Aa

Thang máy chung cư mất an toàn vì đâu?

Thứ Sáu, 21/06/2019 - 06:01

Những sự cố liên quan đến thang máy tại các tòa nhà chung cư liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đảm bảo an toàn hệ thống thang máy ở các tòa nhà.

Hàng loạt sự cố

Tại các tòa nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại,… thang máy là phương tiện di chuyển không thể thiếu. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố liên quan đến thang máy liên tục xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều cư dân trong các tòa nhà cao tầng không khỏi lo lắng.

Sự việc xảy ra gần đây nhất vào rạng sáng ngày 5/6, khi thang máy của một tòa cao ốc cao 25 tầng trên đường Lê Duẩn, quận 1 (TP.HCM) bất ngờ ngừng hoạt động khi đang tải khách. Sự cố thang máy xảy ra bất ngờ khiến 21 người mắc kẹt bên trong vô cùng lo lắng, hoảng loạn.

Theo 1 nạn nhân, khi thang máy gặp sự cố, không khí bên trong thang khá ngột ngạt, mọi người liên tục gọi điện cầu cứu. Lực lượng bảo vệ của tòa nhà tìm cách mở thang máy nhưng bất thành. Sự việc kéo dài khiến các nạn nhân ngột ngạt, một số phụ nữ hoảng loạn.

Công an quận 1, TP.HCM cho biết, các nạn nhân bị mắc kẹt khoảng 20 phút. Lực lượng cứu hộ dùng máy banh thủy lực để phá cửa thang máy, đưa 21 nạn nhân đến trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe.

Cư dân sống tại chung cư cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng thang máy

Cư dân sống tại chung cư cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng thang máy

Trước đó, nhiều cư dân sống tại Chung cư I-Home tọa lạc trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM cũng bức xúc phản ánh về chất lượng của chung cư do Công ty TNHH Ngôi nhà thân yêu làm chủ đầu tư này.

Trong đó, các cư dân phản ánh tình trạng nguy hiểm nhất là thang máy liên tục bị mất điện, khiến nhiều người bị mắc kẹt bên trong vô cùng hoảng loạn.

Chị Trang, một cư dân sống tại Chung cư I-home Gò Vấp cho biết, lúc chị đang bế con nhỏ đi vào thang máy, khi cửa thang vừa đóng, thì bất ngờ bị ngắt điện. Lúc này, bóng đèn điện liên tục chớp tắt khiến chị cùng con gái bị nhốt bên trong và phải đập cửa kêu cứu. Sau hơn 30 phút mắc kẹt, chị và con gái mới được đưa ra ngoài.

“Đây là trải nghiệm khủng khiếp nhất trong đời tôi khi cả 2 mẹ con bị mắc kẹt trong thang máy hơn nửa tiếng, mọi thứ lúc đó thật tồi tệ”, chị Trang nói.

Cũng theo phản ánh của các cư dân, tình trạng thang máy liên tục gặp sự cố đã xảy ra trong thời gian dài, nhưng đến nay chưa được khắc phục. Nhiều lần các cư dân đã có kiến nghị đến Ban quản lý, nhưng cảnh tượng lo sợ mỗi khi bước vào thang máy vẫn liên tiếp xảy ra.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với phóng viên, anh Tuấn, nhân viên bảo trì thang máy hiện đang làm việc tại quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến thang máy hư hỏng, gặp sự cố, dẫn đến tai nạn là do cách vận hành, bảo trì của người sử dụng không đúng cách.

Theo quy định, cứ trung bình 1 - 2 tháng, nhân viên bảo trì cần phải tiến hành kiểm tra, bảo trì thang máy một lần. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều người dân, chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy trình sử dụng thang máy. Chủ công trình và người sử dụng không có lịch trình bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa hoặc thay thế những chi tiết bị hỏng của thang máy trong quá trình hoạt động kéo dài. Vì vậy, thang máy gặp sự cố là điều không thể tránh khỏi.

“Trên thực tế, người dân vẫn thường xuyên phản ánh, kêu cứu, yêu cầu ban quản lý, chủ đầu tư các tòa nhà cần khắc phục, sửa chữa thang máy do hay bị hỏng hóc là dễ hiểu, bởi đó là nhu cầu chính đáng cho sự an toàn chung của mọi người. Thế nhưng, vì lý do lợi nhuận, sợ tốn kém cho việc chi phí bảo trì, bảo hành, nhiều ban quản lý tòa nhà không quan tâm đến vấn đề này”, anh Tuấn nói.

Ngoài ra, một lý do nữa, theo anh Tuấn, hiện nay, thợ sửa chữa có tay nghề cao rất ít, chủ yếu là thợ dạy lẫn nhau theo kinh nghiệm. Đã có nhiều trường hợp, thợ lắp đặt thiếu chi tiết do nhầm tưởng không quan trọng, nhưng thực chất đó lại là hiểm họa, bởi không có những chi tiết ấy, thang máy vẫn hoạt động, nhưng sẽ ảnh hưởng khi hoạt động chịu tải lớn trong thời gian dài.

Chẳng hạn, các đầu bu lông của hệ thống thiết bị như tời, puly, bánh đà đều có các chốt chẻ bằng thép rất nhỏ để hãm ốc, tránh tình trạng “đề ốc” nhưng thợ đã vứt bỏ đi. Nếu không kiểm tra định kỳ, ốc lỏng và tuột sẽ dẫn đến rơi các thiết bị hãm trong hệ thống vận hành thang máy.

Theo một số cư dân, bên cạnh vấn đề bảo trì, bảo dưỡng, sự cố thang máy xảy ra còn là do ngay từ đầu trong quá trình nhập khẩu thang máy, một số công ty đã “ăn bớt” hệ thống an toàn để giảm bớt thao tác vận hành, vừa giảm chi phí để dễ bán, nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng thang máy khi vận hành. Chưa kể, công tác kiểm định, thẩm định sự an toàn của thang máy cũng không thường xuyên và chưa chặt chẽ.

Cần quan tâm đúng mức

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù lo sợ trước những nguy cơ có thể xảy ra, nhưng phần lớn người dân sống tại chung cư chưa từng được tập huấn kỹ năng xử lý khi gặp sự cố trong thang máy.

Theo chia sẻ của chị Trang, cư dân sống tại Chung cư I-home Gò Vấp, chị chưa từng được trang bị kiến thức và cách xử lý khi gặp sự cố trong thang máy. Khi vụ việc xảy ra, chị vô cùng hoảng sợ. Sau sự cố, chị mới bắt đầu tìm hiểu, nhưng cách xử lý mà các cư dân khác chia sẻ rất bất đồng.

Cụ thể, chia sẻ quan điểm các nhân của mình trên diễn đàn cộng đồng, một thành viên tên Vinh cho biết, nếu thang máy đột ngột dừng hoặc chạy giật cục, đèn tắt, ta nên làm theo các bước sau: Trước nhất cần giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để mắt quen với bóng tối.

Tiếp đó, dựa lưng vào tường, gần bảng điều khiển, nắm chắc tay vịn, hơi khuỵu gối đề phòng thang trôi tự do rồi đột ngột dừng lại. Khi thang đứng yên và mắt đã quen với bóng tối, thì tìm cách liên lạc với bên ngoài qua điện thoại, bấm nút khẩn cấp, gọi to, gõ vào cửa thang...

Nếu không ai giúp thì tìm vài vật kim loại cứng như chìa khóa xe, giũa móng tay, bấm móng tay, gót giày nhọn... để bẩy cửa, cửa hở đến đâu chêm vào đến đó. Trong lúc làm vẫn nên gọi to và gây động lớn báo cho người ngoài.

Khi cửa đã mở, xem thang đang ở vị trí nào. Nếu thang đang ở lưng chừng giữa 2 tầng thì ưu tiên xuống tầng dưới. Lưu ý, nhảy ra ngoài phải dứt khoát và không quay trở lại thang, phòng khi đang đứng ngay cửa thang thì thang trôi xuống hoặc đi lên gây thương vong.

“Trên đây là kinh nghiệm đã được thực hành của tôi. Tôi thấy vấn đề mấu chốt giúp chúng ta sáng suốt trong nhiều tình huống nguy hiểm chính là sự bình tĩnh”, anh Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ý kiến trên của anh Vinh lại không được số đông cư dân ủng hộ, vì việc cố cạy cửa thang máy để thoát ra là rất nguy hiểm. Bởi trong lúc đang cạy cửa và chui ra ngoài mà điện có trở lại thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chỉ được phép mở cửa thủ công khi chắc chắn rằng nguồn điện đã được cắt và các yếu tố an toàn khác đảm bảo.

“Cách tốt nhất là gọi cứu hộ, vì tự ý mở cửa thang máy và nhảy ra ngoài là rất nguy hiểm. Chỉ sau khoảng 20 - 30 phút mà không tìm được sự trợ giúp từ bên ngoài thì mới nên thực hiện việc cạy cửa để không khí lọt vào, tránh bị ngạt, chứ tuyệt đối không nên nhảy ra ngoài”, anh Thạch, một cư dân hiện đang sống tại quận 2 nói và cho biết thêm, việc trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho các cư dân khi gặp sự cố trong thang máy là điều cần thiết.

Bởi những sự cố thang máy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tính mạng, tài sản của cư dân. Các đơn vị vận hành cần sớm triển khai chương trình tập huấn này cho cộng đồng cư dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top