Aa

Startup Việt chật vật tìm nhân sự

Thứ Năm, 13/12/2018 - 23:45

Chưa khi nào phong trào khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên để một startup thành công phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đây cũng là điểm khó khăn lớn nhất mà nhiều startup đang gặp phải.

 Khó khăn trong tuyển dụng

Sau gần 3 năm khởi nghiệp, câu chuyện nhân sự vẫn luôn khiến cho anh Đào Xuân Hoàng - Người sáng lập Monkey Junior phải đau đầu: “Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyển dụng các vị trí để làm sao tạo ra được sản phẩm và đưa sản phẩm đến với người dùng. Đó là quá trình khó nhất để kiếm được đúng những người vừa có năng lực vừa có phẩm chất phù hợp với môi trường khởi nghiệp.

Tôi nghĩ đây là bài toán khó với tất cả các đơn vị khởi nghiệp hiện nay. Thực tế, các start-up càng mới càng khó tuyển dụng. Bởi quy mô nhỏ, chưa có vốn, thậm chí chưa có sản phẩm hay thị trường, vì vậy mà mức đãi ngộ cũng chưa cao. Cùng với đó, tâm lý của thị trường lao động hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển dụng của những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” - Người sáng lập Monkey Junior chia sẻ.

Startup Việt chật vật tìm nhân sự - Ảnh 1Thế hệ trẻ hào hứng với phong trào khởi nghiệp

Anh Trần Quân - sáng lập viên kiêm CEO của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển cho rằng, hầu hết startup Việt Nam đều gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, nhất là các nhân sự có trình độ, kỹ năng. Bởi đa số tâm lý của những nhân sự có năng lực làm việc tốt lại muốn phát triển tại những doanh nghiệp lớn chứ ít khi muốn chịu rủi ro cùng startup. Một người có năng lực tốt bao giờ cũng yêu cầu mức thu nhập tương xứng, họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi có một số điều kiện khác thúc đẩy họ như người lãnh đạo giỏi, sản phẩm thực sự có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.

Trong kết quả nghiên cứu của Navigos cho thấy gần một nửa doanh nghiệp startup cho rằng yếu tố về lương là trở ngại lớn nhất khi tuyển dụng nhân sự. Ngân sách lương hạn chế khiến họ không thu hút được ứng viên phù hợp, đặc biệt là những ứng viên giỏi. Trong khi đó, ứng viên thường chú trọng vào lương, thưởng chứ ít coi trọng các cơ hội học hỏi, phát triển sự nghiệp.

Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO của startup 789.VN, chia sẻ một thực tế là rất ít ứng viên có niềm tin vào startup Việt. "Họ luôn tỏ ra nghi ngại khi bước vào một doanh nghiệp startup - nơi mà ông chủ thì trẻ, bàn ghế làm việc thì lèo tèo, nhân sự lại ít. Ứng viên thường muốn làm việc tại những văn phòng hoành tráng, có đủ phòng ban dù mức lương có thể thấp hơn. Họ không hiểu startup là mới bắt đầu".

Startup có thể "chết yểu" vì thiếu nguồn nhân lực tốt

Thống kê trên do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố cho thấy, 78% nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, lao động làm nghề giản đơn chiếm gần 40% dẫn đến nhiều hệ lụy như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu.

Đó là mặt bằng chung, còn riêng nguồn nhân lực công nghệ có chuyên môn, đại diện một doanh nghiệp gốc nước ngoài từng chia sẻ, có quá nhiều nhân sự Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Điều đó đã khiến họ lâm vào cảnh tuyển người Việt không được mà tuyển người nước ngoài cũng không xong hay tệ hơn là phải tạm dừng hoạt động.

Một doanh nghiệp công nghệ tài chính fintech vừa phải tạm ngừng hoạt động sau gần 2 năm vào thị trường Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính là việc tuyển dụng nhân sự. Thời gian đầu do không tìm được nhân sự Việt Nam phù hợp để làm quản lý, công ty phải thuê chuyên gia nước ngoài nhưng chi phí cao mà lại không hiệu quả vì họ không hiểu được tính địa phương của thị trường Việt Nam.

Startup Việt chật vật tìm nhân sự - Ảnh 2Để tìm được nhân sự tốt cho khởi nghiệp thành công là vấn đề rất khó khăn

Theo một nghiên cứu của CBS Insights, có đến 95% DN khởi nghiệp thất bại. Nguyên nhân chính của thất bại là do không tuyển dụng và giữ được người tài. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Mai - CEO của Navigos Search nói: "Trước hết, startup cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo lý tưởng đối với nhân viên trẻ, những người lãnh đạo có thể lắng nghe và truyền cảm hứng đến nhân viên. Một giải pháp rất quan trọng là xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng từ chính truyền thông nội bộ, với chính những nhân viên hiện tại của công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có chính sách riêng cho đội ngũ nhân sự nòng cốt, tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và đa dạng nguồn tiếp cận ứng viên tài năng".

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, việc biến động nhân sự liên tục có thể kìm hãm sự phát triển của các start-up. Với mỗi Startup, đặc biệt là các Startup công nghệ, nhân sự thường chiếm từ 70% - 80% chi phí ở giai đoạn đầu khi phát triển sản phẩm. Vì vậy, các start-up gặp rất nhiều khó khăn trong cách giải quyết bài toán nhân sự.

“Các startup Việt gặp trở ngại trong việc thu hút nhân lực là do thiếu kinh nghiệm và chưa có quy trình rõ ràng trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nhân viên. Startup Việt chỉ tập trung vào sản phẩm và dịch vụ của mình mà quên đi mảng quan trọng nhất, đó là bộ phận nhân sự. Có đến 64% startup cho biết họ không có người chuyên trách về nhân sự và người sáng lập đang kiêm nhiệm công việc này. Chỉ có 15% startup cho rằng họ cần có nhân viên chuyên trách về nhân sự, tuyển dụng” - bà Nguyễn Phương Mai cho hay.

MINH CHÂU

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top