Aa

Thị trường địa ốc Việt: Nhộn nhịp hoạt động M&A nhưng thiếu vắng nguồn đất “sạch”

Thứ Hai, 28/08/2017 - 06:00

Thị trường BĐS Việt Nam được nhận định là sẽ tiếp tục là một điểm đến có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hình thức mua bán - sáp nhập và thành lập liên doanh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra đối với Việt Nam đó là sự thiếu vắng của nguồn đất “sạch”.

Việt Nam hiện đang là một thị trường có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn là bởi Việt Nam có những chính sách thân thiện, cởi mở nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn FDI, cùng với đó, những yếu tố về chính trị và kinh tế tại Việt Nam tương đối ổn định so với các quốc gia khác trên thế giới.

Trong bối cảnh xu hướng đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thì lượng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại tăng mạnh.

Theo số liệu nghiên cứu của JLL, tổng khối lượng giao dịch toàn cầu ổn định trong suốt quý I của năm 2017, ở mức 136 tỷ USD, tương đương với con số được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư ở khía cạnh lợi nhuận. Tuy nhiên, những mối quan tâm về giá cả cho thuê tại các thị trường lớn và chủ chốt có thể là một vấn đề khiến tăng trưởng cho thuê trong năm 2017 được dự báo là sẽ ít có sự thay đổi so với năm 2016.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, tổng giá trị đầu tư trên toàn thị trường BĐS đã có một khởi đầu không mấy cách biệt so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, quý đầu tiên, tổng giá trị giao dịch đạt 25 tỷ USD, tuy có nhỉnh hơn một chút, khoảng 1%, so với 12 tháng trước, tuy nhiên, lại giảm 43% so với quý trước đó. Sự sụt giảm nhanh chóng này phần lớn là do những biện pháp hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài của Trung Quốc làm giảm đáng kể các giao dịch xuyên biên giới của các nhà đầu tư nước này vào Úc, Hồng Kông hay Hàn Quốc.

Ngược lại với xu hướng đi xuống trong đầu tư quốc tế của thế giới, tại Việt Nam, mức độ đầu tư FDI tiếp tục chứng kiến mức tăng nhanh chóng

Ngược lại với xu hướng đi xuống trong đầu tư quốc tế của thế giới, tại Việt Nam, mức độ đầu tư FDI tiếp tục chứng kiến mức tăng nhanh chóng

Tuy nhiên, ngược lại với xu hướng đi xuống trong đầu tư quốc tế của thế giới, tại Việt Nam, mức độ đầu tư FDI tiếp tục chứng kiến mức tăng nhanh chóng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, số vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam là 19,2 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất tiếp tục là lĩnh vực chiếm ưu thế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các doanh nghiệp nước ngoài đang nhìn nhận Việt Nam như một thị trường đầu tư “thay thế” Trung Quốc. Khu vực BĐS tuy đứng sau sản xuất về độ hấp dẫn nhưng số vốn FDI “chảy” vào khu vực này vẫn duy trì xu hướng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài được ghi nhận trên thị trường BĐS là 0,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, phần lớn là các dự án đăng ký mới với giá trị khoảng 0,5 tỷ USĐ.

Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế quan trọng của thế giới vào năm 2025

Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế quan trọng của thế giới vào năm 2050

Trên đà này, JLL dự báo rằng thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục có một hấp lực khó cưỡng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2017, lượng vốn FDI đổ vào thị trường địa ốc Việt Nam được cho là sẽ “đạt đỉnh” trong nhiều năm trở lại đây. Có một điều đáng chú ý đó là nguồn vốn “tiềm năng” này đi vào BĐS nước ta chủ yếu thông qua con đường M&A và liên doanh.

Theo JLL, liên doanh đã trở thành một cụm từ phổ biến trong những giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài. Các thương hiệu ngoại, thông thường, họ sở hữu cho mình một tiềm lực tài chính mạnh mẽ, để “tiến quân” vào thị trường BĐS Việt Nam, họ xây dựng chiến lược liên kết với các doanh nghiệp địa phương - những doanh nghiệp có sở hữu đất đai và hiểu biết cũng như có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường trong nước.

Theo quan sát của JLL, hiện tại đang có hàng trăm triệu đô la đang “chờ” “đổ” vào thị trường BĐS Việt Nam, chủ yếu là các phân khúc nhà ở, văn phòng, khách sạn, mặt bằng bán lẻ và BĐS công nghiệp. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và “nở rộ” thời gian gần đây là nhiều cái tên Trung Quốc như CFLD, Country Garden, Jiayuan,…

Theo truyền thống, nhà ở vẫn sẽ là phân khúc có sức hấp dẫn lớn nhất. Bên cạnh đó, hiện nay các nhà đầu tư cũng chuyển mục tiêu sang các sản phẩm khác, đặc biệt là văn phòng hạng A có vị trí “đắc địa” với tiềm năng tăng trưởng về giá trị đồng vốn bỏ ra và lợi nhuận thu được lên tới 7-8%. “Chúng tôi nhận thấy một điều rằng nhu cầu thuê các không gian văn phòng của Việt Nam cao hơn các nước khác trong khu vực, trong khi đó nguồn cung lại thiếu thốn”, trích báo cáo của JLL. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang chứng tỏ “sự thèm muốn” của mình tại khu vực khách sạn.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vẫn được coi là “năng động” nhất và thể hiện sự quan tâm rõ nét nhất đến thị trường BĐS Việt Nam. “Chúng tôi dự đoán các thương hiệu đến từ Nhật Bản sẽ là những nhân tố chủ yếu làm khu vực FDI trên thị trường BĐS năm nay trở nên năng động. Trong tâm chính mà họ nhắm đến chính là nhà ở, căn hộ dịch vụ và văn phòng hạng A”, JLL cho biết.

Tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài là lớn, tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc tận dụng và giữ nguồn vốn này lâu dài. Trong đó, thách thức lớn nhất đó là việc thiếu vắng nguồn đất “sạch”. Trong các dự án nhà ở và dự án thương mại tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài đó là tìm kiếm nguồn đất “sạch”. “Sạch” ở đây có nghĩa là đất đã có quyền sử dụng đất, đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, đã thanh toán tiền sử dụng đất và có quy hoạch tốt. Tuy nhiên, những loại tài sản như vậy vẫn còn rất khan hiếm do thị trường BĐS Việt Nam đang còn “non nớt”, do đó các nhà đầu tư ngoại vẫn còn khá phân vân trong việc có đầu tư vào thị trường địa ốc của Việt Nam hay không.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vẫn còn khá “đóng” và được kiểm soát quá chặt, những khu vực thị trường mở với mức tăng trưởng cao và tiềm năng phát triển lớn thì còn rất ít. Hơn nữa việc tiếp cận với các tài sản tốt cũng bị hạn chế. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam đang phải vật lộn với việc tìm kiếm thông tin, đồng thời tốn quá nhiều thời gian và công sức với các công ty, tổ chức tư vấn đầu tư BĐS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top