Aa

Thị trường mua - bán nợ, bao giờ?

Thứ Sáu, 03/08/2018 - 06:01

Để có thị trường mua bán nợ - với sự tham gia của cả các nhà đầu tư nước ngoài, thì còn rất nhiều việc phải làm.

Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và đi vào hoạt động. Theo công bố của VAMC, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng... Tuy đã qua 5 năm hoạt động nhưng số phiên đấu giá trực tiếp thành công khoản nợ VAMC đã mua vô cùng khiêm tốn.

Không phủ nhận những thành tựu của VAMC 5 năm qua, song vấn đề đáng quan tâm nhất của Công ty trong thời gian tới là thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường - giải pháp được đánh giá là sẽ giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Quyết định số 618/QĐ-NHNN do NHNN ban hành ngày 12/4/2016, VAMC được thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường. Thực hiện quyết định này, VAMC đã mua nợ xấu với tổng giá trị dư nợ gốc đã mua là 2.938,6 tỷ đồng, giá mua nợ là 3.141,07 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/6/2018, doanh số mua nợ thị trường đạt 3.524 tỷ đồng.

Về chiều bán, khoản nợ xấu đầu tiên được VAMC mua và bán đấu giá thành công là khoản nợ xấu của Công ty TNHH Việt Thuận Thành.VAMC thu về 301 tỷ đồng, cao hơn 1,6 tỷ đồng so với mức khởi điểm. Lợi nhuận từ thương vụ này không lớn, bởi theo thỏa thuận, VAMC còn phải chia với Agribank – ngân hàng đã bán khoản nợ xấu cho VAMC ban đầu, nhưng rất có ý nghĩa. Bởi đây là bước "tập dượt" của cả VAMC và TCTD cũng như các nhà đầu tư khi tham gia mua, bán nợ xấu theo thị giá với tham vọng thị trường này sẽ dần hình thành và sôi động hơn trong tương lai gần.

"Thị trường mua bán nợ" - cụm từ này đã xuất hiện khá lâu với nỗi đau đáu của nhiều người trong giới tài chính – ngân hàng. Song cho đến giờ tất cả vẫn chỉ là kế hoạch, là mong muốn.

Vì thế việc Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông tiết lộ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai… đã cho chúng tôi niềm hy vọng mới.

Vậy để "chợ" mua bán nợ hình thành và đi vào hoạt động cần những gì? Theo ông Đông đó là hàng hóa (các khoản nợ nói chung, không nhất thiết phải là nợ xấu); người mua, người bán; người quản lý; và quan trọng nhất là cơ chế quản lý, hoạt động của thị trường.

Nhìn lại, trong những yếu tố này, hiện chúng ta có gì? Có hàng hóa (các khoản nợ xấu, sau đó có thể mở rộng là các khoản nợ nói chung); có người mua, người bán (VAMC, các TCTD, nhà đầu tư và sau có thể mở rộng hơn, kể cả cho các nhà đầu tư nước ngoài). Như vậy chúng ta đang thiếu khung pháp lý của "chợ" và cơ quan quản lý. Khúc mắc ở chỗ phải có chợ mới hình thành ban quản lý, khung pháp lý; hay phải xây dựng được khung pháp lý thì chợ mới có thể họat động?…

"Để tránh vướng mắc kiểu con gà hay quả trứng có trước, chúng tôi quyết định hình thành cái chợ trước, sau đó sẽ xây dựng khung pháp lý để quản lý. Nếu cứ phải có cơ chế quản lý xong mới xây chợ thì đến bao giờ?", ông Đông cho biết.

Để hình thành chợ, theo cách của VAMC trước hết phải minh bạch thông tin. Ai có hàng hóa có thể "show" lên một trang web. Những người quan tâm có thể nắm bắt thông tin cơ bản của khoản nợ; giá hiện tại của khoản nợ (nợ gốc, lãi…); giá theo đánh giá của cơ quan thẩm định giá; giá chào của bên bán…

Ông Đông khẳng định, việc xử lý nợ xấu thông qua mua, bán nợ theo giá thị trường giúp cho việc xử lý nợ thực chất, hiệu quả hơn theo nguyên tắc bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả... VAMC đặt mục tiêu sẽ cầm chịch thị trường mua bán nợ xấu của ngành Ngân hàng, sau đó mở rộng thành của cả nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu đặt ra, VAMC cần nguồn lực về vốn, công nghệ, tài sản, đặc biệt là nguồn lực về pháp lực.

Một trung tâm mua bán nợ xấu của ngành Ngân hàng có thể sớm hình thành trong tương lai. Nhưng để có thị trường mua bán nợ - với sự tham gia của cả các nhà đầu tư nước ngoài, thì còn rất nhiều việc phải làm. Vì thế, nếu chỉ có sự nỗ lực của VAMC, hay của cả ngành Ngân hàng mà không có sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành liên quan thì chưa biết đến khi nào "sân chơi" mới cho nhà đầu tư có thể vận hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top