Aa

Sửa luật để tăng khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp

Thứ Ba, 03/07/2018 - 14:01

Sửa luật để tăng khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; Hà Nội: Đổi 33,4ha đất vàng Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm lấy 4km đường; Giới đầu tư địa ốc vùng ven TP.HCM "hốt bạc" nhờ xây ki - ốt cho thuê; Xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy Hà Nội: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Sửa luật để tăng khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp

Trước không ít bất cập của Luật Đất đai 2013, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, hiện đơn vị này đang tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề lớn là bất cập về quy định pháp luật và bất cập trong áp dụng pháp luật.

Cho đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được phản hồi, đóng góp ý kiến của 12/18 bộ, cơ quan ngang bộ, 55/63 tỉnh thành, 4/4 tập đoàn, 3/5 hiệp hội, 3/5 ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Các ý kiến đóng góp đều chỉ ra những hạn chế, quan hệ giữa Luật Đất đai với các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đã có những khoảng trống về Luật Đất đai chưa được điều chỉnh như chưa quy định cụ thể về cơ chế, hình thức tích tụ đất đai, nên gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Chưa quy định về việc sử dụng condotel để ở với thời hạn lâu dài. Chưa quy định về việc Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được 80 - 90% diện tích bị thu hồi mà không thể thỏa thuận được đối với người sử dụng đất đối với 10% diện tích đất còn lại…

Ngoài ra, trong thực tế, luật quy định điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là đất đã giải phóng mặt bằng, nhưng trên thực tế, nhiều dự án kinh phí giải phóng mặt bằng lớn (điển hình là các dự án bất động sản), Nhà nước không đủ kinh phí thực hiện, nên phần lớn các địa phương đều kêu gọi nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng và tiến hành giao đất.

Theo ông Hải, do đất đai là hữu hạn, nên xu hướng là phải đưa được nhiều tầng quyền, nhiều tầng lợi ích trên cùng một thửa đất. Do đó, đòi hỏi tính minh bạch về pháp lý là rất quan trọng. Có làm được điều này, thì người dân, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư phục vụ cuộc sống hoặc phát triển sản xuất kinh doanh.

Xem chi tiết tại đây.

Xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy Hà Nội: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) cho rằng, 3 tháng đầu năm, cháy nổ ở các địa phương cơ bản được kiềm chế, nhưng việc cháy ở các khu dân cư, chung cư, nhà dân vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại nhà vừa kết hợp để ở, vừa sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, số liệu từ Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn cho biết, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.040 vụ cháy, làm 31 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 270 tỷ đồng. Trong đó, vụ cháy rạng sáng 23/3 tại tầng hầm Chung cư Carina Plaza đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM đã làm 13 người chết, hơn 50 người bị thương, 13 ôtô và 150 xe máy bị thiêu rụi. Hậu quả này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 16 năm qua, sau thảm họa cháy ITC làm 60 người chết.

Ngoài ra, cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 3 vụ nổ, làm 2 người chết, 1 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh khiến 2 người chết, nhiều ngôi nhà nát vụn vào đầu tháng 1. Lực lượng chức năng đã cứu được 142 người và tìm được hơn 100 xác nạn nhân trong các vụ tai nạn, hỏa hoạn thời gian qua.

Cuối năm 2017, đầu năm 2018 trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy chung cư. Ảnh: Dũng Minh.

Cuối năm 2017, đầu năm 2018 trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy chung cư. Ảnh: Dũng Minh.

Theo thống kê của phóng viên, trong những tháng đầu năm nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy như vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất chổi chít ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, tiếp đó là vụ cháy tại chợ Quang, huyện Thanh Trì, vụ cháy tại căn nhà trên phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng... Trong đó, có nhiều vụ hỏa hoạn tại tòa nhà cao tầng như vụ cháy căn hộ trên tầng 21 của chung cư thuộc Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông), vụ cháy tại phòng kỹ thuật trên tầng 18 tại một tòa chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Bắc Từ Liêm), vụ cháy xảy ra tại Chung cư Fodacon (quận Hà Đông)...

Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong đó đã đưa vào sử dụng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, PCCC tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn đối với Hà Nội. Các tòa nhà cao từ 20 - 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc lên ngày càng nhiều, nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14 - 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống PCCC tại chỗ như cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… nơi có nơi không.

Xem chi tiết tại đây.

Giới đầu tư địa ốc vùng ven TP.HCM "hốt bạc" nhờ xây ki - ốt cho thuê

Tìm hiểu thị trường tại khu ven Tp.HCM, cho thấy: Loại hình ki-ốt do NĐT xây rồi cho thuê lại hấp lực thị trường và có giá thuê khá cao. Đối tượng khách thuê là những tiểu thương buôn bán nhỏ, lẻ. Thay vì thuê các mặt bằng với diện tích lớn, giá cao, họ ưu tiện chọn các ki-ốt diện tích nhỏ với giá mềm hơn để kinh doanh, buôn bán.

Tại khu vực Q.9, Q.Thủ Đức, các ki-ốt diện tích từ 12-25m2 luôn trong tình trạng "cháy hàng". Tìm hiểu tại khu chợ Long Trường, chợ Long Phước (Q.9), chợ nông sản Thủ Đức, chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức), các ki - ốt nhỏ nằm trong hoặc ven khu chợ hấp thụ khách thuê khá nhanh. Giá cho thuê các ki - ốt dao động từ 6-12 triệu đồng/m2 (tùy diện tích). Do có lợi thế gần chợ, đông đúc người qua lại nên loại hình này được rất nhiều tiểu thương lựa chọn. Hầu hết các ki - ốt xây dựng xong, rao thuê đều nhanh chóng có khách vào thuê.

Trong khi đó, các ki-ốt diện tích tương tự có vị trí gần chợ hoặc đường lớn cũng nở rộ tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, Q.12 thời gian gần đây. Khách thuê là những tiểu thương buôn bán mặt hàng quy mô nhỏ tại khu vực.Thường họ có xu hướng chọn thuê các ki-ốt nằm gần chợ hoặc cách chợ 100-200m để tiện cho việc buôn bán. So với khu Đông, giá thuê ki - ốt tại đây thấp hơn, khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản nửa đầu năm: Sôi động dòng vốn ngoại

Trong nửa đầu 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định. GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%, mức cao nhất trong 7 năm qua. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư, trong đó TP.HCM là đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Trong xu thế đó, dòng vốn nước ngoài tiếp tục có xu hướng đổ mạnh vào ngành địa ốc.

Mặt khác, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư "miệt mài" tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn. Vào tháng 1/2018, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5 ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng.

Cũng trong quý đầu tiên, Bamboo Capital (BCG), một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.

Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty này, họ mua lại khu đất ven biển này nhằm phát triển khu nghỉ dưỡng Malibu Resort. Tổng diện tích đất của dự án khoảng 11ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 66 triệu USD. Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công vào tháng 8 tới đây, hoàn thành vào 2020. Quy mô của dự án gồm 100 căn villa và hơn 500 căn condotel, mặt biển Quảng Nam - Đà Nẵng.

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Xây dựng "sốt ruột" giục cải tạo chung cư cũ

Bộ Xây dựng vừa có văn bản văn bản số 1405/BXD-QLN gửi các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Nhận định về vấn đề cải tạo chung cư cũ tại các địa phương hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng, kết quả thực hiện còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động triển khai.

Bộ này cũng cho biết, ngày 22/1/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản số đề nghị các địa phương có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện và có báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa gửi báo cáo về Bộ Xây dựng.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các hộ gia đình đang sinh sống trong các chung cư cũ hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức di dời và bố trí tạm cư cho các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ đã được xác định thuộc diện nguy hiểm (cấp D), đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của các hộ dân trước mùa mưa bão.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Đổi 33,4ha đất vàng Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm lấy 4km đường

Theo Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự án được đầu tư xây dựng theo chỉ giới đường đỏ tuyến đường đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 23/01/2009 và Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 với tổng chiều dài khoảng 3.991,09m.

Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 32 tại vị trí thuộc đoạn giữa trường Cao đẳng Giao thông vận tải và trường Đại học Công nghiệp, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Điểm cuối vuốt nối vào đường ven đê để rẽ lên đường 23 (Đê sông Hồng) thuộc địa phận phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm.

Đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch, với các hạng mục chính gồm: Nền mặt đường, cấp thoát nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, hè vỉa, tổ chức giao thông, di chuyển các công trình ngầm, nổi trong phạm vi dự án; trên tuyến có 1 cầu đường bộ xây mới, 1 nút giao khác mức được thiết kế Hầm chui, các nút giao còn lại (giao Quốc lộ 32, đường ven đê - cuối tuyến…) được thiết kế giao đồng mức.

Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.408 tỷ đồng; thời gian được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020. Nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Dự kiến, quỹ đất thanh toán cho dự án BT gồm 10 ô đất với tổng diện tích là 33,39ha trên địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top