1. Thời tôi còn bé, những năm bao cấp đầy khó khăn, cả gia đình 3 thế hệ phải chen chúc nhau trong một căn hộ tập thể vẻn vẹn 40 m2. Có một căn phòng riêng tư là mơ ước đằng đẵng bao nhiêu năm trời của bố mẹ, chứ chưa nói gì đến không gian của riêng chị em chúng tôi.
Ấy thế mà năm tôi lên 14, bố mua về cho hai chị em một chiếc tủ bằng gỗ, mỗi bên cánh có một chìa khóa riêng. Bố đưa tôi chìa khóa và bảo những gì của riêng tôi, những gì tôi không muốn chia sẻ với người khác hãy cất vào đây và khóa lại.
Sau này, tôi để vào đó những chiếc kẹo, chiếc bút bi, những lá thư tay, những dòng nhật ký và đôi khi là vài ba mẩu chuyện tự sáng tác. Theo tháng năm, ngăn tủ đầy lên.
Suốt tuổi thơ, không gian riêng tư nhỏ bé ấy đã giúp tôi cất giấu nhiều bí mật và thỏa mãn với sự tự do riêng của mình.
Còn giờ đây, trong chính căn nhà đầy đủ tiện nghi đắt tiền mà tôi sở hữu, các con tôi lại chẳng thể có nổi một chỗ riêng tư như mẹ chúng đã từng có.
2. Nhiều lúc vẩn vơ tôi đã nghĩ: trẻ con sống trong đô thị đâm ra lại khổ, vì sinh hoạt của chúng đa phần chỉ từ nhà đến trường, rồi từ trường đến lớp học thêm là cùng. Thỉnh thoảng muốn đổi gió, tôi đưa chúng đến các trung tâm sinh hoạt thiếu nhi. Về cơ bản, chúng chưa có một không gian riêng cho mình.
Ban đầu tôi nghĩ, mình “vụng”, nên các con thiệt thòi, thiếu sự quan tâm, chu toàn. Tuy nhiên, khi hỏi lũ bạn đi tây, đi tàu về, thì nghe chừng cũng chẳng khá khẩm hơn tôi là mấy. Nghĩa là chúng cũng không chịu chìa ra vài ba mét vuông dành làm không gian riêng cho các con.
Có đứa làm, nhưng theo kiểu vuông thành sắc cạnh với kính bóng loáng ở cầu thang, vách sàn…, mà đến người lớn cũng phải sởn da gà. Nó bảo, làm vậy để tiết kiệm diện tích, nhà thì bé, hơi đâu mà vẽ vời phòng riêng với chả tư cho con.
Có đứa vô tâm, dành những vị trí nhạy cảm về an toàn để làm sân chơi cho con. Đó là khoảng sân thượng với chiếc ban công có lan can thấp tè. Khi tôi đề cập đến một chiếc hàng rào nhỏ xinh ở đây cho an toàn, thì bạn nói: “Chờ nhà tao giàu rồi tính, nó chơi quen ở đấy có ngã bao giờ đâu”.
Một số gia đình có điều kiện thì đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng cho con cái với đủ màu sắc tươi vui, vật liệu đắt tiền như phòng người lớn. Một số thì bắt chước y nguyên không gian vui chơi của nhà khác để áp dụng vào nhà mình, mà không quan tâm tới sở thích của con, như trang trí phòng của trẻ thích đàn hát y như phòng của trẻ có năng khiếu hội họa.
Thậm chí, không ít gia đình có thể sắm tủ bày rượu rất hoành tráng, nhưng góc chơi của con lại không được chăm chút kỹ càng. Họ chỉ nghĩ đơn giản bày vẽ làm gì, vài năm nữa nó lớn lên thì mấy thứ này lại vứt đi, như thế thì phí của lắm.
3. Vấn đề của mấy đứa bạn làm tôi thực sự ái ngại. Chúng ta luôn nói rằng, trẻ em cần được tôn trọng, cần được tạo môi trường để phát triển tư duy sáng tạo. Nhưng đến khi kiến tạo không gian riêng cho con, bố mẹ lại hay có khuynh hướng áp đặt ý kiến chủ quan của mình, dẫn đến việc thiếu vắng những chăm chút đúng mực cho không gian đặc thù này.
Tôi cũng hoàn toàn không đồng tình với cách nghĩ: cứ phải chờ đến khi nhà giàu hơn, rộng hơn thì mới chăm chút được phòng riêng cho con, thậm chí cả bố mẹ chứ không gì trẻ nhỏ. Thời nay, khả năng thu nhập và chi tiêu của mọi người đã khá hơn trước rất nhiều. Mỗi gia đình cũng chỉ có 1-2 con, nên việc tạo lập không gian đặc trưng cho trẻ là một điều cực kỳ quan trọng và cũng không cần nhiều tiền. Chỉ cần có sự quan sát và hiểu tâm lý trẻ, sẽ tạo được những góc riêng thú vị và đậm chất giáo dục cho các con.
Không gian đó trước hết phải giúp trẻ cảm thấy mình cũng có chỗ riêng trong ngôi nhà và được tôn trọng. Vì vậy, khi bố trí không gian này, bố mẹ cần phải tham khảo ý kiến của chúng ngay từ đầu. Từ khâu lựa chọn hoạ tiết, màu sắc đến tranh ảnh.
Bởi khi không thích màu sắc, đồ chơi ấy, thì mọi thông điệp đi kèm đều trở nên vô nghĩa. Chưa hết, không gian cho con trẻ cũng cần chú ý đến tính an toàn, sáng tạo và phù hợp với sở thích của từng đứa trẻ. Sáng tạo ở đây được hiểu là kích thích trí tưởng tượng và khả năng tư duy.
Phòng riêng cho trẻ nhỏ hiếu động không nên đặt ở các vị trí khuất, khó quan sát, lối di chuyển hẹp, nhiều góc nhọn hay gây nguy hiểm. Các cửa sổ, ban công, lô gia, giếng trời… cần có lan can đủ chiều cao tiêu chuẩn. Phòng vệ sinh và các khu vực có nước phải được lát nền chống trơn trượt. Tốt nhất, nên đặt không gian này trong tầm mắt bố mẹ và trong giới hạn an toàn nhất định.
Với căn nhà diện tích nhỏ, nhưng lại có nhiều trẻ khác nhau về độ tuổi và giới tính, thì cha mẹ nên tận dụng một phần không gian chung để tạo góc chơi riêng cho con. Chẳng hạn, dành một góc tường kết hợp với thảm trải sàn êm ái ở phòng khách cho trẻ tha hồ cắt, vẽ, dán giấy lên đó. Hoặc dành một góc ở ban công, ở cửa sổ để trẻ trồng cây, chăm sóc cá cảnh…, vừa giúp gia tăng tình yêu thiên nhiên vừa giúp rèn luyện thêm vài kỹ năng tương tác với môi trường.
Nếu các con ở chung, cần có “lãnh thổ” riêng biệt trong căn phòng chung đó. Một cách rất hay để chia không gian này mà tôi học lỏm từ cô bạn mình, đó là dùng màu sơn khác nhau. Nếu phòng hẹp thì nên kê giường tầng và trang bị cho mỗi đứa một tủ quần áo, tủ đồ chơi riêng theo sở thích từng đứa. Tuy chật chội, nhưng không mâu thuẫn bao giờ.
Tuy nhiên, thiết kế không gian riêng này cũng cần chú ý đến yếu tố biến đổi linh hoạt, theo thời gian, con trẻ sẽ lớn lên, sở thích cũng thay đổi theo. Nếu không “vén khéo” sẽ trở nên bất cập khi cần mở rộng, thay thế sau này.
Ngoài ra, việc cùng con kiến tạo lên không gian sống còn là cơ hội cho người lớn được “một vé về tuổi thơ”, để gắn bó và lắng nghe phản hồi từ những vị khách phụ thuộc nhỏ tuổi nhưng rất thẳng thắn và trong sáng này.
4. Một năm trước, khi con trai lớn của tôi bước sang tuổi dậy thì, đã có lần tôi xông thẳng vào phòng riêng của con mà không đợi sự đồng ý của nó. Đập vào mắt tôi là cảnh con mình đang… tập hôn với một cái gối và chắc chắn con cũng không muốn tôi biết những điều nó đang làm trong thế giới bí mật của mình. Thế rồi con giận tôi mất 2 tuần liền, cứ thấy mẹ là nó lảng tránh như sợ sự phán xét của tôi.
Tuy đã bố trí phòng riêng cho con, nhưng tôi lại quên mất đi điều cơ bản nhất: đó là phải tuyệt đối tôn trọng không gian riêng tư này của bọn trẻ. Khi vào phòng con, tôi nên gõ cửa. Khi muốn sắp xếp lại đồ đạc hay lấy một thứ gì đó cũng cần phải hỏi con. Chúng ta đừng nghĩ “con nít thì biết gì” để dễ dãi trong việc xâm phạm đến đời tư của trẻ.
Cuối cùng, để giải quyết vấn đề, tôi đã chủ động làm một tấm biển xinh xắn: “Phòng của…” treo trước phòng con như một cách tuyên bố chủ quyền riêng cho chúng. Để làm lành với mẹ, con đã tự đề vào đó thêm một dòng chữ hài hước: “Phòng riêng của…, con của ông…và bà…”./.