Aa

Tản mạn về không gian sống

Thứ Hai, 09/04/2018 - 06:00

Câu chuyện về đô thị bền vững, đô thị hạnh phúc lâu nay được người ta bàn nhiều. Nhưng mọi mô hình lý thuyết cho tương lai sẽ vẫn chỉ là mong ước nếu như các nhà phát triển đô thị, các nhà phát triển bất động sản không có cái tâm, cái tầm và lấy tiền làm thước đo thay cho việc lấy con người làm trung tâm.

Cuối tuần vừa rồi, tôi đưa con sang Ecopark thăm người bạn thân và tiện thể cho bọn trẻ đi picnic. Nhìn các con hào hứng vui đùa trong không gian xanh gần gũi với thiên nhiên mà thấy lòng thật ấm.

Bất chợt, tôi lại nghĩ tới lá thư của ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg viết gửi con gái đầu lòng vừa chào đời. Cùng cam kết hiến tặng 99% tài sản của mình để làm từ thiện, Mark viết: “Con đã cho chúng ta lý do để suy nghĩ về thế giới mà chúng ta muốn con được lớn lên trong đó. Giống như tất cả các bậc cha mẹ, chúng ta muốn con được lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của chúng ta hôm nay…”

Quả là như vậy, mong muốn của Mark cũng chính là suy nghĩ của tất thảy các bậc sinh thành. Đơn cử như chuyện mà chúng ta sắp bàn tới, đó là lựa chọn một không gian sống cho tổ ấm của mình. Chắc chắn, khi nghĩ tới điều này, người mà chúng ta nghĩ đầu tiên thường là những đứa con. Ai cũng muốn nơi ở mà mình lựa chọn phải là một không gian sống tốt cho thế hệ tương lai. Nơi bọn trẻ được lớn lên trong sự gần gụi với thiên nhiên; được sống trong môi trường tốt cho sức khỏe và giáo dục; nơi tâm hồn trẻ thơ được nuôi dưỡng trong sự lương thiện và nhân văn cùng rất nhiều thứ nữa…

Tôi cứ lan man suy nghĩ, trong hàng trăm khu đô thị mới ở Việt Nam hiện nay, có nơi nào hội đủ được những yếu tố này không? Khó thật! Người Việt mình biết đến cụm từ “khu đô thị mới” vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà xã hội đã bắt đầu nhận ra những mặt trái của việc phát triển ồ ạt nhà chia lô, manh mún không theo quy hoạch. Rõ ràng đây là một loại hình ưu việt để tạo lập không gian sống đồng bộ, hiện đại và nhân văn cho người dân. Ai cũng hiểu, mục tiêu phát triển bền vững phải là tiền đề để hình thành mô hình đô thị mới. Dù với cái tên gì, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh hay đô thị hạnh phúc… thì cũng đều là việc hướng đến một mô hình “đô thị bền vững” thay cho mô hình “đô thị công năng” của thế kỷ XX. Vậy nhưng, mấy chục năm qua chúng ta vẫn phải loay hoay tìm hướng đi hợp lý cho nó. Và trong khi đó, mỗi ngày, Hà Nội, Sài Gòn… càng trở nên không còn là một đô thị đáng sống?!

Ảnh: Cường Ngô

Ảnh: Cường Nguyễn

Trong một bài suy ngẫm về Hà Nội gần đây, một người anh đồng nghiệp của tôi, nhà báo Phạm Trung Tuyến viết rằng “Từ một thành phố xanh, một thành phố hòa bình, Hà Nội đã không còn là một thành phố đáng sống, đến nỗi chốn an cư bậc nhất bình an của người dân Thủ đô lại ở tận Hưng Yên. Đó là cái giá mà Hà Nội đã trả cho quá trình phát triển. Một cái giá quá đắt, không thể tính bằng tiền…”

Đọc những dòng này, chắc hẳn những người yêu Hà Nội sẽ phải suy nghĩ nhiều và tôi cũng vậy. Đúng là để tìm một không gian xanh ở Hà Nội bây giờ không dễ. Trong cơn lốc đô thị hóa, cả Hà Thành dường như đã bị đổ bê tông, hầm hập nóng, mịt mù khói bụi và đinh tai nhức óc tiếng còi xe… Vẫn còn đó, ít ỏi chút cây xanh nơi phố cổ, nhưng đó không phải là không gian sống dành cho quá nhiều người. Hoặc giả, có muốn lên đó chơi thôi thì cũng phải trải qua một “hành trình gian khổ” của kẹt xe và khói bụi.

Bên cạnh một hạ tầng hoàn hảo, chúng ta còn rất cần phải biết vận dụng và nâng niu những “giá trị mềm” để không gian sống đậm tính nhân văn, thấm đẫm cảm xúc, để đó là nơi ta tìm về với thiên nhiên, với “tình làng nghĩa xóm” để được lắng nghe tiếng nói từ tâm hồn, để biết yêu thương và trân trọng cuộc sống mỗi ngày…

Một đơn cử khác. Với người Hà Nội của những năm đầu hai nghìn, những khu đô thị mới như Linh Đàm là một lựa chọn trong mơ. Một không thật đẹp, thật yên bình với sự lãng mạn của cây xanh – mặt nước. Nhưng, đó cũng đã là quá khứ. Người ta đang chứng kiến một cuộc tháo chạy khỏi khu đô thị từng là kiểu mẫu này. Vì sao ư? Vì người ta đã và đang băm nát Linh Đàm bằng việc thêm vào đó hàng chục tòa cao ốc, nhét thêm vào đó số dân bằng cả vài phường. Và buồn hơn, đây không phải là ví dụ quá điển hình.

Đúc kết về tiêu chuẩn giá trị sống mới, các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra một triết lý gói gọn trong 5 chữ E, đó là Eco (Sinh thái), Emotion (Cảm xúc), Edu-entertainment (Giải trí - Giáo dục), Economic (Kinh tế) và Elite (Tinh hoa, đẳng cấp). Trong bảng các giá trị sống này, giá trị xanh và giá trị cảm xúc được đưa lên hàng đầu.

Trong thời đại ngày nay, lựa chọn một ngôi nhà, một nơi ở, đó không chỉ là nơi tránh mưa nắng mà phải là không gian hướng cho con người sống tự nhiên, sống lành mạnh trong gia đình và hòa đồng với cộng đồng, với đất trời, cỏ cây. Để có những không gian sống như thế, người làm đô thị phải nâng niu, ôm ấp vào lòng vốn liếng của quá khứ, của thiên nhiên và văn hóa từ đó dung hoà, sống trong, sống cùng điều ấy. Bên cạnh một hạ tầng hoàn hảo, chúng ta còn rất cần phải biết vận dụng và nâng niu những “giá trị mềm” để không gian sống đậm tính nhân văn, thấm đẫm cảm xúc, để đó là nơi ta tìm về với thiên nhiên, với “tình làng nghĩa xóm” để được lắng nghe tiếng nói từ tâm hồn, để biết yêu thương và trân trọng cuộc sống mỗi ngày…

Câu chuyện về đô thị bền vững, đô thị hạnh phúc lâu nay được người ta bàn nhiều. Nhưng mọi mô hình lý thuyết cho tương lai sẽ vẫn chỉ là mong ước nếu như các nhà phát triển đô thị, các nhà phát triển bất động sản không có cái tâm, cái tầm và lấy tiền làm thước đo thay cho việc lấy con người làm trung tâm.

Chuyên mục REABLOG của Reatimes ra đời, là một nơi để trao đổi, luận bàn hướng đến nhân văn và bền vững… Mỗi ngày, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một câu chuyện nhỏ, một cảm nhận từ cá nhân tác giả về nhiều phương diện của cuộc sống hôm nay để chúng ta cùng chia sẻ. Ngày Thứ hai sẽ là câu chuyện của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan (Toan), Thứ ba là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Thiều làng Chùa), Thứ tư là Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), Thứ năm là Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tuấn Cơm có thịt), Thứ sáu là Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc), Thứ bảy là Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Chủ nhật là Nhà văn, dược sỹ Trần Thanh Cảnh (Thầy Thanh Cảnh).

Chuyên mục do Nhà văn Nguyễn Thành Phong trực biên tập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top