Aa

Tháng 7 nhớ nguồn và câu chuyện về hành trình tri ân

Thứ Bảy, 04/08/2018 - 06:01

Một tiếng nổ, nhanh như tia chớp các Anh đã thành người thiên cổ, thân trai trẻ vùi ba tấc đất, lấp vội, chôn hờ trên quê lạ xứ người theo bước chân chinh chiến của đồng đội. Nỗi niềm các Anh ai người thấu cảm hết lẽ sống chết để hoài vọng tri ân?

Nhận lời mời cầu siêu ở nghĩa trang của Cô Phật tử Tâm Vinh khi đó tôi đang đi hoá duyên ở Hà Nội. Buổi lễ đầu tiên vào tháng hai năm 2007. Đó là năm tôi chọn về Quảng Trị với quyết định sẽ sống ở Am Thuỵ Ứng. Tôi nhớ hôm đó lúc cúng xong, Cô Tâm Vinh mới thưa với tôi là có ý muốn tôi giúp lễ thường xuyên mỗi tháng ở nghĩa trang. Tôi nhận lời Cô nhưng chỉ hứa là cố gắng hết sức, và hy vọng là hai tháng một lần thì may ra có thể được.

Cái khó là tôi vừa về ở Thuỵ Ứng, mà nơi đây chỉ là một vùng đất trắng, muốn gây dựng lên được phải nhờ phố xá phương xa. Nếu cúng hàng tháng thì thời gian trở lại nhanh lắm làm sao đi đâu xa được? Duyên may là khi đó có thầy Minh Thông cũng đồng tâm. Thế là Thầy không trở lại Tu Viện Vạn Hạnh thuờng xuyên nữa mà ở hẳn Thuỵ Ứng để duy trì giúp những lúc tôi không về kịp để lễ ở nghĩa trang.

Năm đầu tiên, tiền lễ chỉ vỏn vẹn có mấy trăm nghìn, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy với chặng đường từ Thuỵ Ứng đến nghĩa trang là 60km. Quảng trị, xứ mưa gió bất thường, lại đi xa bằng phương tiện xe máy nên phải nhiều người mới chuyên chở được đồ lễ. Nhờ đâu ra nhiều người khi vùng nông thôn nghèo khó, người dân phải chạy kiếm ăn hàng ngày. Không lẽ họ vừa bỏ một công vừa chịu tiền xăng đi xa quanh năm như vậy. Vậy là cứ mỗi lần gần đến ngày Lễ là phải đi nhờ người trước.

Hơn một năm rưỡi như thế trôi qua. Có một lần đi cúng về chúng tôi gặp một cơn mưa to và gió lớn. Quãng đường xa, trời lại nhá nhem tối nên mạnh ai người ấy đi. Về đến nhà mới hoàn hồn sau một chặng đường vật vã với mưa gió. Tôi thấy ái ngại cho chuyến đi, lần sau nếu cứ thế này thì nguy hiểm quá. Lúc này tiền Lễ đã lên trên 1,5 triệu. Tôi quyết định phải đi thuê xe ô tô chở hàng tháng.

Cuối năm 2008 tiến hành lễ tạ, Phật tử từ Hà nội phát tâm về tham gia. Thuỵ Ứng thuở ban sơ, lại là nơi xa hẻo lánh nên thật đầm ấm khi mọi người về đến được nơi này. Tình cảm nâng niu trân trọng của mọi người hiện hữu giữa vùng quê xa trong những giây phút cuối năm. Người vào dự lễ Tạ, tạm xếp lại cái tất bật cuối năm để tranh thủ vào đến được Thuỵ Ứng. Trong những giây phút như thế, ai không chạnh lòng kẻ ở người đi. Mà đi là đi vào yên nghỉ biền biệt, trong cái lứa tuổi mà nếu đất nước không gánh chịu nạn binh đao thì các Anh đâu phải máu xương ươm mầm cho quê hương giữa tuổi thanh xuân. Cũng từ cảm xúc đó mà Phật Tử Trịnh Thị Hoa đã viết lên những dòng lưu niệm về một chuyến đi khó quên vào Thuỵ Ứng dự lễ cúng cuối năm, đăng trên Hương Hiếu Hạnh số 2. Cái tình nghĩa làm chất liệu hoà quyện giữa hai cõi sống chết nặng lòng tri ân làm cho chúng tôi, ai cũng thấy mình cần có trách nhiệm để gắng duy trì việc làm ý nghĩa này đối với Các Anh Linh Liệt Sĩ.

Nỗi niềm các Anh ai người thấu cảm hết lẽ sống chết để hoài vọng tri ân?

Nỗi niềm các Anh ai người thấu cảm hết lẽ sống chết để hoài vọng tri ân?

Cuối ngày hoàn tạ, trên chuyến xe trở về, mọi người cảm động để hứa tiếp tục cúng lễ cho năm mới tiếp theo. Đường xá xa xôi, gió mưa nắng táp vất vả, chúng tôi chỉ dám nguyện cho một năm thôi. Rồi cuối năm chúng tôi mới dám hứa tiếp hay không. Vì sợ không duy trì được thì thất lễ và tội cho các Anh Linh trông ngóng nghe kinh.

Đứng về ý nghĩa xả thân hy sinh cho dân tộc, các Anh xứng danh bậc anh hùng. Xét ở góc độ tâm thức, các Anh hy sinh giữa cái tuổi đầy sinh lực, sức sống đang trào dâng nên còn nặng luyến lưu kiếp sống với bao hứa hẹn. Bỗng một tiếng nổ, nhanh như tia chớp các Anh đã thành người thiên cổ, thân trai trẻ vùi ba tấc đất, lấp vội, chôn hờ trên quê lạ xứ người theo bước chân chinh chiến của đồng đội. Nỗi niềm các Anh ai người thấu cảm hết lẽ sống chết để hoài vọng tri ân?

Cái lẽ thường áo cơm danh vọng nghiệt ngã đã xô đẩy con người vào vòng tranh đoạt thiệt hơn. Hồn tử sĩ, gánh sơn hà, ai chợt nhận vô thường mà bừng tỉnh thảnh thơi!

“Kẻ quân nhân người tướng sĩ

Binh đao chiến trận xiết bao oan hồn”

Thế đó, nhưng giữa bao tất bật lo toan cũng còn nhiều người đang sống và nâng niu đạo lý uống nước nhớ nguồn. Về với vùng đất Quảng, nghe xơ xác miền trung lũ bão, từng là nơi chiến địa hiểm ác kinh hoàng của khói lửa điêu linh quê mẹ. Thân gầy miền Trung gánh hai đầu tổ quốc, oằn vai oan nghiệt phận mình. Là người Quảng Trị, chúng tôi không thể nào quên đôi câu đối nói lên thảm cảnh Đại Lộ Kinh Hoàng ngày nào ly loạn:

“Đây Đại Lộ Kinh Hoàng, Ghi Lắm Cảnh Tang Thương, Muôn Thủa Khôn Vơi Niềm Tủi Hận

“Nọ Dòng Sông Bến Hải, Khơi Bao Nguồn Sóng Gió, Ngàn Năm Luống Chạnh Nỗi Phân Ly".

Từ nhỏ lớn lên tôi đã thấm thía nỗi đau quê hương mình khói lửa oan khiên. Cho đến nỗi lớp Cha ông, người trong cuộc chứng tích chiến tranh đã phải ngậm hờn thốt lên: "Muôn thủa khôn vơi niềm tủi hận". Thầy tôi kể rằng, sau 82 ngày đêm, dọc bờ sông Thạch Hãn bao nhiêu là xác lính bộ đội mặt còn non trẻ, tuổi độ mười tám đôi mươi. Thầy là người đi nhặt xác khâm liệm, đem các Anh đi chôn cất để các Anh có phần đất yên nghỉ. Sau năm 1975 trở lại, thế hệ cha ông thầy tổ của chúng tôi là lớp người sống và nhắc kể mãi về chiến tranh Quảng Trị.

Có lẽ, từ tâm cảm đó mà chúng tôi có duyên lễ cúng cầu siêu độ mỗi tháng ở nghĩa trang chăng, khi bước chân về Quảng Trị. Ý thức khổ đau không đến từ sự thèm ăn khát uống bức bách, mà từ tâm thức dấy động tham giận si mê, nên chúng tôi hết lòng trì kinh trong mỗi lần lễ ở nghĩa trang. Khi nhập lễ tôi thấy mình như cùng các Anh đi xuyên qua bao chiến trường ác địa nhọc nhằn với cái chết dễ như trở bàn tay. Khi lễ xong tôi chia sẻ: cái cực nhọc của mình thấm thía gì với Anh Linh khi băng rừng vượt suối. Nên lễ là phải lễ hết lòng. Các Anh quanh năm suốt tháng hiu hắt nơi mộ địa hoang vu lạnh lẽo cộng hưởng với cái khổ mất thân.

Hôm nay, ngồi viết những dòng này là Am Thuỵ Ứng đã đi qua năm thứ 10 tiếp tục cúng lễ ở hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9. Bước vào năm thứ ba, chúng tôi đã quyết định gởi lời mời cho đông đảo đồng bào biết để tạo thành một truyền thống hướng về nghĩa trang. Nếu có dịp, mời về nghĩa trang, gặp lúc lễ cúng của Thuỵ Ứng để có thời gian ngồi tụng cho Anh Linh biến kinh siêu thoát đó thực là quý giá vô cùng.

Lời cuối cùng chúng tôi mong đông đảo quý vị đồng bào tham gia, cùng chúng tôi tạo thành truyền thống uống nước nhớ nguồn và cùng đồng hành với chúng tôi trên hành trình tri ân đầy ý nghĩa này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top