Aa

Thú chơi tao nhã thời thị trường

Thứ Ba, 11/02/2020 - 06:05

"Chơi cây vẫn là thú chơi tao nhã với người tao nhã, bác ạ! Nhưng nó hết tao nhã khi có lòng tham chen vào thôi. Mà người kiếm được tiền dễ dàng quá, thì hay tham".

Về Bát Tràng tôi hay qua nhà một người bạn, là chủ một doanh nghiệp thành đạt. Anh còn trẻ, đẹp trai như tài tử Hàn Quốc. Mặc dù mới độ tuổi tứ tuần nhưng anh đã có thâm niên trong thú chơi cây cảnh và chim. Chiêm ngưỡng hàng chục chiếc lồng chim yến của anh cũng đủ biết đây là một người chơi công phu và mạnh tiền. Mỗi chiếc lồng chim cỡ năm chục triệu bằng tre già chạm khắc công phu. Nhưng cái tôi thích hơn là vườn cây cảnh của anh.

Tôi đứng đằng sau để nhìn anh tỉa cành uốn cây. Vừa làm anh vừa nói chuyện với cây: “Cây ơi, mấy năm trước thì mày nuôi tao, bây giờ thì tao nuôi mày, chăm sóc cho mày đây”. Nói chuyện với cây một chập, cây không nói lại cũng chán, anh quay sang tôi:

- Nghề viết của bác có mánh lới không? Em chắc nghề nào chẳng có mánh lới, bác nhỉ. Cái nghề nặn đất của em cũng đầy mánh lới. Thọi nhau lên bờ xuống ruộng trên đống mảnh sành, đau nhất là cái việc mình thương người thì bị hại đến thân. Em có thằng bạn nối khố, nó bị sa cơ. Em xắn tay lên giúp nó. Nó cũng nghề nặn đất như em. Em cho vay vốn rồi nhường cho nó một phần công việc. Em bảo nó, cứ chịu khó mà làm, khắc nên. 

Cái phần tôi nhường cho ông còn mới trong thị trường, có thể chưa bán được nhiều. Mình làm lâu sẽ thành thương hiệu. Ai ngờ nó chẳng làm cái mình nhường, nó đi học mót ngay cái thương hiệu ấm chén của em, nó làm cẩu thả, rồi bán giá bèo. Bác bảo có đau không?

Chơi cây là thú vui tao nhã của nhiều người. (Ảnh: Internet)

Nói chuyện một hồi, anh bạn lại bảo:

- Em chuyển qua đề tài khác cho bác đỡ chán nhé. Bác có cái thú chơi cây cảnh không?

- Nhà tớ ở phố chật như hũ nút, lấy chỗ nào cho cây mọc?

Anh cười:

- Cũng là thiệt thòi cho người ở phố. Chơi cây là thú vui rất tao nhã bác ạ. Em không phải là nhà thơ mà khi chăm sóc cho lũ cây của em, trong đầu em cứ nẩy ra những câu vần vần. Bác nhìn những cây của em đây. Bác tưởng chúng im lặng à. Chúng biết nói đấy bác ạ. Cây cảnh thì nguyên tắc đầu tiên là không được để cho cành lá phát triển vô tổ chức. Mà tự nhiên số một của cây là phát triển vô tổ chức, cứ nhiều ánh sáng, nhiều nước, nhiều thức ăn là vươn đến. 

Khi em tuốt hết lá, em uốn cành, em đều cảm nhận được sự đau đớn của cây. Đôi khi em rất đau đớn khi phải cắt đi một cái đọt vừa bung ra. Đổi lại khi cái cây thành hình hài như mình uốn tỉa thì rất sung sướng. Bác biết đấy, uốn cái cây đâu phải ngày một ngày hai, bét nhất ba năm mới thành hình hài.

Tôi phụ họa:

- Nghề chơi cũng lắm công phu. Chơi gì cũng vậy, nữa là chơi cây.

Anh bạn hào hứng:

- Một bí mật em xin cung cấp cho bác nhà văn nhé. Chơi cây thì tao nhã, mà bán cây thì phải… chộp giật. Nói là lừa đảo thì nặng quá, nhưng chộp giật thì không ngoa.

Tôi ngạc nhiên:

- Thế ư. Tôi cũng băn khoăn, nghe có những cây cảnh giá đến hàng chục tỷ đồng. Tôi cứ tự hỏi, giá cây như vậy ai định giá, căn cứ vào cái gì để định giá?

Anh bạn thấy tôi hứng thú, nên bắt đầu giảng giải:

- Chính đấy, chính vấn đề ở chỗ đấy đấy. Căn cứ vào cái gì để định giá cho cây? Giá từng loại cây và công chăm bón, đúng không? Em nói để bác biết nhá. Một cây xanh, cho phát triển vô tổ chức ở vườn, cây này rất dễ sống, đất nào cũng xanh um. 

Có lẽ vì vậy mà được đặt tên là cây xanh chăng? Sau vài ba năm đã đủ tiêu chuẩn để uốn nắn được bứng đi bán, có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Sau hai, ba năm nữa được uốn nắn thành ba tầng, bốn tầng, thế này thế nọ, là đã hét tướng lên bốn năm chục triệu. Công sức chăm bón? Cái này cũng có giá hẳn hoi chứ đâu phải trừu tượng. Đầu tiên là công của người nông dân tưới tắm, bón phân, công ấy thì rẻ bèo. Đến công uốn tỉa là công của nghệ nhân, ừ thì là công của nghệ nhân, cũng đâu có đắt gì ở cái đất ta. 

Nếu cứ tính chi li theo những công ấy thì mới thấy giá cây là giá trên trời. Vậy nên giá thực tế của cái cây, em đố ai nói được thực sự. Và “bí quyết” là nằm ở chỗ bán… cây. Muốn bán được một cái cây cảnh đắt giá thì phải “bắt thóp” được người mua. Cái sự mê cây nó thường hiện… ra mặt. Các bố mê cây như mê gái. Mình tỉ tê tán thêm vào.

Ảnh: Internet

Tôi hỏi:

- Có chuyện gì hay trong việc bán cây, mua cây, kể cho tôi nghe xem nào!

Anh chàng thủng thẳng vào chuyện:

- Mấy năm trước em đã chứng kiến một vụ bán cây xanh 150 triệu đồng. Quả là cây này đẹp, chỉ đẹp nhưng không phải độc. Chủ cây ra giá 200 triệu. Giới chơi cây lắc đầu lè lưỡi, kháo nhau, có bọn rửa tiền cũng chẳng mó váo. Thế mà đánh đùng một cái, nó bán được 150 triệu. Sau vụ mua bán thành công nó mới kể. Nó bắt thóp được tay mua cây mê cây, mới bảo tay mua cây không cần phải đặt tiền nong gì cả, cứ bê cây về nhà chơi chán đi. Tay kia liền bê cây về, suốt ngày quấn quýt như quấn gái. 

Bỗng một hôm có khách lạ đến chơi, xuýt xoa cái cây, tán vịnh đủ điều. Sau cùng bảo, bác có bán cho tôi không, nếu bác bán, tôi mua 200 triệu. Tay kia vội vàng tiễn khách rồi chạy vội vào tủ lấy 50 triệu đến đặt cọc. Rồi thì chờ mãi chờ mãi chẳng thấy người khách kia quay lại, thế là phải đến trả nốt 100 triệu. Bác thấy như thế, là nhà văn, bác nhận xét thế nào?

Tôi lắc đầu, lè lưỡi:

- Tôi nghĩ chơi cây, chơi hoa là thú chơi tao nhã. Chứ mua cây, bán cây như anh kể thế này, thì còn gì là tao nhã nữa?

Anh bạn phân tích:

- Nó vẫn là thú chơi tao nhã với người tao nhã, bác ạ! Nhưng nó hết tao nhã khi có lòng tham chen vào thôi. Mà người kiếm được tiền dễ dàng quá, thì hay tham. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau là thế.

Tôi buông một câu, chán chường:

- Nghe anh kể thế, tôi đâm chán thích ngắm cây, chơi cây đi mất.

Anh bạn vội kêu to:

- Ấy đừng, bác ơi! Em nghĩ bác là nhà văn, kể thế để cho bác biết thêm cái mặt trái của thú chơi gọi là tao nhã này. Mà nó mới nảy nòi ra cái thời thị trường khốc liệt này thôi. Chứ còn đại đa số chúng ta, yêu cây, chơi cây, chăm cây, nương tựa vào cây, thì ngàn đời nay, vẫn là thú chơi tao nhã. Bác nghe thế để hiểu, mà tránh đi chứ đừng giận cây, giận người chăm cây, chơi cây, nhé! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top