Dường như bất cứ lễ hội dân gian nào cũng không thể thiếu âm thanh tưng bừng của dàn nhạc bát âm hay trầm hùng của tiếng trống. Những hồi trống rền vang như tiếng hoan ca của muôn dân trong thôn xóm. Tiếng trống hội vang lên khi người nông dân giũ bỏ bộ quần áo lấm lem bùn đất, khoác lên người trang phục đẹp nhất, nô nức tham gia vào ngày hội làng thuyền thống.

Lễ hội cổ truyền vốn là sinh hoạt văn hóa phong tục trong cộng đồng làng xã với chức năng thực hành nghi lễ và giải trí có sự kết hợp, đan xen của các thành tố: Nghi lễ, nghệ thuật và trò chơi…
… trong đó thành tố nghệ thuật được đưa vào trong lễ hội rất phong phú là hát, nhạc, múa và trò diễn...
… đi cùng lễ rước là những màn múa, trống hội hết sức đặc sắc thu hút đông đảo người dân trong vùng. Trong ảnh là dàn trống trong lễ rước kiệu của Hội làng Thổ Hà, Bắc Giang.

Về phường bát âm phục vụ nghi thức tế lễ hội làng thường có một trống bộc, một cảnh, hai sáo, một nhị, một tam, một hồ, một nguyệt và một sinh tiền. Ngoài ra, tùy theo mỗi làng, có thể bổ sung biên chế một số nhạc cụ khác, nhưng về nguyên tắc không đưa những nhạc cụ “lạ”.

Trong ngày hội làng, phường bát âm cùng đoàn rước đi quanh các ngõ xóm.
… cùng với đội múa xênh tiền và dàn nhạc bát âm rộn rã.

Phần lễ thường mở đầu sau ba hồi trống cái của cụ tiên chỉ, báo hiệu làng đã mở hội. Những người chấp lễ chỉ thực hiện sau khi người đông xướng và tây xướng hô cùng với tiếng trống điểm. Do đó, các bước đi đều được quy định bởi tiếng trống. Trống lúc này như một thứ ngôn ngữ đặc biệt đối với người hành lễ và thần linh.

Đoàn rước đi đến đâu, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, rộn rã đến đấy, phá tan không gian trầm lắng của làng quê những ngày thường.

Kết thúc lễ là rộn ràng thanh âm phần hội. Thanh âm làm nền cho hội làng chính là sự hiện diện của âm nhạc và ca hát. Những nhà tổ chức hội làng vì vậy phải sử dụng đến các phương tiện và lực lượng biểu diễn, gồm các nhạc cụ (trống, phách, đàn, sáo...), tổ chức hát (phường, họ, ban...).

Trống Bộc được dùng để hòa tấu trong dàn nhạc bát âm. Đội trống thông thường được sử dụng bốn chiếc, có đường kính khoảng 35 - 40cm, chiều cao 18cm; khi diễn tấu được treo ở trước ngực.

Âm nhạc và ca hát do đó đã trở thành một hành động hội phổ biến, quan trọng trong lễ hội dân gian. Những cô thôn nữ làng ngày thường tần tảo chân lấm tay bùn, những chàng trai làng quen việc cày bừa gặt hái bây giờ mặc áo mớ bảy mớ ba, đội nón quai thao, khăn xếp áo the bước vào canh hát giao duyên.

Chuyến xe chở những nhạc cụ làm nên thanh âm của hội làng.
Tiếng trống có chức năng báo thời, báo hiệu nhân dân vào đám, lên đình. Trong khi tế lễ, trống là hiệu lệnh giúp cho các quan viên và người chấp lễ thực hiện nghi thức dâng lễ vật.

Trên cây đu làm từ bụi tre già đầu làng, nhiều nam thanh nữ tú chao lượn vút giữa không trung. Dưới mặt đất, sới vật đông kín người đang hồi so tài quyết liệt mà giải cao nhất cho ông đô là một ruột chăn treo toòng teng suốt mùa hội. Cũng không kém hồi gay cấn là sới chọi gà, nơi những chú gà chọi được om bế cả năm tranh tài. Những trò chơi dân gian như đánh cờ người, ăn mía nấu cơm, bắt vịt, bịt mắt đập niêu đất... được tất thảy nam phụ lão ấu tham gia thi tài. Làng đã mất hẳn cái im lìm lặng lẽ thường ngày, gặp ai cũng như đang bay bổng phiêu diêu theo thanh âm hội làng./.

Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận