Aa

Tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau dịch Covid-19

Thứ Bảy, 02/05/2020 - 06:00

Tình hình dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng, tính đến nửa đầu tháng 4, tín dụng đang tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục từ quý II.

Tại cuộc họp mới đây với đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11 - 14%.

Các chuyên gia nhận định, sau dịch bệnh tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh (Ảnh minh hoạ: Internet)

Tín dụng sẽ tăng tốc?

Kết thúc quý I/2020, tín dụng tăng trưởng 1,3% so với cùng năm trước. Tuy nhiên đến ngày 16/4, tín dụng toàn ngành chỉ còn tăng 0,78%, nghĩa là đã sụt giảm 0,52% trong nửa đầu tháng 4/2020, phản ánh rõ cầu tín dụng mới chưa cao và các thành phần trong nền kinh tế đang tập trung trả nợ hoặc duy trì nợ cũ.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng; đã hạ lãi suất cho 289.204 khách hàng có dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 948.407 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.

Như vậy, cùng tăng trưởng tín dụng của quý trước và doanh số vay mới, rõ ràng dòng tiền tín dụng vẫn lưu thông. Điều này cũng được phản ánh qua báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng. Theo đó, bên cạnh các ngân hàng có tăng trưởng âm về tín dụng thì cũng có những ngân hàng tăng trưởng mạnh về tín dụng.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng những tín hiệu tích cực từ phòng chống dịch của Việt Nam cũng đang cho các thành phần kinh tế quyền hy vọng và tâm thế sẵn sàng để “bật lò xo” hậu Covid-19.

Đặt trong kịch bản cơ sở khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trong quý II, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, tín dụng có thể tăng trở lại trong quý III - IV/2020, bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ tín dụng tăng tưởng mạnh trở lại sau dịch. Đáng chú ý là các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất đang thấp hơn, giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào và tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Nhiều NHTM (chiếm 75% tín dụng toàn hệ thống) sau đó tăng quy mô của các gói tín dụng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ khuyến khích doanh nghiệp và người dân vay vốn mới để tiếp tục và hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch. Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng quan trọng khác là hoạt động đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng.

Từ những phân tích trên và con số dự kiến về tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 600 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.

Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Cần điều chỉnh linh hoạt tăng trưởng tín dụng

Tuy nhiên, trên thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng chủ yếu dành phần lớn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, trong số hơn 500 nghìn tỷ đồng vay mới, chỉ có tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp sử dụng mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Khi doanh nghiệp bước vào thời kỳ phục hồi sau dịch sẽ cần một lượng vốn lớn, “room” tín dụng dành cho các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đó cần điều chỉnh linh hoạt hơn nữa", một chuyên gia kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Trung Minh đánh giá: Theo ghi nhận cho thấy ở một số ít TCTD bắt đầu xuất hiện tín hiệu gần cạn room tín dụng. Nguyên do là bởi quy mô tổng tài sản của các tổ chức này còn khiêm tốn, trong khi tỷ lệ room tín dụng được cấp lại thấp. Bản thân các TCTD này cũng có khách hàng thân thiết theo chuỗi, theo hợp tác đối tác dài hạn... Do đó, vốn tín dụng có thể đã được ưu tiên để giải ngân cho các đối tượng này trong các tháng đầu quý I/2020.

Việc duy trì quan hệ đối tác lớn, giải ngân vốn nhanh từ đầu năm cho khách hàng có nhu cầu, qua đó cũng để tổ chức có “cơ may” được NHNN xem xét nới room cho vay mới trong năm nay, lẫn kế hoạch của năm tới. Điều này là dễ hiểu khi nguồn thu từ nghiệp vụ cho vay truyền thống vẫn đóng góp lợi nhuận lớn cho hầu hết các ngân hàng.

Chuyên gia này cho rằng, với những TCTD đảm bảo thanh khoản, hệ số an toàn vốn (CAR) cao và đạt chuẩn Basel II nhưng có khả năng cạn room tín dụng sớm, có thể triển khai cơ chế đặc cách cho vay tiếp theo một tỷ lệ khống chế nào đó - dành riêng cho các khách hàng chịu thiệt hại do Covid-19. Tỷ lệ cho vay này không tính vào room tín dụng đã được duyệt từ trước của TCTD nếu lãi suất cho vay thực sự ưu đãi với khách hàng, đồng thời ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứng minh các khoản vay cho đúng đối tượng theo định hướng hỗ trợ, vừa giúp luân chuyển dòng tiền của ngân hàng, vừa đóng góp chia sẻ với toàn xã hội.

“Đó cũng là cách để các TCTD không “đứng ngoài” công cuộc hỗ trợ nền kinh tế, thể hiện trách nhiệm xã hội và đồng hành doanh nghiệp đúng nghĩa, qua đó cũng giúp dòng tiền tiếp tục luân chuyển hiệu quả”, ông Minh cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top