Aa

Sơn sinh thái… có thực sinh thái?

Thứ Bảy, 06/07/2019 - 01:00

Cùng với sự phát triển mạnh của ngành xây dựng, nhu cầu của người dân đang hướng đến môi trường sống tốt hơn, thân thiện hơn với sức khỏe con người.

Đó là lý do nhiều loại vật liệu xây dựng, trong đó có sản phẩm sơn gắn mác “xanh, sinh thái” trở nên hút khách. Tuy nhiên, những loại sơn sinh thái có mặt trên thị trường thực sự đạt chuẩn “sơn sinh thái” chưa thì còn nhiều dấu hỏi.

“Sơn xanh” được ưa chuộng

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng nhận định, trong 10 năm qua, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam có được những bước phát triển vượt bậc, trong đó có ngành sơn. Trước đây, đa phần là sơn hữu cơ, có dung môi là hữu cơ, khoảng 5 năm gần đây, sơn vô cơ phát triển mạnh tại Việt Nam.

Bằng sản phẩm có công nghệ nước ngoài, sản xuất tại Việt Nam giúp các công trình xây dựng được sử dụng sản phẩm mới, chất lượng, làm đẹp thêm cho các công trình với giá cả phải chăng hơn nhiều sản phẩm nhập khẩu. Việc các doanh nghiệp ngành sơn cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm mới đã góp phần đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu về vật liệu tiên tiến hiện đại, phát triển theo xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới.

Theo nhận định của các nhà phân phối sơn, sơn sạch được đánh giá dựa trên chỉ tiêu chủ yếu như hàm lượng kim loại nặng thôi nhiễm ít và hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thấp. Trước đây, nhà sản xuất muốn giảm giá thành nguyên liệu để cạnh tranh nên sử dụng bột màu giá rẻ chứa hàm lượng kim loại nặng (như chì, thủy ngân, asen, cadimi…) cao.

Dung môi trong sơn sẽ chứa vòng thơm dễ bay hơi như: toluen, xylen… có mùi khó chịu, nguy cơ gây cháy nổ cao và có hại đến sức khỏe người dùng. Đồng thời, khi bay hơi ra ngoài không khí còn phá hủy tầng ozon, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Loại sơn này được gọi là sơn gốc dầu (sơn hệ dung môi).

Hiện nay, ở các nước phát triển, loại sơn này ít còn được sản xuất mà thay vào đó sử dụng loại sơn sạch: Sơn hệ không dung môi hoặc sơn gốc nước.

Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Trên thực tế, các hãng sơn lớn, có thương hiệu trên thị trường Việt Nam đều đang hướng tới những công nghệ sản xuất giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và góp phần giảm ô nhiễm. Gần đây, ngành xây dựng lại xuất hiện khái niệm “công trình xanh”, trên thị trường xây dựng, nội thất cũng bắt đầu xuất hiện khái niệm “sơn xanh”.

Tiêu chuẩn xanh của sơn được đánh giá bằng hàm lượng Phóc-man-đê-hít và VOC chứa trong sơn và keo. Được gọi là sơn xanh khi hàm lượng VOC nhỏ hơn 10. Thậm chí, nhiều nước đưa ra tiêu chuẩn hàm lượng VOC bằng không.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong khi các cơ quan chức năng chưa có một tiêu chuẩn cụ thể về “sơn xanh” thì người tiêu dùng nên chọn các loại sơn tự nhiên, không phải sơn nhựa, yêu cầu các sơn có hàm lượng VOC thấp nhất, các loại keo dán không có Phóc-man-đê-hít và yêu cầu sơn lọc được không khí, làm cho ngôi nhà “thở” được…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hóa dầu công nghệ cao HI-PEC cho biết, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sơn được sử dụng với nhiều tính năng khác nhau, như sơn nanoshield, thoải mái lau chùi, 5 trong 1, 7 trong 1… song tất cả đều có chứa các hóa chất hữu cơ độc hại. Chỉ gần đây, một số hãng lớn trên thế giới mới tập trung nghiên cứu và sản xuất các loại sơn Eco Paint - sơn không chứa các chất hữu cơ bay hơi và các chất nguy hiểm khác...

Hay nói đơn giản như ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh miền Trung, Hãng sơn Zaro, sơn sinh thái là loại sơn mà khi tiếp xúc trực tiếp không có mùi hắc gây khó chịu, ngạt thở…

Nhưng có thực sinh thái?

Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng đang có nhiều sự lựa chọn với đa dạng loại sơn. Tuy nhiên, yếu tố giá cả vẫn được đa số người tiêu dùng đặt lên hàng đầu mà bỏ qua yếu tố an toàn, khiến nhiều loại sơn từ các cơ sở sản xuất yếu kém dễ dàng trà trộn vào thị trường. Người dùng các loại sơn này có thể bị nhiễm chì và thủy ngân, là hai chất cực độc đối với sức khỏe con người và môi trường.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một hãng sơn lớn trên thị trường cho biết, hầu hết các loại “sơn cỏ” tại thị trường hiện nay đều được gia công. Tức là mua nguyên liệu về dùng máy pha công nghiệp pha, đóng gói và đăng ký nhãn hàng để bán ra thị trường.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Dòng sơn xanh chỉ được sản xuất bởi số ít các hãng lớn như Mykolor, Spec, Nippon… nhưng cũng chỉ là những dòng dẫn của các thương hiệu này. Có nghĩa là, các nhà sản xuất chỉ sản xuất để cung cấp cho phân khúc khách hàng cao cấp như biệt thự, vila… với số lượng cầm chừng vì lượng khách hàng ít và giá cả đắt. Loại “sơn xanh” này cũng chỉ chiếm khoảng từ 3 - 5% thị trường sơn hiện nay.

Trong khi đó, hầu hết những dòng sơn cỏ được quảng bá áp dụng tiêu chuẩn “xanh” vào sản xuất là không có cơ sở vì các nhà sản xuất thường nhập nguyên liệu trôi nổi ở nhiều nguồn rồi gia công thành sản phẩm đưa ra thị trường.

“Hiện nay, thị trường sơn Việt Nam có khoảng 1.000 công ty sản xuất, phân phối sơn và hơn 2.000 nhãn hàng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 hãng sơn là có nhà máy sản xuất trực tiếp. Đơn cử như hãng sơn: Jotun, Dulux, Mykolor, Toa…. Còn lại là các đơn vị đến thuê gia công, hoặc mua nguyên liệu về tự pha chế, đóng thùng. Thực tế, các nhãn hiệu sản phẩm này chỉ thay đổi mẫu mã sản phẩm còn chất lượng thì tương đương như nhau”, vị này cho biết và nói thêm, bất cứ ai cũng có thể làm chủ một nhãn hàng sơn rất đơn giản bằng hai cách.

Thứ nhất, góp cổ phần khoảng 5 - 10 tỷ đồng vào một trong các hãng sơn lớn và tự đăng ký một nhãn hàng riêng rồi tự xây dựng thị trường, tự hạch toán kinh doanh. Khi đó, hãng sơn lớn kia sẽ gia công theo nhãn hàng đó. Làm theo cách này dù chất lượng không được như sơn gốc của hãng lớn kia bởi “người mới” gia nhập thị trường luôn muốn hạ giá thành và giá bán, nhưng vẫn còn khá ổn do hệ thống máy móc của hãng lớn kia tương đối tốt.

Cách thứ hai là không cần góp cổ phần vào bất cứ một hãng sơn nào mà “tự chế”, bằng cách, vỏ thùng mua một đơn vị khác, tem nhãn đơn vị khác, còn sơn là mình tự gia công. Và lúc này muốn dán nhãn hiệu gì là tùy mình.

Quy trình sản xuất “sơn cỏ” thường nhập nguyên liệu dạng khô về trộn và trong ngành sơn có một máy pha màu, nhận diện màu sắc (1.040 mã màu) và khi mình chọn mã gì nó sẽ tương ứng ra màu đó. Và gần như 100% các nguyên liệu này được nhập từ Trung Quốc.

Các nguyên liệu khô này được các công ty nhập hàng container và đưa lên máy trộn cho nước vào. Nguyên liệu này màu trắng, vẫn có chất kết dính, tạo phủ, dung môi hòa tan, các gốc tự do để chống ô xi hóa, tia cực tím…

Trên thực tế thị trường hiện nay, nhu cầu sơn sạch của người tiêu dùng là rất lớn. Tuy nhiên, việc thiếu vắng bộ quy chuẩn cập nhật về sơn sạch, sơn sinh thái khiến khách hàng gần như “mù tịt” trong việc lựa chọn các loại sơn. Khi có nhu cầu họ tính toán khả năng kinh tế rồi gần như “khoán trắng” cho nhà thầu hoặc các thợ sơn tư vấn.

Đồng thời, tại các dự án bất động sản mà trong hợp đồng có điều khoản chủ đầu tư phải hoàn thiện công trình cũng thường quy định chi tiết mẫu mã, quy cách sơn mặt ngoài và nội thất căn hộ. Tuy nhiên, việc giám sát quá trình triển khai thi công hạng mục này gần như bị bỏ ngỏ. Nếu chủ đầu tư nào “tiết kiệm” là hoàn toàn có thể sử dụng các loại sơn có phẩm cấp, chất lượng kém.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top