Aa

Shophouse “se duyên” với thương mại điện tử

Thứ Bảy, 24/11/2018 - 14:01

Shophouse “se duyên” với thương mại điện tử; Công nhân “bao vây” đòi tiền đại gia Hàn Quốc; Long An: Giá nhà đất "nóng" theo dự án; ... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Shophouse “se duyên” với thương mại điện tử

Theo các chuyên gia, nhìn sang các thành phố lớn khác trong khu vực, có thể thấy rằng, những chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như 7-Eleven hay Family Mart xuất hiện với mật độ dày đặc tại khắp các tuyến đường, hay các khu dân cư. Với tốc độ phát triển của các đô thị trong nước, không khó để thấy tương lai của thị trường shophouse tại Việt Nam cũng có thể đạt đến tầm cao tương tự.

Theo đại diện Colliers Việt Nam, tiềm năng đầu tư của loại hình shophouse không chỉ nằm ở khả năng cho thuê giá cao, mà chủ sở hữu shophouse có thể hưởng lợi cả sự tăng giá của tài sản. Đặc biệt, tại các quận khu vực trung tâm, với giá thuê quá cao, tiền thuê mặt bằng bán lẻ sẽ cao hơn là sở hữu một shophouse lâu dài.

Nguồn cung shophouse Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Nguồn cung shophouse Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Một lợi thế nữa cho shophouse trong tương lai là việc các dự án shophouse tồn tại trong cùng một khu vực có thể tìm được nhiều khách thuê trong cùng một lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, khu phố trà sữa trên đường Ngô Đức Kế, khu phố hàng may mặc xung quanh chợ Bến Thành… Điều này có thể giúp các thương hiệu bán lẻ này tiếp xúc được nhiều khách hàng hơn, cũng như chia sẻ chi phí sử dụng các nhà cung cấp.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, khi các thương hiệu toàn cầu tiến vào thị trường Việt Nam ngày một đông, thị trường shophouse sẽ có dịp nở rộ. Các khu dân cư lớn như Khu đô thị Sala (TP.HCM) hiện nay có rất nhiều shophouse, nhưng vẫn còn rất ít dân cư. Khi dân cư đã đông lên, hoạt động kinh doanh chắc chắn cũng sẽ phát triển tương xứng. Hiện nay, người tiêu dùng tại Việt Nam còn thiếu lựa chọn, nhưng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế, ngành bán lẻ tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Công nhân “bao vây” đòi tiền đại gia Hàn Quốc

Đây là lần thứ 3 công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng Khang Nghĩa (Công ty Khang Nghĩa) căng băng rôn đòi tiền Posco E&C. 2 lần trước các công nhân căng băng rôn ở dự án chung cư The Nassim, còn lần này họ kéo tới tận trụ sở công ty Posco E&C để đòi tiền.

Là 1 trong những người căng băng rôn đòi tiền, anh Nguyễn Văn Tâm, công nhân Công ty Khang Nghĩa cho biết, công việc của anh ở dự án The Nassim đã hoàn thành từ nhiều tháng nay, các căn hộ ở đây cũng đã được bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Công ty Khang Nghĩa vẫn còn nợ anh khoảng 200 triệu đồng tiền lương. Các công nhân khác cũng còn bị nợ từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng.

Anh Tâm được Công ty Khang Nghĩa (thầu phụ của Posco E&C) nói do nhà thầu chính dự án Posco E&C chưa thanh toán hết tiền nên chưa có tiền trả lương. Không còn cách nào khác, anh Tâm cùng một số công nhân khác đành đến trụ sở Posco E&C, yêu cầu công ty này thanh toán nốt tiền cho Công ty Khang Nghĩa, để Công ty Khang Nghĩa trả lương cho công nhân và tiền vật tư cho nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Khang Nghĩa cho biết, năm 2016, công ty có ký kết 2 bản hợp đồng thi công xây trát và ốp lát tại dự án The Nassim, với Posco E&C, với tổng giá trị 2 hợp đồng là hơn 46 tỷ đồng.

Theo ông Hiếu, trong quá trình thi công, có nhiều hạng mục phát sinh ngoài hợp đồng, do thay đổi thiết kế một số hạng mục. Ví dụ như từ 2 căn hộ nhỏ liền kề, đục tường ra để ghép thành 1 căn hộ… Theo tính toán của Công ty Khang Nghĩa, số tiền để thi công các hạng mục phát sinh này là hơn 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, Posco E&C chỉ thanh toán cho Công ty Khang Nghĩa số tiền trong hợp đồng. Còn số tiền phát sinh ngoài hợp đồng, Posco E&C không chịu thanh toán, do không đồng ý với số tiền hơn 17 tỷ đồng, mà công ty Khang Nghĩa đưa ra.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Ỳ ạch kế hoạch di dời trụ sở hành chính công

Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội (VIUP) cho biết, việc thực hiện di dời, chuyển đổi cơ quan cũ, không hợp lý trong khu vực nội đô là quá trình vận động đương nhiên của phát triển đô thị, không chỉ thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM. Đây còn là nhu cầu của các thành phố lớn trên địa bản cả nước.

“Việc di dời phải đáp ứng mục tiêu như: Tạo môi trường làm việc tốt hơn cho ngành và lĩnh vực; tạo cơ hội sắp xếp lại hoạt động đô thị; khai thác quỹ đất, công trình sau chuyển đổi cho các mục đích công. Mặt khác, đề án di dời phải được nghiên cứu từ tổng thể (quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết) đến các bước triển khai cụ thể (dự án đầu tư) mới đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, sử dụng quỹ đất, công trình sau di dời cho mục đích tái cấu trúc đô thị, ưu tiên cân đối cho các mục tiêu công cộng”, ông Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, TP. Hà Nội cần dùng các nguồn lực, cơ chế của mình để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án.

Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi, với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua, sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.

Hạ tầng xung quanh những bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải

Hạ tầng xung quanh những bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải

Với những giải pháp sử dụng cơ sở cũ, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Việc này cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, mang lại hiệu quả tối ưu cho đô thị Hà Nội.

Trực tiếp trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 117 công trình, dự án tiếp tục phải di dời. Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn, bởi nếu không di dời sẽ không bảo đảm môi trường, không gian văn minh cho thủ đô.

Đối với các dự án cụ thể như Bệnh viện 09, Thành phố đã đưa vào kế hoạch di dời đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt. Riêng đối với Nhà máy Pin Văn Điển, Nhà máy Phân lân Văn Điển…, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, đánh giá để báo cáo Thành phố phương án xử lý tối ưu.

Xem chi tiết tại đây.

Long An: Giá nhà đất "nóng" theo dự án

Tổng công ty Becamex – IDC hiện đang xúc tiến cùng UBND tỉnh Long An tiến đến mục tiêu thành lập một khu kinh tế theo mô hình phức hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ mà doanh nghiệp này đã triển khai thành công ở Bình Dương. Dự kiến khu phức hợp sẽ có quy mô 4.100 ha.

Trước đó, Tập đoàn Him Lam cũng chọn Long An để đầu tư khu kinh tế mở quy mô hơn 32.300 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc; gồm KCN công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu cảng biển quốc tế với trọng tâm là khu đô thị sinh thái 15.000 ha.

Công ty BĐS Nam Long cũng đã khởi công dự án Waterpoint với quy mô 381 ha tại huyện Bến Lức. Ở Cần Giuộc, tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được chính quyền Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án. Tính chung diện tích của các dự án này lên đến hơn 2.100 ha.

Một dự án đất nền Long An thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia

Một dự án đất nền Long An thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia

Riêng khu vực Đức Hòa, nhà đất quanh đây thời gian qua “nóng” lên nhờ thông tin triển khai hai dự án lớn là khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí quy mô khoảng 900 ha của tập đoàn Vingroup và dự án đầu tư phát triển dự án khu đô thị Everde City của tập đoàn Tân Tạo.

Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Long An có 96 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 12,5 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 13,5 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh có 1.547 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 179.558 tỉ đồng.

Về đầu tư nước ngoài, Long An thu hút thêm 51 dự án với số vốn đăng ký gần 200 triệu USD, 50 dự án tăng vốn lên 91 triệu USD. Tính đến nay, tỉnh có 928 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 5.908 triệu USD.

Xem chi tiết tại đây.

Quản lý tài sản để hạn chế rủi ro cho dự án bất động sản

Theo JLL, quản lý tài sản là công việc rất quan trọng có tác động trực tiếp đến chất lượng và chi phí vận hành của mỗi tòa nhà. Một dự án bất động sản tốt phải đi đôi với quản lý tài sản hiệu quả.

Ông Gareth Powell, Giám đốc Bộ phận Quản lý tài sản bất động sản tại JLL Việt Nam, cho biết: “Quản lý tài sản là việc không thể thiếu trong một dự án bất động sản cao cấp. Chủ đầu tư phải cân nhắc tầm quan trọng của việc quản lý tài sản giống như việc đảm bảo chất lượng của thiết kế và xây dựng, nhằm đáp ứng được hiệu quả vận hành tòa nhà và nhu cầu của cư dân".

Theo đó ông phân tích, về hiệu quả, nhiều tòa nhà có thiết kế nội thất và ngoại thất kiến trúc rất ấn tượng. Tuy nhiên, một số thiết kế này gây trở ngại công tác vận hành cũng như không tận dụng được không gian tốt nhất, thêm vào đó là chi phí bảo trì tài sản sẽ đắt đỏ hơn và làm tăng rủi ro cho tòa nhà. Điển hình như một số dự án thiết kế khu vực tiện ích công cộng quá lớn khiến chi phí vận hành tăng rất cao.

Những rủi ro trên hoàn toàn có thể tránh được nếu có sự góp mặt của bộ phận quản lý tài sản trong mọi giai đoạn phát triển dự án. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top