản nhà nước). Định giá thông quá các hình thức cụ thể, giá chuẩn khung giá, giá giới hạn (giá tối thiểu, tối đa). Từ các quy định trong Luật giá 2012, có thể hiểu định giá là việc xác định giá của người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản đưa ra mức giá có tính áp đặt, chủ quan.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Đất vàng" Công ty CP Cao su Hà Nội được điều chỉnh thành nhà ở thấp tầng, cây xanh

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 3346/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 tại khu đất số 59, tổ 4, phường Cầu Diễn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; trong ô quy hoạch K1-1 (phần quy hoạch sử dụng đất).

Theo đó, khu đất nghiên cứu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tại số 59, tổ 4, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm thuộc ô quy hoạch Kl -1, có tổng diện tích khoảng 9.186,4m2; trong đó phần đất có diện tích khoảng 968,4m2 nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch.

Phần diện tích đất còn lại có diện tích khoảng 8.218m2, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6631/QĐ- UBND ngày 2/12/2015 có ký hiệu K1-1/CQ1 và xác định chức năng đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sau khi ôm tiền rời khỏi Hà Nội, giới đầu tư bất động sản về đâu?

Báo cáo về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối 2016, tuy nhiên, đến đầu năm 2018 thì thị trường thực sự phát triển mạnh mẽ. Xuất hiện hiện tượng sốt đất tại một số các tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…Các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây.

Lý giải cho nguyên nhân này, Hội môi giới cho rằng do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức giá cao đã tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tại các thị trường bất động sản tỉnh lẻ, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tín dụng bất động sản: Ngưỡng bao nhiêu là đáng báo động?

Theo nhiều chuyên gia, tín dụng bất động sản là một trong những dấu hiệu đánh giá sức khỏe của thị trường này. Khi tín dụng bất động sản vượt ngưỡng an toàn, nguy cơ xảy ra vỡ bong bóng là điều dễ dàng xuất hiện.

Cuộc đổ vỡ theo hiệu ứng domino năm 2008 - 2009 của thị trường bất động sản vẫn còn là câu chuyện đầy ám ảnh bởi đằng sau đó là sự trì trệ của cả nền kinh tế. Phải mất nhiều năm sau, thị trường bất động sản mới dần phục hồi và đi vào nhịp ổn định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội sắp công khai toàn bộ dự án chậm tiến độ

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP vẫn còn những dự án mà chủ đầu tư để thời gian kéo dài. TP đang giao Sở KHĐT và lãnh đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát, trong quý III/2018, sẽ công bố công khai toàn bộ dự án chậm. Tuy nhiên, quá trình thu hồi các dự án này thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng và thấu tình đạt lý.

Cụ thể, trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam) yêu cầu TP kiểm tra các dự án công trình quá thời hạn triển khai, quyết thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, TP nhận thấy có các dự án mà chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và kéo dài thời gian thực hiện, có những dự án kéo dài đến tận 15, 17 năm. Vì thế, ngay từ quý I/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở KH&ĐT và xác định có 537 dự án chậm để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của dự án còn tồn đọng. Trong đó, đã gia hạn với các dự án mà chủ đầu tư có đủ điều kiện, cam kết tiếp tục đầu tư; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục, giải phóng mặt bằng; kết nối với các ngân hàng trong vấn đề vốn… Đối với những dự án có sai phạm trong PCCC hoặc sai phạm đã xử phạt hành chính mà sai giấy phép khắc phục thì TP yêu cầu khắc phục hoặc kiên quyết không cấp chủ trương đầu tư cho các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top