Aa

Thu hút nhà đầu tư chiến lược cho "đất ngọc"

Thứ Ba, 05/09/2017 - 11:32

Ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được ví như những vùng “đất ngọc”. Và để thu hút hiệu quả những nhà đầu tư lớn vào đây, cần giải đáp những vấn đề về mặt chính sách, cũng như tính đến chiến lược lâu dài.

Định hướng xây dựng, phát triển 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được cho là có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính đột phá để phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.

Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào 3 đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt này (ĐVHCKTĐB), đòi hỏi phải tính đến những điều kiện chọn lựa nhà đầu tư chiến lược - cùng đó là dự án đầu tư vào 3 ĐVHCKTĐB. Mặt khác, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ĐVHCKTĐB cần khắc phục được các tồn tại hiện có để không làm các tồn tại đó lớn hơn, giúp giảm thiểu các rủi ro có thể có trong tương lai khi sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Dựa vào điều kiện nào?

Theo dự thảo Luật ĐVHCKTĐB, nhà đầu tư chiến lược được xác định cần đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Đầu tư vào dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp có Casino, vốn đầu tư từ 44.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, qui mô vốn từ 12.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư vào sản xuất ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển của ĐVHCKTĐB, quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; hoặc đầu tư của một tập đoàn trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes năm trước thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cách đặt điều kiện như trên cho thấy đã có tính toàn diện, khi tính đến việc tận dụng được lợi thế tự nhiên sẵn có của ĐVHCKTĐB (như du lịch…), đầu tư vào kết cấu hạ tầng (cần phải ưu tiên làm trước), đầu tư vào trọng tâm ngành nghề phát triển (theo đúng quy hoạch) và là 1 trong 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu…

Tuy nhiên, nếu xem xét các điều kiện trên ở một góc độ khác (dựa trên thực tế thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua), cho thấy: Nếu chỉ có một trong các điều kiện đó, có lẽ chưa đủ, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược cần phải trả lời được các câu hỏi sau:

Đó là, nhà đầu tư nước ngoài có đặt cọc và có cam kết thực hiện dự án, thực hiện việc góp vốn đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, theo đúng cam kết của họ khi đăng ký đầu tư hay không? (việc đặt cọc của các nhà đầu tư trước khi được cấp phép đối với dự án đầu tư đăng ký đã được hướng dẫn tại NQ103/NQ-CP ngày 28/9/2013).

Kinh nghiệm của nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án tương tự tại các nơi khác trên thế giới? Có cam kết sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn công nghệ cao theo quy định hiện hành không? Có cam kết bảo vệ môi trường tự nhiên nơi đầu tư không?

Đối với nhà đầu tư Top 500, cũng nên quy định mức vốn (quy mô đầu tư). Cụ thể, đối với dự án của nhà đầu tư Top 500 không thấp hơn quy mô đầu tư so với quy định đối với một dự án đầu tư vào ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển của ĐVHCKTĐB.

 

Thực tế cho thấy, trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua đã có công ty nước ngoài từ các nền kinh tế mới nổi, sau khi phát triển nhanh trong 10 - 15 năm gần đây, được đưa vào danh sách 500 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Thế nhưng việc đầu tư tại Việt Nam của họ cũng không thật sự mẫu mực, đúng như cam kết khi đăng ký đầu tư. Phải thấy rằng các ĐVHCKTĐB nêu trên là những vùng “đất ngọc” của Tổ quốc (như tên gọi của Phú Quốc…).

Cho nên, việc thu hút đầu tư phải thực sự tính đến nhiều yếu tố khác, mang tính chiến lược lâu dài và cần được thận trọng trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cùng dự án của họ. Điều đó đòi hỏi phải giám sát chặt chẽ việc lựa chọn để tránh được các rủi ro sau khi cấp phép đầu tư. Chẳng hạn, có nhà đầu tư đăng ký đầu tư bằng một dự án có quy mô lớn, nên trở thành nhà đầu tư chiến lược (có điều kiện bổ trợ là nhà đầu tư này đến từ các nền kinh tế lớn).

Vậy nhưng họ đầu tư cầm chừng, dở dang, thay đổi công nghệ, thay đổi thiết bị, gây ô nhiễm môi trường. Cho nên đầu tư của họ không có hiệu quả... gây tổn thất cho địa phương nơi tiếp nhận đầu tư, chính quyền địa phương cũng khó khăn trong xử lý các hậu quả phát sinh.

Hoặc trường hợp có nhà đầu tư dựa vào dự án đăng ký có quy mô lớn của mình, đòi hỏi đưa hàng nghìn lao động giản đơn người nước ngoài vào làm việc tại các dự án của họ, với lý do địa phương không thể cung ứng được đủ lao động để đảm bảo tiến độ của dự án (bài học này trong quá khứ đã rất rõ).

Chiến lược lâu dài

Thực tế thu hút đầu tư nước ngoài đến thời điểm hiện nay đang có các tồn tại. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/7/2017, tỷ lệ số dự án đăng ký đầu tư theo hình thức doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài vượt trên 82% về dự án và trên 72,7% về vốn. Điều này cho thấy đã hạn chế việc tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài đối với các DN Việt Nam.

Trong khi hình thức DN liên doanh có khả năng khắc phục được yếu điểm trên, mà bên Việt Nam còn có thể phối hợp cùng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về môi trường, tài chính, kế toán, lao động…

Ngoài ra, cũng còn một bất cập khác cần được chú ý trong lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam nói chung và vào các ĐVHCKTĐB trong giai đoạn tới nói riêng.

Đó là việc tạo nên một tỷ lệ không cân đối giữa các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn (như Hoa Kỳ còn ở mức khiêm tốn) và thiếu vắng các đối tác đầu tư đến từ châu Âu.

Việc tạo nên một tỷ lệ quan hệ hài hòa trong đầu tư giữa một nền kinh tế nhỏ với các nền kinh tế lớn là việc làm cần thiết.

Hãy hình dung, trong tương lai, nếu chỉ căn cứ vào quy mô vốn lớn của dự án đầu tư để xác định đó là nhà đầu tư chiến lược để cấp phép cho nhà đầu tư đó vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Nếu không tính đến các vấn đề nhạy cảm khác, sẽ dễ dẫn đến việc chỉ có các nhà đầu tư chiến lược đến từ một quốc gia có tiềm lực kinh tế áp đảo, sẽ chiếm đa số đầu tư trong một ĐVHCKTĐB với trên 80% số dự án là các DN 100% vốn nước ngoài, cùng hàng vạn lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn (một hình thức xâm lấn mềm). Lúc đó Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được quản lý ra sao?!

Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ĐVHCKTĐB cũng cần tính đến việc tiếp tục phát triển 325 khu công nghiệp và 18 khu kinh tế hiện có… Nếu làm được đủ các việc đó, cộng với các ưu đãi thực sự mang tính vượt trội khi thông qua Luật ĐVHCKTĐB thì vấn đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới tạm có tính khả thi và đảm bảo được sự phát triển bền vững, hiệu quả lâu dài cho các ĐVHCKTĐB nói riêng và đất nước nói chung.

Về kinh nghiệm cụ thể để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các ĐVHCKTĐB, cho thấy mối quan hệ Chính phủ, quan hệ quốc tế của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng, luôn tạo được các cam kết từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Trên cơ sở đó, nếu có được một đội ngũ cán bộ xúc tiến đầu tư tinh nhuệ để triển khai các bước tiếp theo, các cơ sở pháp lý đã được hoàn thiện, thì việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ĐVHCKTĐB có nhiều khả năng sẽ thành công.Điều này yêu cầu cần có quy hoạch phát triển từng ĐVHCKTĐB rõ ràng. Trong đó xác định rõ ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển của mỗi ĐVHCKTĐB.

Mặt khác, phải có danh mục dự án gọi vốn đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược đã được cấp có thẩm quyền cao nhất chấp thuận về nguyên tắc với các điều kiện đầu tư cụ thể, để Ủy ban nhân dân ĐVHCKTĐB sau đó chỉ căn cứ vào các điều kiện cụ thể đối với từng dự án để cấp phép, mà không phải xin phép cấp trên nữa.

Hơn nữa, rất cần sự rõ ràng, minh bạch, công khai và đơn giản hóa mọi thủ tục về đầu tư, kinh doanh và đặc biệt là việc chuẩn bị đất sạch, đã được chính quyền địa phương giải phóng trước khi cho nhà đầu tư thuê… Không những vậy, nên có chuẩn bị sẵn việc cung ứng nguồn lao động cho các dự án; có đội ngũ công chức chuyên nghiệp, công tâm, tận tụy với nhiệm vụ được giao ở tất cả các khâu liên quan đến đầu tư.

Song song đó, chính quyền ĐVHCKTĐB phải luôn nắm chắc tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn để giải quyết ngay các khó khăn khi DN gặp phải trong quá trình đầu tư (đây chính là giải pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ rất có hiệu quả). Cần có sự chọn lựa địa bàn, đối tác với sự chuẩn bị kỹ, rõ ràng cho việc đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

Đồng thời, tiến hành việc lựa chọn quảng cáo và hình thức quảng cáo về các ĐVHCKTĐB trên các kênh truyền thông quốc tế có uy tín.

Còn nếu thiếu, dù chỉ là một (trừ việc quảng cáo và đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài) trong các nội dung trên thì việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ĐVHCKTĐB sẽ khó thành công toàn diện, bền vững và lâu dài.

Ts. Phan Hữu Thắng/ Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài - Bộ KH& ĐT

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top