Aa

"So sánh tòa tháp Bitexco với công trình mang dáng dấp đồ án sinh viên là không công bằng"

Thứ Năm, 16/02/2017 - 20:01

Tại sao lại so sánh Bitexco Financial Tower - một tòa tháp có cấu trúc khác biệt, trình diễn nghệ thuật kết cấu đỉnh cao, mang tính biểu tượng mạnh mẽ với một công trình rất bình thường như Telekom Tower ở Kuala Lumpur? Đó là câu hỏi mang nhiều thất vọng của kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam) khi trao đổi với Reatimes về "bàn cân" mà cư dân mạng đã đặt cho Bitexco Financial Tower những ngày qua.

Chuyện là Bitexco Financial Tower ở Sài Gòn bị “đổ tội” đạo nhái toà tháp Telekom Tower của Malaysia. Thông tin này cho đến ngày 15/2 vẫn gây nhiều tranh cãi. Câu chuyện càng gay cấn khi bản thân Bitexco Financial Tower đã vượt ra khỏi tầm Việt Nam và được thế giới công nhận (giải thưởng do NCSEA trao tặng, với danh hiệu là 1 trong 20 tòa tháp mới hoàn thành được xếp hạng cùng các tuyệt tác kiến trúc cổ điển Empire State Building ở New York, Burj al Arap ở Dubai).

Từ nghi vấn Bitexco Financial Tower nhái tòa tháp kia hay không, câu chuyện ăn cắp bản quyền trong ngành kiến trúc lại được đặt dấu hỏi. Vì thực tế, đây không phải là câu chuyện có tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa biết đúng hay sai nhưng uy tín của chủ đầu tư phần nào cũng bị ảnh hưởng.

Mới nhìn qua, hai tòa nhà có sự tương đồng rõ nét nhất là sân đỗ trực thăng và nhát gọt trên đỉnh tòa tháp. Tuy nhiên, một kiến trúc đã đạt giải thế giới, tức là qua con mắt khắt khe của hội đồng kiến trúc thế giới, có lẽ nào Bitexco lại nhái lại một tòa tháp văn phòng của Malaysia?.

Để giải đáp thắc mắc này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam). Vị kiến trúc sư này nhận định rằng, với con mắt của người có kiến thức về kiến trúc thì hai tòa nhà hoàn toàn khác nhau. Ngay cả đĩa đỗ trực thăng mà nhiều người cho rằng na ná như nhau cũng là “do không tinh mắt”. Sân đỗ trực thăng của Telekom Tower được đặt trên một tòa nhà như cột trụ đỡ cấu trúc đơn giản hơn nhiều, trong khi sân đỗ trực thăng của  Bitexco lại như một bàn xòe ra ra đỡ lấy sân đỗ từ một tháp kính mảnh, tính hình tượng và độ phức tạp về kết cấu khác hẳn.

  Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc
 

“Tôi cho rằng, có so sánh cũng không ra sự giống nhau giữa hai tòa tháp này. Bitexco được xếp vào nhóm những tòa nhà đẹp nhất thế giới. Tòa tháp Bitexco có kết cấu phức tạp hơn hẳn Telekom. Tòa tháp như là một biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc bởi vẻ đẹp toát ra từ nội lực bên trong của một tráng sĩ. Vẻ đẹp mà ai cũng có thể nhìn thấy sự hoàn hảo về mặt cấu trúc và kiến trúc, là một thiết kế mang tính nghệ thuật. Tòa nhà có kiến trúc được cho là khó và không phải chủ đầu tư nào cũng dám làm và có thể làm được. Qua đó mới thấy tầm nhìn và độ chịu chơi của chủ đầu tư.

Bạn có thể nhìn thấy tòa nhà rất mảnh nhưng lại có một sân đỗ trực thăng như nhánh hoa xòe từ phần cao của tòa tháp, việc dám làm ý tưởng táo bạo đó đã tạo nên tính hình tượng của Bitexco Financial Tower. Trong khi đó, độ khó Telekom Tower như một đồ án sinh viên thực tập. Bởi ý tưởng sân bay trên một trụ đỡ là một kiến trúc rất bình thường về mặt kết cấu. Nếu người hiểu biết về kiến trúc nhìn vào có thể phân biệt ngay. Cho nên theo tôi, việc so sánh giữa hai tòa nhà hoàn toàn là một sự khập khiễng. Như ta biết, đĩa sân trực thăng trên cao đã được tận dụng thiết kế tại nhiều tòa nhà lớn trên thế giới, như ở Dubai Tower chẳng hạn.

Hơn nữa, Bitexco đã có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. Đẳng cấp của tòa nhà cũng khẳng định tầm nhìn của một người có tư duy và có am hiểu về kiến trúc. Và ngay cả kiến trúc sư thiết kế Bitexco ông Carlos Zapata cũng là người may mắn khi gặp một chủ đầu tư chịu chơi như vậy. Cũng không phải ngẫu nhiêu, hình ảnh tòa nhà Bitexco được viễn tưởng hóa thành toà Stark Tower trong bộ phim đình đám The Avengers hồi năm 2012. Vậy mà, khi xem bộ phim này, nhiều người đã đặt nghi vấn phải chăng tòa tháp Bitexco là bản sao lấy cảm hứng từ tòa tháp Stark nằm ở trung tâm thành phố New York!”, ông Bắc nói.

Bitexco Financial Tower

Bitexco Financial Tower

Tuy nhiên, nếu chứng minh được Bitexco nhái Telekcom thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Telekom Tower của Malaysia

Telekom Tower của Malaysia

Câu chuyện này sẽ mở rộng ra vấn đề bản quyền trong kiến trúc. Ông Bắc cho rằng, khái niệm nhái trong cuộc sống gần như không có ranh giới. Nếu gặp hai cô gái giống nhau, chúng ta lại cho rằng cô này nhái cô kia thì rất buồn cười! Trong khi đó, không phải hàng chục triệu chiếc điện thoại của vài chục hãng sản xuất đều có hình thức hoàn toàn khác nhau. Thời trang cũng vậy, các bộ quần áo gần như có sự tương đồng đến 80 – 90%.

“Còn đối với kiến trúc, việc nhận biết được một dự án nhái hay không nhái thì cần những người có hiểu biết về kiến trúc mới có thể đánh giá được. Thực ra, bản chất của kiến trúc là quá trình kế thừa nghệ thuật và một phần là dựa trên việc phù hợp túi tiền của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với nhà ở tư nhân, văn phòng công sở thì việc nhái kiến trúc của người khác là chuyện bình thường. Nhưng với một công trình kiến trúc mang tầm quốc gia và mang tính biểu tượng thì việc nhái hay đạo kiến trúc của người khác là một vấn đề.

Trên thế giới đã có nhiều vụ kiện về việc nhái kiến trúc. Việc kiện tụng được các chủ đầu tư đưa ra nhằm khẳng định lại uy tín và đẳng cấp của mình. Nhưng theo tôi, thực tế không có chuyện một sản phẩm có kiến trúc hoàn toàn giống một sản phẩm kia. Vì nó không những liên quan đến hình thức hay bề nổi, mà câu chuyện lớn là mặt kỹ thuật. Đối với những siêu phẩm kiến trúc thì việc bắt chước gần như là rất khó. Do đó, trên thế giới có thể có nhưng ở Việt Nam chưa có bộ tiêu chí nào để xác định được kiến trúc nào ăn cắp kiến trúc nào" - ông Bắc cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top