Aa

Tác động gì có thể xảy ra khi giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn?

Thứ Năm, 31/08/2017 - 06:00

Một trong những tác động có thể xảy ra đó là mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định hoặc giảm đi, nền kinh tế sẽ có thêm kích thích để tăng trưởng nhanh hơn trong những quý sau.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang đưa ra lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Sau đây gọi tắt là Dự thảo) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế tài chính.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

PV: Thưa ông vì sao NHNN lại đưa Thông tư 36 ra sửa đổi khi chỉ còn 4 tháng nữa là áp dụng các quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình?

TS. Phan Minh Ngọc: Cần lưu ý rằng, Thông tư 36 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 06/2016/TT-NHNN hồi tháng 6 năm ngoái. Theo Thông tư 06 từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung hạn của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng hợp tác xã được giảm xuống mức 50% và giảm tiếp xuống 40% từ ngày 1/1/2018. Tỷ lệ tương ứng của các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng là 90% trong năm 2017 và 80% kể từ đầu năm 2018.

Còn theo Dự thảo lần này, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chỉ giảm xuống còn 45% kể từ đầu năm 2018 và sẽ giảm tiếp xuống mức 40% kể từ đầu năm 2019. Các TCTD phi ngân hàng vẫn được giữ nguyên tỷ lệ này ở mức 90%.

Bên cạnh đó, Dự thảo nâng tỷ lệ tối đa mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước lên 25% từ mức 15% như quy định hiện hành. Mức này của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đề xuất nâng lên 35% từ 15%...

Bối cảnh cho những thay đổi trên, theo NHNN là Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2107 của Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với một số bộ khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% và điều chỉnh hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn của các TCTD…

PV: Có nhiều ý kiến đã phân tích về những nguyên nhân rồi dự đoán tác động của việc thay đổi. Còn ông đánh giá ra sao về sự thay đổi này, ai sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất?

TS. Phan Minh Ngọc: Theo ước tính của Công ty chứng khoán VCBS, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của hệ thống hiện nay vào khoảng 45%. Nếu ước tính này là đúng thì đương nhiên các đối tượng hưởng lợi đầu tiên là các TCTD nói chung bởi họ sẽ không phải tăng ngay từ bây giờ các lãi suất tiết kiệm trung và dài hạn để huy động cho đủ lượng vốn trung và dài hạn cần thiết nhằm đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mình xuống còn 40% vào đầu năm sau như quy định trong Thông tư 06. Nói cách khác, tính từ thời điểm này trở đi TCTD sẽ có đến 2 năm 4 tháng để đạt được tỷ lệ 40% này thay vì chỉ còn 4 tháng nếu không sửa đổi Thông tư 06.

Do cơ cấu nguồn vốn không bị thay đổi một cách khá gấp gáp, đột ngột theo hướng tăng tỷ trọng vốn trung và dài hạn với lãi suất huy động cao hơn so với vốn ngắn hạn thì chi phí vốn của các TCTD nhìn chung sẽ không có biến động nhiều so với hiện tại. Đây là một tiền đề để mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định hoặc giảm đi nếu các nguồn vốn cho vay ngắn hạn lãi suất thấp (vay liên ngân hàng, hoạt động bơm tiền của NHNN qua thị trường mở và tái chiết khấu) tiếp tục tăng lên theo hướng mở rộng cung tiền của NHNN.

Như vậy, đối tượng hưởng lợi tiếp theo là các cá nhân và doanh nghiệp vay vốn khi mặt bằng lãi suất cho vay ổn định hoặc có xu hướng giảm đi. Suy rộng ra, nền kinh tế sẽ có thêm kích thích để tăng trưởng nhanh hơn trong những quý sau (nếu NHNN tiếp tục đẩy mạnh cung tiền).

Việc giảm lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng có thêm một cái lợi khác là NHNN sẽ không phải tăng cung tiền quá mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như yêu cầu của Chính phủ. Nếu thực hiện đúng lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong khi phải cấp tập bơm tiền thì điều này không khác gì khi việc vừa tăng ga, vừa đạp phanh khi lái xe. Hậu quả của việc này sẽ làm nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp so với yêu cầu trong khi lạm phát có nguy cơ bùng phát mạnh.

Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ tối đa mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn gốc vốn ngắn hạn của các TCTD như trong Dự thảo sẽ giúp Chính phủ bán được nhiều trái phiếu hơn và dễ dàng hơn, có thể với lợi suất thấp hơn so với trường hợp không được nới lỏng. Như vậy, chính sách tài khóa sẽ nhận được thêm hậu thuẫn (một cách gián tiếp) bởi chính sách tiền tệ nới lỏng.

PV: Không chính sách nào không mang tính hai mặt, vậy “mặt bên kia” của việc sửa đổi Thông tư 36 là gì thưa ông?

TS. Phan Minh Ngọc: Đúng vậy, không có chính sách nào là không có tính 2 mặt. Điều này cũng đúng với chính sách giãn lộ trình như trong Dự thảo. Như tôi đã chỉ ra trước đây về khả năng Thông tư 36 và 06 sẽ tiếp tục bị sửa đổi, việc đặt ra những con số mục tiêu và lộ trình trong Thông tư 36, rồi Thông tư 06 và kể cả Dự thảo phần nhiều mang tính "đối phó", dễ bị “lung lạc” bởi, hoặc chạy theo thị trường. Với tính chất như vậy, thị trường sẽ rất dễ “nhờn” với các biện pháp chính sách can thiệp khác và sau này của NHNN.

Điều này được thể hiện rõ ở chỗ là dù chỉ còn 4 tháng nữa là sẽ đến thời điểm phải thực hiện giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhưng tỷ lệ này hiện vẫn còn quá cao (45%), khó có khả năng hiện thực hóa mục tiêu 40% nếu Thông tư 06 vẫn tiếp tục còn hiệu lực, không bị sửa đổi bởi Dự thảo. Nói cách khác, dường như các TCTD cũng đã đoán nhận được tình hình, và thấy được tính không nhất quán trong chính sách kèm với khả năng cao là NHNN sẽ phải sửa đổi Thông tư 36 thêm một lần nữa (bằng việc sửa đổi Thông tư 06) nên họ đã không tích cực, nỗ lực giảm tỷ lệ này theo đúng lộ trình.

Ngoài ra, việc tăng cường bơm tiền cho ngân sách gián tiếp thông qua nới lỏng tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của các TCTD vừa làm tăng áp lực lên lạm phát (vì chính sách tiền tệ lúc này còn phải cáng đáng thêm cả nhu cầu vay mượn tăng lên, với lợi suất thấp hơn, của ngân sách), đồng thời dễ làm tăng sự thụ động, ỷ lại của các TCTD vào việc mua trái phiếu Chính phủ thay cho việc tích cực và nỗ lực cho vay ra nền kinh tế thực để thúc đẩy tăng trưởng.

PV: Vậy theo ông NHNN cần làm gì tiếp theo để giảm thiểu những tác động không mong muốn đó?

TS. Phan Minh Ngọc: Cũng có thể NHNN sẽ biện minh cho sự thay đổi này với lý do phải thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ. Như vậy, một mặt, Chính phủ cũng nên cân nhắc thế khó của NHNN để có những yêu cầu phù hợp hơn. Mặt khác, NHNN cần tiến hành những bước đi chính sách mang tính thận trọng, khả thi và thực tế hơn để giảm thiểu tính không nhất quán và chế tài yếu, thiếu tính dẫn dắt thị trường trong các chính sách của mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top