Aa

Thiếu vốn, hàng trăm dự án nhà ở xã hội ách tắc

Thứ Ba, 07/05/2019 - 14:01

Thiếu vốn, hàng trăm dự án nhà ở xã hội ách tắc; sốt đất nền tỉnh lẻ: Đất Bắc Giang cũng “rục rịch” nóng... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Thiếu vốn, hàng trăm dự án nhà ở xã hội ách tắc

Đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu.

Khó khăn trên được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc sáng 20/5 tới đây.

Một trong những hạn chế của thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng nhìn nhận là nguồn cung nhà ở đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, bán giá cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (226 dự án, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn hộ, tổng diện tích khoảng 9.110.000 m2), số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường rất thấp.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do chương trình hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội không thuộc danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại nghị quyết 1023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhà Thủ Đức và nỗi trăn trở của cổ đông

Đại hội cổ đông CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) cơ bản đã thông qua các nội dung hội đồng quản trị trình, dù vậy, nhiều cổ đông chưa được “vui vẻ”.

Năm 2018, hiệu quả kinh doanh của TDH nhìn chung chưa cao mà nguyên nhân chính là do các khoản thua lỗ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của những công ty liên kết như CTCP Chứng khoán Sen Vàng (công ty liên doanh liên kết) và Công ty Thiên Ý (công ty con của FDC).

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2018 đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ và vượt 11% kế hoạch nhờ hoạt động thương mại xuất khẩu (nông sản, linh kiện điện tử). Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 62% kế hoạch với gần 93 tỷ đồng. EPS giảm 12% từ 1.444 đồng xuống 1.273 đồng. TDH dự kiến chi trả cổ tức 10% tiền mặt và chi cổ phiếu thưởng 15% từ nguồn vốn chủ sở hữu.

KWE Beteilgungen AG (hiện đang là cổ đông lớn nhất của TDH với sở hữu trên 10% cổ phần) và Quỹ Equity không hài lòng với kết quả kinh doanh năm 2018 nên kiên quyết bác bỏ tờ trình liên quan đến phân phối lợi nhuận và chi phí ngoại giao.

Đồng thời, hai cổ đông lớn đề xuất không trích lập 14% các quỹ trong năm 2018 và trích 10% đó cho cán bộ nhân viên (ESOP) để gắn lợi ích công nhân viên trong thời gian dài.

Xem chi tiết tại đây

Khu du lịch “khát nước” và câu chuyện hạ tầng bị bỏ quên

Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm, khách du lịch kéo về đông nghịt, nhưng cứ đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa khô, Sa Pa lại trở thành một khu du lịch “khát” nước.

Nguồn cung cấp nước chính cạn kiệt đã khiến cuộc sống của người dân và các hộ kinh doanh bị đảo lộn khi phải mua nước sạch để dùng với giá dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/m3. Khách du lịch cũng vì thế mà không khỏi hoang mang.

Tuy nhiên, Sa Pa cũng chỉ là một câu chuyện điển hình trong rất nhiều câu chuyện phát triển du lịch khác, khi hạ tầng thiết yếu còn đuối, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhưng số lượng các nhà hàng, khách sạn... vẫn tăng nhanh như vũ bão.

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nhận định: hạ tầng kỹ thuật của một khu vực bao gồm hệ thống đường sá, mạng lưới điện, hệ thống cấp, thoát nước, thu gom, xử lý rác thải… Đây là những yếu tố thiết yếu, là nền tảng quan trọng đối với sự phát triển của đô thị, nhất là đô thị du lịch: “Nếu như đến một thành phố hay một khu du lịch mà vấn đề đi lại khó khăn, dịch vụ thiếu thốn thì khó có thể giữ chân được du khách, đặc biệt là dòng khách cao cấp. Đồng thời, bản thân những người kinh doanh ở khu du lịch cũng không thể có những chiến lược, định hướng để phát triển lâu dài tại khu du lịch đó khi hạ tầng chưa được đảm bảo”.

Xem chi tiết tại đây

Công tác bảo trì các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM vẫn đang phải dùng ngân sách Nhà nước

Công tác bảo trì các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM vẫn đang phải dùng ngân sách Nhà nước (ảnh: internet)

Đề xuất điều chỉnh công tác thu và sử dụng phí bảo trì chung cư

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA chỉ rõ, Luật Nhà ở và Luật Xây dựng quy định về công tác bảo trì nhà chung cư có nêu rõ mức thu kinh phí bảo trì 2%. Đây là khoản thu cần thiết để có nguồn tài chính thực hiện công tác bảo trì chung cư. Tuy nhiên, quy định thời điểm đóng kinh phí bảo trì 2% khi nhận bàn giao nhà thì không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Bởi lẽ, tại thời điểm đóng kinh phí bảo trì thì nhà thầu thi công vẫn còn trách nhiệm bảo hành nhà chung cư.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần xem xét nữa là 2% quỹ bảo trì chung cư sẽ được sử dụng hết trong khoảng 15-20 năm. Sau đó, theo quy định của pháp luật thì các chủ sở hữu chung cư sẽ tiếp tục bỏ tiền bảo trì. Nhưng thực tế hiện nay công tác bảo trì chung cư sau thời gian hết quỹ bảo trì vẫn đang phải dùng ngân sách của nhà nước.

Do vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị xem xét hai phương án cải thiện bất cập kể trên.

Xem chi tiết tại đây

Sốt đất nền tỉnh lẻ: Đất Bắc Giang cũng “rục rịch” nóng

Từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản miền Bắc đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xu hướng đầu tư khi hàng loạt nhà đầu tư "bỏ thủ đô, ôm tiền về tỉnh lẻ". Xu hướng này được lý giải do tác động của chính sách quy hoạch xây dựng các thành phố vệ tinh thủ đô Hà Nội, trong đó các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên là trọng tâm... từ đó kéo theo sự phát triển và xu hướng dịch chuyển đầu tư bất động sản về các tỉnh vùng ven.

Một trong những điểm "sốt đất" trong thời gian qua phải kể đến Bắc Giang. Nằm cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 50km về phía Bắc và nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Giang được đánh giá là một trong những vùng đất màu mỡ cho các nhà đầu tư rót vốn.

Khảo sát tại một số sàn giao dịch cũng cho hay hiện giá đất đang ở mức 15 - 20 triệu đồng/m2 tại các khu vực cách thành phố Bắc Giang khoảng 10km, gần các cụm, khu công nghiệp, cao hơn thời điểm cuối năm 2018.

Theo lời một nhân viên sàn giao dịch bất động sản tại Bắc Giang cho biết: "Trong quý I/2019 đất nền thuộc khu vực Quang Châu (Bắc Giang – Việt Yên) có giá khoảng từ 15 - 19 triệu đồng/m2. Đặc biệt, đối với những lô diện tích vừa phải, dưới 60m2 thì nhiều người sẽ sẵn sàng mua với giá từ 20 - 23 triệu đồng/m2 và chắc chắn trong tương lai sẽ còn tăng nữa vì họ kỳ vọng rằng khu vực này cơ sở hạ tầng tốt, nhiều tiềm năng sinh lời, ở hay đầu tư xây dựng buôn bán cũng phù hợp…”

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top