Tết này con không kịp về

Tết này con không kịp về

Chủ Nhật, 14/02/2021 - 07:00

Một cái Tết, ẩn chứa bao nỗi niềm, đâu chỉ có vị bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, dù không còn thiếu thốn như thời bao cấp, nhưng nó luôn giúp con người nhớ nhung… Mỗi câu chuyện để cho cháu con ngoảnh lại, như là lửa ấm, như là nước trong.

Với lý do Tết ở Việt Nam vẫn đang là mùa đông ở Nga,thư con gái viết: “Bố ơi, con không thể mua vé về nhà”. Đúng là cái Tết đặc biệt, một năm cả thế giới đón giao thừa mà nhiều gia đình Việt không quây quần đông đủ bên nhau. Đứa con một của một gia đình chỉ có ba người, thư vừa tới nhà bố, khi đó ông Giọt chậm chạp đọc chậm để vợ nghe, vừa lật xem con tem đóng dấu từ nước Nga xa xôi. Không có con tem, giống như tem của Việt Nam mình. Tết này con gái không về, bố mẹ già. Gió mùa tràn qua mặt, một năm hai lần chạy dịch dã, quê ngoại con thêm một lần chạy lũ. Cô con gái rượu của ông Giọt không mua được vé bay về Việt Nam. Vì bạn ấy là bác sỹ, nghề điều dưỡng ở một bệnh viện càng khó về nghỉ Tết.

Ở bên Nga, Tết năm nào cũng lạnh, trắng mênh mông và nếu không có dịch Covid-19, con gái họ không về được Việt Nam thì cũng theo bạn về quê ở tận xứ sở Siberia. Tính nết con bé mạnh mẽ, thích cưỡi tuần lộc đi trong tuyết trắng mênh mông cô quạnh của miền đất lạnh âm tới dưới 50 độ C. Hồi ở Siberia, rét cắt ruột, nghe con kể lại: Nhớ nhà, nhớ bố ngồi pha trà và mẹ ngồi từng đan tất len gửi sang cho con. Nhớ gần Tết, bố ngồi sửa đôi guốc gỗ, đóng lại đế cao su, để đi trong nhà không phát ra âm thanh, rồi quai guốc sửa lại cho mẹ đi vừa chân. Tính bố cẩn thận, hay sợ mẹ đi guốc hơi lỏng quai sẽ vấp ngã, ngã ngay cả trong ngôi nhà của mình. Khi nhìn ra ngoài sân, bố vẫn dặn mẹ, chú ý nhìn chỗ cây cau cảnh, đã mọc lên một vệt rêu xanh: “Em đi khéo kẻo trượt, bước trượt, tuổi già bước trượt thì khổ thân lắm”…

Thư con gái ông Giọt hay viết bằng bút mực, chúc Tết qua thiệp mừng, chứ khác với ngày thường, nó hay viết thư qua email hoặc gọi qua Viber cho ông. Nhưng nó biết bố mẹ có sở thích đọc thư tay có mực tím trên giấy trắng hơn là ngồi trên máy tính nhìn màn hình cả buổi, mệt mắt lắm. Thư nó viết, Tết này con  trực ở bệnh viện, lúc vắng bệnh nhân, con bỗng nhớ nhà, nhớ năm xưa khi còn học ở Canada, về nước. Đi ngắm phố, tới cái chợ ở ngay gần bên ga Hàng Cỏ, thấy cơ man nào là lá dong và ống giang, người đang chẻ lạt bầy bán. Và măng miến, đỗ xanh, tất cả mùi lá dong, mùi lạt giang, măng nứa đổ dồn vào cái Tết tíu tít, vui vẻ gặp gỡ và xum vầy, nó làm cho con nhớ nhà để trở về. Rồi về nhà, được ngồi xem bố gói bánh, mẹ nhuộm lạt điều, nhà mình luôn hắt lên mùi dầu hỏa của bếp dầu.

Khi mẹ chuyển sang đun bếp bằng mùn cưa, phía góc sân nơi bố vẫn ngồi chẻ củi, chẻ rất nhỏ thanh củi cho mẹ nhóm bếp. Con đường làng Vân Hồ sang làng Thể Giao lúc đó chưa có tòa tháp cao. Đó là con đường đất nhỏ, đường đất hẳn hoi, nằm uốn một đường cong hình nón theo hồ Bẩy Mẫu. Năm nay, lối đi đã rất khác, có một cung đường đẹp và lát nhựa, đèn sáng trưng. Với ba, bốn tòa nhà cao tầng, với một mặt hồ xử lý nước trong xanh, hồ Bảy Mẫu đẹp lắm, nhất là những ngày dài Hà Nội thông báo cách ly dịch Covid, không có một bóng người ra đường.

Hồ Bảy Mẫu (Ảnh sưu tầm)

Làng Vân Hồ bỗng đẹp tĩnh lặng như ngày xưa, chỉ có thiếu vắng tiếng gọi gà, tay vung gạo, tiếng chích chích bập bập, chích chích bập bập của bà ba Trác. Tiếng người vẫn quanh quất đâu đó, như năm xưa bà ba Trác vẫn nuôi gà trong vườn, gần chỗ khu chung cư mini Vân Hồ ở sâu trong ngõ.

Bóng xưa vẫn đổ xuống nỗi nhớ như mưa phùn. Bóng xưa vẫn bảo tàng trong trái tim bé nhỏ như hồi chuông của mỗi con người, dù cuộc đời no đủ hay thiếu thốn, bất hạnh.

Cạnh nhà bà ba Trác trong làng Vân Hồ có một cái ao cũ, một khóm dứa dại, đi qua hơi thở của mình cũng thơm mùi dứa dại. Giờ là nhà hàng đón khách quốc tế đến thưởng thức ẩm thực Việt. Con gái ông Giọt ở nơi đầy tuyết vẫn nhớ về quê nội, con đường đất có hình vành nón chạy quanh hồ Bẩy Mẫu. Làng Vân Hồ, giờ đã có bao người ngụ cư có tiền mua nhà đến ở, họ mang đủ các vùng miền văn hóa đến đây. Người Hà Nội cũ thì chỉ còn một đến hai nhà chủ cũ, con cái họ cũng đã lên chức ông bà. Làng lên phố Vân Hồ, phố Thể Giao, Kim Liên, Giảng Võ, Khương Thượng…

Mỗi tên làng đã đổi thành tên phố như ở nhiều nơi, chỉ có Thủ đô thì đổi thay sớm hơn các tỉnh lỵ mà thôi. Ngay chỗ bờ ao xưa, ông Giọt vẫn kịp chỉ cho con gái biết ao nhà mình ở chỗ kia kia, giờ đã là một quán ăn ngon ở sâu trong ngõ là nơi đón khách du lịch khắp nơi đổ về ăn uống. Con đường nhỏ, nằm bên mấy tòa nhà chung cư lớn, đứng trên cao nhìn xuống người nhỏ như con kiến, và phố hẹp thường xuyên tắc đường, chỉ có mấy ngày Tết là không tắc nghẽn mà thôi.

Hà Nội ngày Tết (Ảnh sưu tầm)

Trước kia ngày Mùng 1 Tết, Hà Nội vắng hoe, đến nay đã đông rợp người. Hà Nội phố Phái không còn êm đềm mà luôn nêm chật. Khi về già, nhà ông bà Giọt càng vắng khách. Thế hệ ông bà, người già cả đã về hẳn thế giới bên kia. Con cháu đi du lịch, nhà chỉ còn có bóng đèn vàng là đủ ấm và bóng người cha già xem ảnh con qua Allbum và thư viết tay thì vẫn thú vị. Thế rồi ông bà Giọt xem chừng còn mạnh chân khỏe tay, thì gọi xe đi lên Phủ Tây Hồ, đi chùa Quang Hoa, ăn cơm chay ngày Tết, đi chùa Võng Thị, rồi vào xem làng Võng Thị có đổi mới khác hơn nơi góc phố quê Hà Nội của ông không.

Ông Giọt sẽ viết thư bằng bút chấm mực tím, kể cho con nghe từng cái cổng làng, dấu vết của mỗi làng quê ngày xưa, nay đã phai mờ ở những năm đầu thế kỷ 21.

Một cái Tết, ẩn chứa bao nỗi niềm, đâu chỉ có vị bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, dù không còn thiếu thốn như thời bao cấp, nhưng nó luôn giúp con người nhớ nhung… Mỗi câu chuyện để cho cháu con ngoảnh lại, như là lửa ấm, như là nước trong.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng

 

02/14/2021 07:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top