Aa

Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"

Thứ Tư, 08/08/2018 - 14:00

Giải bải toán phân bổ chênh lệch địa tô; TP.HCM: Vì sao thị trường khu Đông tăng trưởng thần kỳ, vượt mặt khu Nam?; Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Giải bài toán phân bổ chênh lệch địa tô

Những quỹ đất vàng “bỗng” rơi vào tay doanh nghiệp chỉ sau một hợp đồng trao đổi BT. Những quỹ đất nông nghiệp chuyển mình trở thành đất đô thị chỉ trong gang tấc. Hậu quả của những hiện tượng diễn ra quá nhanh ấy là những giọt nước mắt cùng hệ lụy không nhỏ đối với đời sống người dân, là sự thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Phải chăng vì bài toán phân bổ chênh lệch địa tô là ngọn nguồn của mọi vấn đề?

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng,  bản thân trong Luật Đất đai hiện nay còn nhiều điểm vướng mắc buộc chúng ta tiếp tục phải xử lý và đây là một phần nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, bức xúc về đất đai của người dân.

Chúng ta phải kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, đặc biệt là trong việc quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhất là việc thu hồi đất nông nghiệp của nông dân giao cho doanh nghiệp làm ăn phát triển kinh tế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Lời nguyền" 10 năm chỉ là cảnh báo

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, “lời nguyền” cứ 10 năm chu kỳ khủng hoảng xảy ra 1 lần chỉ là lời cảnh báo để đề phòng. Với các dấu hiệu tích cực hiện tại, thị trường bất động sản đang tiến triển rất tốt.

Ông Thành cho rằng, thị trường bất động sản đang có những chuyển động rất tích cực. Những tích cực này được thể hiện ở 3 yếu tố: lượng giao dịch trên thị trường không ngừng tăng, tỷ lệ giao dịch thành công cũng tăng, tốc độ đầu tư trong giai đoạn vừa qua cũng có xu hướng đi lên.

Theo thống kê cập nhật từ các sàn giao dịch tại các khu vực và trên cả nước, tỷ lệ giao dịch thành công đạt trên 80%. Đây là yếu tố mang tính tích cực cho thị trường.

Trong khi đó tốc độ đầu tư trong giai đoạn vừa qua đang tăng với nhiều dự án có quy mô lớn tạo một nguồn cung tương đối dồi dào. Đặc biệt, sự phát triển của thị trường đã bám sát được nhu cầu tiêu dùng. Tính tương thích với thị trường là rất cao. Những yếu tố này được ghi nhận cho thấy thị trường bất động sản diễn biến vẫn ổn định và tích cực.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Vì sao thị trường khu Đông tăng trưởng thần kỳ, vượt mặt khu Nam?

Từ một vùng đất đầm lầy, hoang vu, khu Nam Sài Gòn bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, đã chuyển mình nhanh chóng. Toàn khu Nam giờ là phố thị sầm uất, văn minh, tấp nập người qua lại, các khu biệt thự cũng dần hình thành và phát triển.

Với nhiều tiềm năng sẵn có, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn khu Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu, Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT),… lần lượt ra đời. Sau khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, cầu nối giữa khu Nam với trung tâm thành phố được hình thành, những khu dân cư mới xuất hiện, rồi các công trình lớn lần lượt được đầu tư.

Qua thời gian, khu Nam TP.HCM được xem là tâm điểm về quy mô thị trường, giá cả lẫn sự hấp dẫn người ở. Các chuyên gia đã từng đánh giá, khu Nam TP.HCM được xem là khu đô thị tiêu biểu không chỉ ở riêng TP.HCM, mà còn của cả nước. Đây là khu đô thị tiêu biểu cho tư duy phát triển đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Đầu tư bất động sản chiếm một nửa vốn FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, 7 tháng đầu năm, đơn vị này thu hút được 4,69 tỷ USD vốn FDI, riêng hoạt động kinh doanh, đầu tư bất động sản chiếm một nửa số đó.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, trong 7 tháng đầu năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành phố thu hút được là 4,69 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 47,6%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 19,5%; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 8,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,7%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,2%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Siết tín dụng bất động sản: Loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, thị trường bất động sản giảm tốc. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do tín dụng dành cho bất động sản bị thắt chặt, nhưng phía ngân hàng khẳng định, việc siết tín dụng không ảnh hưởng tới thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN TP.HCM, việc siết tín dụng này được phía NHNN nghiên cứu rất kỹ, rút kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng thị trường trước đó. “Các năm 2007, 2010, thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng có một phần nguyên nhân từ việc ngân hàng thả nổi trong các khoản vay. Việc cho vay quá dễ, dẫn tới thị trường mất kiểm soát và hậu quả khi thị trường đóng băng, các ngân hàng sẽ mang gánh nặng nợ xấu”, ông Lệnh cho biết.

Chính vì vậy, việc kiểm soát tín dụng bất động sản được cho là cần thiết, khi các chỉ số đều cho thấy có dấu hiệu của việc thị trường nóng sốt. Việt Nam lại có đến trên 70% các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, nếu không kiểm soát sẽ dẫn tới bong bóng thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top