Aa

Thành phố thông minh phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh

Thứ Năm, 11/10/2018 - 03:35

Thành phố thông minh đang là xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong đó, để xây dựng thành phố thông minh, điều đầu tiên và quan trọng nhất là công tác quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề này tại Việt Nam lại là một bài toán khó.

 

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Hiểu đúng về đô thị thông minh

Thuật ngữ “đô thị thông minh” được các công ty công nghệ đề cập đến trong những năm đầu của thế kỷ 21 để nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành hạ tầng đô thị như các tòa nhà, giao thông, cung cấp điện nước và an toàn xã hội. Ý tưởng này cũng hình thành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin cho các công tác quy hoạch, phát triển và vận hành các thành phố.

Năm 2008, Tập đoàn máy tính quốc tế IBM đề cập đến “đô thị thông minh” như một phần của ý tưởng “hành tinh thông minh hơn”. Sau đó, khái niệm này trở thành chiến lược nổi bật và xu hướng cạnh tranh giữa các nước.

Năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới (ITU) đã tổng kết khoảng 116 định nghĩa về đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau như học thuật và nghiên cứu từ các cộng đồng, sáng kiến của các chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội thương mại…, nhằm đưa ra một định nghĩa chung đó là: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội”.

Theo TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị), đây có lẽ là định nghĩa mang tính phổ quát nhất về đô thị thông minh cho đến nay.

Một góc độ khác, về quản lý xây dựng đô thị, đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý mọi lĩnh vực của đô thị bao gồm: Giao thông, điện, nước…, nhất là quản lý quy hoạch, quản lý đất đai.

Việc áp dụng hệ thống tọa độ thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) và gần đây là mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling – BIM) vào lĩnh vực quy hoạch, thiết kế xây dựng, vận hành công trình, dự án sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý theo vòng đời công trình, dự án. Đây cũng là công cụ đắc lực cho các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC, cho biết: “Thành phố thông minh phải có tòa nhà thông minh. Do đó, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tiến đến bước phát triển mới, hiện đại, năng động, thuận lợi và hiệu quả hơn nhờ ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để quản lý các hoạt động của doanh nghiệp một cách thông minh hơn.

Việc áp dụng khoa học, công nghệ thông minh vào quản lý, làm giảm vấn đề sử nhân sự, độ linh hoạt chính xác cao hơn, có câu trả lời nhanh hơn trong công tác tìm kiếm nguồn tin về tòa nhà, mang lại lợi ích về mặt kinh tế, tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, gặp vướng mắc là bước chuyển của đội ngũ cán bộ phải đào tạo lại hoặc vướng mắc trong việc vận hành thiết bị thông minh trước mắt”.

Quan trọng nhất là quy hoạch

Theo các chuyên gia, nếu chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị là một thiếu sót căn bản trong việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, cũng như quản lý quy hoạch phát triển đô thị. Trong công tác lập quy hoạch xây dựng, thiếu cơ sở dữ liệu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn trong việc phân tích, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu xây dựng các kịch bản phát triển. Từ đó, lựa chọn những hướng đi phù hợp trên cơ sở cân nhắc các yếu tố tác động đến môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội).

Trong công tác quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch là những khó khăn trong việc kiểm soát phát triển, cân đối giữa nhu cầu của xã hội và thị trường, từ đó dẫn đến thiếu căn cứ để các cơ quan quản lý làm cơ sở ra quyết định.

Thực tế này đã tạo ra nhiều quy hoạch thiếu bền vững và thường xuyên phải điều chỉnh cục bộ, điêu chỉnh mục tiêu và định hướng phát triển cho đô thị mà Khu đô thị mới Linh Đàm, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Vĩnh Hoàng… là những ví dụ điển hình ở Hà Nội.

Ở góc độ khác, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Ths. Võ Thanh Tùng (Hội Tin học xây dựng Việt Nam) cho biết, việc hạ tầng đô thị Việt Nam đang phát triển thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng đô thị và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đô thị theo hướng thông minh như các công trình viễn thông, các mạng cáp quang, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông…, nên gặp nhiều khó khăn khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao vào trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung.

“Mặt khác, trong công tác thiết kế quy hoạch đô thị chưa chú trọng đến vấn đề thiết kế và tạo lập hạ tầng thông tin ngay từ khi thiết kế quy hoạch đô thị. Công tác thiết kế quy hoạch đô thị mới chú trọng đến các vấn đề truyền thống như quy hoạch giao thông, cấp điện, nước, quy hoạch sử dụng đất, phân khu chức năng… Tuy nhiên, các yêu cầu tạo lập hạ tầng thông tin chưa được chú trọng. Chỉ khi đô thị được triển khai đầu tư xây dựng, thậm chí khi đã đưa vào vận hành, thì các vấn đề tạo lập, xây dựng thông tin dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành mới được đề cập đến”, Ths. Võ Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, để xây dựng đô thị thông minh, trước hết phải có quy hoạch đô thị theo hướng thông minh. Nguyên tắc đầu tiên của quy hoạch đô thị theo hướng thông minh là duy trì, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, cấu trúc cảnh quan đặc trưng, bảo tồn những di sản đô thị nơi chứa đựng nhiều giá trị mà chỉ có lịch sử, chỉ có cuộc sống đô thị thời kỳ ấy mới tạo nên. Tránh làm biến dạng hoặc biến mất của cấu trúc và cảnh quan của một khu vực hoặc của cả đô thị.

Theo KTS. Bùi Minh Anh (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng), quy hoạch đô thị thông minh tại Việt Nam trước hết cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch và mục tiêu lập quy hoạch hướng đến đô thị thông minh. Xây dựng các hướng dẫn tích hợp đô thị thông minh trong quy hoạch đô thị, đào tạo chuyển giao khoa học công nghệ quy hoạch đô thị thông minh.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị bằng công nghệ tiên tiến. Trong quy hoạch đô thị để hướng đến phát triển đô thị thông minh cần xác định quy hoạch “hạ tầng thông tin” là một nội dung quan trọng và cần được bổ sung trong quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để làm cơ sở cho việc triển khai lập chương trình phát triển đô thị và kế hoạch phát triển đô thị theo hướng thông minh của mỗi đô thị.

Để hỗ trợ và phát huy tốt việc quản lý quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, TS. Nguyễn Hồng Hạnh cũng cho rằng, cần thiết phải thiết lập các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị theo hướng thông minh đảm bảo phù hợp của sự tích hợp quy hoạch đô thị với yêu cầu quản lý phát triển theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng các chỉ số đạt chuẩn, đến mục tiêu an ninh, an sinh và an toàn.

“Quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, phân khu, chi tiết) được lập, thẩm định được thiết lập trên nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa, được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch. Các nội dung quy hoạch, kế hoạch khác nhau được kết nối liên thông đồng bộ trong khi lập cũng như khi thực hiện quy hoạch. Các điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch được cập nhật đồng bộ lên quy hoạch chung đô thị đã được duyệt”, TS. Nguyễn Hồng Hạnh cho biết thêm.

Ths. Võ Thanh Tùng cũng cho rằng, để xây dựng được đô thị thông minh thì trong xây dựng quy hoạch đô thị cần dựa trên hệ thống thiết bị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh. Nhờ đó, người dân sống trong các đô thị thông minh sẽ được bảo vệ an toàn và nâng cao chỉ số hài lòng về cuộc sống.

Cần ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mô hình thông tin công trình - BIM để xây dựng thiết kế quy hoạch đô thị theo hướng thông minh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top