Aa

Tháo "nút cổ chai" visa cho du lịch

Thứ Năm, 19/04/2018 - 07:02

Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi đề xuất Thủ tướng về chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Cần cải thiện chính sách visa để kéo khách quốc tế đến VN ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cần cải thiện chính sách visa để kéo khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Ngọc Dương 

Trong cuộc gặp gỡ báo chí thảo luận về việc cải thiện chính sách visa (thị thực) do Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (hội đồng) tổ chức chiều qua (17.4), Thanh Niên đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV, xung quanh vấn đề này.

Theo ông, chính sách visa thông thoáng đóng vai trò thế nào trong việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam

Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế, đồng thời đây là vấn đề có thể thay đổi được ngay do không vướng mắc về hành lang pháp lý, hoàn toàn nằm trong tay Chính phủ, và không ảnh hưởng đến bất kỳ lợi ích nào về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Việt Nam đang chuyển đổi từ hình thức du lịch trải nghiệm sang du lịch nghỉ dưỡng, hướng tới du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Khách nghỉ dưỡng muốn quay lại nhiều lần, nên việc tạo điều kiện cho họ quay lại dễ dàng là vô cùng cần thiết. Thông thoáng visa là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch.

"Là điều kiện tiên quyết", vậy tại sao đề xuất, kiến nghị rất nhiều lần nhưng chính sách nới lỏng visa vẫn không được chấp thuận?

Thẳng thắn mà nói, bản chất của câu chuyện visa nằm ở việc xung đột lợi ích với Bộ Ngoại giao. Cơ quan này đang có khoản thu rất lớn từ phí xin visa, ước tính khoảng 150 triệu USD/năm và đây là thu nhập dành cho các chi phí trực tiếp của bộ này.

Đây là trở ngại lớn nhất và Bộ Ngoại giao phản ứng rất quyết liệt về việc mở cửa visa; đồng thời không đồng ý mở rộng số quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam vì cho rằng visa là chính sách song phương, tôi mở cho anh thì anh cũng phải mở cho công dân nước tôi. Nếu không là không công bằng, hạ thấp công dân Việt Nam.

Còn quan điểm của ông về việc đơn phương nới lỏng visa?

Thứ nhất, cần khẳng định chương trình miễn thị thực du lịch không phải là chính sách “có đi có lại”. Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đều miễn thị thực cho hơn 160 nước, dù không phải tất cả các quốc gia đó đều thực hiện miễn thị thực song phương.

Thứ hai, về phí visa, việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8 - 10%. Trong thực tế khi chính sách miễn thị thực cho 5 nước châu Âu được áp dụng, số lượng du khách của các quốc gia này đến Việt Nam đã tăng trung bình gần 20%, doanh thu trực tiếp tăng thêm theo 10,1%, đạt 101,760 triệu USD, lớn hơn rất nhiều so với 17,308 triệu USD ước tính thất thu từ phí thị thực. Chưa kể du lịch có lợi ích kinh tế lan tỏa rất lớn.

Vì vậy nếu các bộ, ngành không thể nhanh chóng thống nhất, chúng tôi đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo khẩn trương thay đổi chính sách visa để gỡ bỏ “nút cổ chai” này.

Ông có thể cho biết nội dung cụ thể kiến nghị mà hội đồng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ?

Để đạt được mục tiêu đón 18,5 triệu khách quốc tế, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD đến 2020 như mục tiêu đề ra, cần từng bước tăng chi tiêu bình quân khách du lịch từ 860 USD/người năm 2016 lên 1.080 USD/người thông qua việc thay đổi cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, hướng đến những thị trường mà khách du lịch có khả năng chi tiêu cao hơn.

Nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách công vụ và khách du lịch nói chung. Loại bỏ rào cản hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày để khuyến khích du khách đi bằng đường hàng không lựa chọn Việt Nam như một trung tâm trung chuyển của vùng cho các chuyến bay đến châu Âu và Úc.

Vấn đề gia hạn miễn thị thực trong vòng 5 năm và không phải xem xét lại hằng năm với 5 nước châu Âu cần nhanh chóng thực hiện vì “nút thắt” này đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiếp thị, quảng bá của các doanh nghiệp và của Tổng cục Du lịch. Đồng thời cần có một hệ thống thị thực quá cảnh tối đa là 72 giờ để khuyến khích khách dừng, nghỉ tại TP.HCM hoặc Hà Nội và tận dụng thời gian này để trải nghiệm Việt Nam.

Cần tách biệt visa ngoại giao và du lịch

Visa chia làm 2 loại, visa ngoại giao và visa du lịch. Trong đó, visa ngoại giao là kiểu tôi cho công dân nước anh vào làm việc, công tác thì ngược lại, công dân nước tôi cũng phải được qua nước anh làm việc một cách dễ dàng. Với loại visa này, thực hiện chính sách song phương là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên đối với visa du lịch lại hoàn toàn khác. Muốn phát triển du lịch, muốn đón khách vào nhà thì phải mở rộng cửa, vì quyền lợi của chính quốc gia mình chứ không phải quyền lợi của nước được miễn visa. Phải tách biệt một cách rõ ràng giữa 2 loại visa này để đưa ra chính sách phù hợp chủ trương, mục tiêu phát triển chung của cả nước.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top